PV: Thưa ông, diễn biến tình hình bệnh SXH ở Bình Phước năm nay như thế nào?
TS-BS Quách Ái Đức: Tính đến ngày 3-3-2019, toàn tỉnh có 393 ca mắc SXH, tăng 160% so cùng kỳ năm 2018 (151 ca). Tất cả huyện, thị, thành phố đều có ca bệnh tăng. Trong đó, Hớn Quản tỷ lệ mắc tăng cao nhất (450%) và thấp nhất là thị xã Phước Long (71%) so cùng kỳ năm 2018. Chưa có trường hợp tử vong và cũng không có dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. So với 19 tỉnh, thành trong khu vực phía Nam về số lượng ca mắc tuyệt đối thì tại Bình Phước phát hiện 393 ca SXH/tổng 25.506 ca của toàn khu vực (chiếm 1,5%). Bình Phước xếp thứ 10/20 tỉnh, thành về số ca mắc tuyệt đối. Trong đó, một số tỉnh, thành phố ở khu vực miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng khá cao so cùng kỳ năm 2018.
PV: Ngành y tế tỉnh đã triển khai các biện pháp nào để chủ động phòng bệnh, thưa ông?
TS-BS Quách Ái Đức: Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch phòng chống SXH năm 2019, trong đó phải đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm ca mắc, giảm trường hợp tử vong do SXH. Tăng cường thông tin, truyền thông để người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống SXH. Xây dựng kế hoạch chiến dịch diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất để chủ động phòng, chống SXH tại các địa bàn có nguy cơ cao. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất diệt côn trùng, duy trì đội cơ động chống dịch sẵn sàng đáp ứng chống dịch khi cần. Tăng cường giám sát ca bệnh hằng ngày, phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, kiểm tra, giám sát tuyến dưới.
PV: Cốt lõi của phòng, chống SXH vẫn là nâng cao ý thức của người dân. Theo ông, công tác tuyên truyền phải thay đổi như thế nào để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh?
TS-BS Quách Ái Đức: Truyền thông làm thay đổi hành vi là công việc phải làm thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức. Quan trọng nhất là việc kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở người dân thực hiện những hành vi có lợi. Với tuyến tỉnh, huyện cần phối hợp các cơ quan truyền thông phổ biến kiến thức phòng, chống SXH trong các trường học, các buổi họp dân hoặc tuyên truyền bằng khẩu hiệu, tờ rơi, sách nhỏ, những buổi thăm hỏi của cộng tác viên y tế. Nội dung tuyên truyền liên quan đến tình hình diễn biến bệnh SXH trong cả nước, tại tỉnh, huyện hoặc xã về số mắc và tử vong trong một vài năm gần đây. Triệu chứng của bệnh, sự cần thiết của việc điều trị kịp thời để giảm số ca tử vong. Tuyên truyền phòng, chống SXH tập trung các nội dung nhận biết vòng đời, nơi sinh sản, trú đậu, hoạt động hút máu của muỗi truyền bệnh, những biện pháp cụ thể, đơn giản mà mỗi người dân có thể tự áp dụng để loại bỏ ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh. Đối với hộ dân, vận động từng thành viên gia đình thực hiện các biện pháp thông thường phòng, chống SXH. Đối với cộng đồng, tổ chức hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần tại các khu vực có ổ dịch đang hoạt động. Đồng thời tiếp tục duy trì 2 tuần/lần ở những tháng cao điểm để loại trừ nơi sinh sản của véc-tơ ở công cộng và tư nhân. Kết hợp hoạt động phòng, chống SXH với các lĩnh vực phát triển dịch vụ cộng đồng khác như: dịch vụ thu gom rác, cung cấp nước sinh hoạt...
PV: Ông khuyến cáo người dân cần thực hiện những biện pháp cụ thể nào để chủ động phòng bệnh SXH?
TS-BS Quách Ái Đức: Mỗi người dân, gia đình và các cơ quan công sở cần hạn chế tối đa nơi sinh sản và phát triển của muỗi bằng cách vệ sinh môi trường như thu gom, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết. Đậy nắp, thau rửa thường xuyên những dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Diệt lăng quăng 2 lần/tuần. Phòng chống muỗi chích bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, có thể dùng nhang xua đuổi muỗi, kem chống muỗi, hoặc bình xịt muỗi cá nhân tại hộ dân. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, thoáng mát. Khi gia đình có người bị sốt cần đưa đến cơ sở y tế ngay để được khám, tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Dung (thực hiện)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065