(Trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước)
BP - Thưa ông, vừa qua Báo Người lao động có đăng bài “Giáo viên ngồi chơi xơi... ngân sách”. Bài báo phản ánh tình trạng tuyển dụng giáo viên ồ ạt của ngành GD-ĐT tỉnh Bình Phước, gây lãng phí hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước. Rất nhiều người cả trong và ngoài ngành băn khoăn không biết thực hư thế nào. Ông có ý kiến gì về nội dung bài báo đã nêu?
Hiện nay, hầu hết các trường tiểu học trong tỉnh đã đủ biên chế giáo viên. Ảnh: Giờ học ở một trường tiểu học tại thị xã Đồng Xoài - Ảnh: H.T
Cả tập thể cán bộ sở đều đã đọc và không đồng tình bởi hầu hết những nội dung trong bài báo đều không chính xác, phản ánh một chiều và gây nhầm lẫn cho người đọc. Thực tế, đợt tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT Bình Phước gần nhất là vào tháng 9-2012. Nhu cầu của ngành GD-ĐT tỉnh Bình Phước năm học 2013-2014 còn thiếu 843 biên chế, hiện UBND tỉnh đang trình Bộ Nội vụ thẩm định đề án. Từ tháng 9-2012 đến nay, ngành GD-ĐT Bình Phước không tổ chức tuyển dụng nên việc Báo Người lao động nêu “hàng năm, ngành giáo dục tỉnh Bình Phước ồ ạt tuyển giáo viên vào biên chế” là không đúng.
Bài báo đưa những thông tin rất cụ thể về tình trạng thừa biên chế ở một số trường, cá biệt trường Phổ thông cấp 2-3 Đồng Tiến thừa tới 26 giáo viên; trường Phổ thông DTNT Phước Long chỉ có 5 lớp nhưng có tới 33 biên chế... Nếu năm học 2013-2014, nhu cầu của ngành giáo dục tỉnh cần thêm 843 biên chế như ông nói thì tại sao lại có tình trạng như ở trường Phổ thông cấp 2-3 Đồng Tiến và trường Phổ thông DTNT Phước Long?
Nội dung mà Báo Người lao động đã nêu không mang tính toàn diện. Trong số các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT chỉ dư 26 biên chế tại trường Phổ thông cấp 2-3 Đồng Tiến do trước đây trường có hơn 40 lớp, nhưng hiện số học sinh giảm còn 30 lớp (do học sinh chuyển trường). Trong khi, các huyện, thị khác số học sinh của các cấp học đều tăng (chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học) nên vẫn cần bổ sung thêm giáo viên. Từ năm 2012 đến nay, ngành GD-ĐT Bình Phước chưa tuyển dụng thêm nên số giáo viên còn thiếu từ các năm học trước vẫn chưa được giải quyết.
Giáo viên trường Phổ thông DTNT tỉnh trong lễ khai giảng (ảnh chỉ có tính chất minh họa) - Ảnh: K.B
Đối với trường Phổ thông DTNT Phước Long hiện có 5 lớp, 33 biên chế trong đó chỉ có 12 giáo viên đứng lớp, còn lại là Ban giám hiệu và nhân viên phục vụ là vẫn phù hợp với định mức quy định của Bộ và tỉnh.
Bài báo viện dẫn ý kiến của một cán bộ sở GD-ĐT rằng chỉ cần giảm 200 biên chế dôi ra ở 11 trường vừa được kiểm tra thì mỗi năm đã có thể tiết kiệm được khoảng 12 tỷ đồng. Tôi thấy tính toán của vị cán bộ này khá cụ thể và thuyết phục. Vậy ông đã được cấp dưới tham mưu vấn đề này chưa?
Vì bài báo nói “một cán bộ sở GD-ĐT” mà không nêu rõ tên tuổi, chức danh cụ thể nên tôi không chắc có cán bộ nào đã nói với nhà báo hay không. Phần tôi chưa bao giờ nghe đồng nghiệp phản ánh hay tham mưu gì về nội dung này. Hơn nữa, việc tính toán như trong bài báo nêu chỉ đơn thuần về lợi ích kinh tế, hoàn toàn không phù hợp với thực tế của ngành GD-ĐT tỉnh. Trong điều kiện số lượng học sinh các cấp học trong tỉnh hàng năm đều tăng và trong thời gian thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương thứ 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì cần có sự phân công chuyên môn rõ ràng cho cán bộ, giáo viên các trường. Bên cạnh đó cần có số giáo viên dự trữ để dạy thay cho những giáo viên theo các lớp học nâng cao trình độ. Việc duy trì số biên chế của ngành GD-ĐT như hiện nay là cần thiết để tăng hiệu quả giáo dục và tăng tiếp xúc giữa học sinh, giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi để tăng thời gian trao đổi và thực hành trong quá trình học tập.
Ở một số trường vùng sâu, vùng xa vẫn tổ chức dạy ở các điểm lẻ. Nếu chỉ bố trí giáo viên theo quy định về biên chế giáo viên/lớp hoặc biên chế giáo viên/học sinh thì không đủ phục vụ các lớp tại điểm lẻ. Nếu vì áp lực kinh tế mà giảm giáo viên theo đúng định mức biên chế như tính toán của tác giả bài báo thì sẽ không thu hút được hết số học sinh trên địa bàn đến trường và sẽ tạo nhiều áp lực cho công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn.
Như vậy, nếu nói biên chế của ngành GD-ĐT dôi dư là không đúng; Nói giảm biên chế giáo viên để tiết kiệm kinh phí cho ngân sách như Báo Người lao động đã nêu là không phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Mới tuần trước, một số báo mạng đưa tin Sở GD-ĐT Bình Phước bổ nhiệm nhiều cán bộ cấp trưởng, phó phòng không đủ chuẩn. Ông có ý kiến gì về thông tin này?
Thời gian qua, Sở GD-ĐT Bình Phước bổ nhiệm 6 cán bộ cấp trưởng, phó phòng. Khi thực hiện việc bổ nhiệm thì gặp vướng mắc theo quy định tại Điểm a, mục 4, chương II Quyết định số 898-QĐ/TU ngày 3-7-2013 của Tỉnh ủy Bình Phước. Theo quy định này thì các chức danh trưởng, phó phòng và tương đương cấp sở phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu công việc, Sở GD-ĐT đã có văn bản trao đổi với Ban Tổ chức tỉnh ủy, Sở Nội vụ (tại Công văn số 1987/SGDĐT-TCCB ngày 8-11-2013; công văn số 2022/SGDĐT-TCCB ngày 14-11-2013) và thống nhất hướng vận dụng các văn bản, quy định của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để giải quyết vướng mắc nêu trên. Những cán bộ được nêu tên trong bài báo của VTC News được bổ nhiệm để tăng cường đội ngũ kế cận, chuẩn bị thay thế và bổ sung cho các đồng chí chuyển công tác, nghỉ hưu. Những trường hợp chưa đủ chuẩn, sở cũng chỉ tạm thời phân công, giao nhiệm vụ quản lý. Khi các đối tượng này đủ điều kiện theo quy định mới xem xét, bổ nhiệm chính thức.
Trở lại bài báo đăng trên Báo Người lao động, tôi thấy tác giả đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể. Vậy trong các nội dung báo này đã nêu, nội dung nào ông cho là đúng và ngành GD-ĐT Bình Phước cần phải khắc phục?
Hầu hết nội dung Báo Người lao động và các báo mạng đưa tin đều không chính xác, toàn diện và chưa phản ánh được thực tế tại ngành GD-ĐT Bình Phước. Tuy nhiên, có một vấn đề báo nêu, chúng tôi thấy cần phải xem xét, điều chỉnh. Đó là ngành chưa kịp thời điều động giáo viên nhằm bổ sung, điều chỉnh biên chế giữa các đơn vị cho hợp lý.
Để tránh gây nhầm lẫn cho cán bộ, viên chức trong ngành cũng như dư luận xã hội từ sự việc báo nêu vừa qua, thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tăng cường công khai công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời rà soát, điều chuyển số giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu cho phù hợp.
P.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065