SỰ TRỞ LẠI ĐÁNG LO NGẠI
Đến thời điểm này, Bình Phước đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 2 huyện Bù Đăng và Lộc Ninh. Trong khi đó, bạch hầu lại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện mầm bệnh lây lan từ cộng đồng nên rất khó kiểm soát, nguy cơ bùng phát cao, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng “lõm” về tiêm chủng.
KÝ ỨC BUỒN
Trước sự trở lại của bệnh bạch hầu, chúng tôi đã về ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú - một trong những địa bàn “nóng”, được xem là trung tâm của ổ dịch bạch hầu cách đây chừng 4 năm. Thời gian trôi qua, nhưng những ký ức buồn vẫn còn hiện hữu trên khuôn mặt chị Thị Lan (dân tộc S’tiêng) khi mất đi con gái đầu lòng Thị Lai bởi căn bệnh mang tên bạch hầu. Thời điểm đó, Thị Lai 12 tuổi và em được gia đình đưa đi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong đó có 3 liều vắc-xin phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Chị Thị Lan nhớ lại: “Lúc đầu thấy cháu bị sốt, cảm cúm, sổ mũi bình thường, gia đình đưa cháu lên huyện Phú Riềng khám nhưng bệnh tình không giảm. Lo sợ, chúng tôi đã chuyển cháu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám và yêu cầu gia đình chuyển cháu về Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh. Tới Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị được 4 ngày thì cháu mất”.
Người dân xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú chủ động đưa trẻ đến tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu tại Trạm y tế xã (ảnh chụp ngày 24-7-2020)
Năm 2016, huyện Đồng Phú là trung tâm của bệnh bạch hầu. Thời điểm đó, toàn huyện có 49 trường hợp có các triệu chứng mắc bạch hầu. Qua kết quả xét nghiệm có 10 ca bị nhiễm bệnh, trong đó 3 ca tử vong, 3 ca lâm sàng và 4 ca cho kết quả xét nghiệm dương tính. Trong đó, chủ yếu tập trung tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi.
Theo bác sĩ Đinh Thị Tuyết Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thuận Lợi, người trực tiếp có mặt tại trung tâm ổ dịch cách đây 4 năm: Thời điểm đó, ấp Thuận Tiến có trên 300 hộ, gần 1.400 người, trong đó trên 80% là đồng bào S’tiêng. Sở dĩ dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại khu vực này do đây là địa bàn vùng sâu, xa, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt thấp. Do đó dẫn đến xuất hiện ca bệnh và nhanh chóng lây lan ra cộng đồng.
DIỄN BIẾN KHÓ LƯỜNG
Cùng với khu vực Tây nguyên, bệnh bạch hầu đã xuất hiện và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Bù Đăng, ca dương tính với bệnh bạch hầu đầu tiên được xác định là em N.T.T.D (SN2006), dân tộc Tày, trú thôn Thống Nhất, xã Đắk Nhau. Sau khi có các triệu chứng sốt, đau họng, mệt mỏi, chán ăn, bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ban đầu nghi ngờ bệnh bạch hầu nên đã gửi hình ảnh tổn thương của bệnh nhân đến Viện Pasteur và Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh. Qua kết quả xét nghiệm lần 2, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh kiểm tra sức khỏe bệnh nhân Đ.K trước khi chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh điều trị
Ông Điểu Đia, người thân của bệnh nhân cho biết: “Sau khi nghỉ hè, cháu được mẹ đón về nhà và không có biểu hiện gì. Sau đó khoảng 1 tuần, cháu bị sốt, gia đình đưa đi khám và được các bác sĩ thông báo cháu bị bệnh bạch hầu. Hiện mẹ con cháu đã được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để điều trị”.
Trường hợp thứ 2 dương tính với bệnh bạch hầu là bé Đ.K, 5 tuổi, dân tộc S‘tiêng, trú ấp Tà Tê 1, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Theo anh Điểu Bin - cha của bệnh nhân, sau khi con có triệu chứng sốt, đau họng, ăn uống kém, nghĩ bị cảm cúm thông thường nên gia đình đã tự mua thuốc tây ở tiệm gần nhà về cho uống. Tuy nhiên, do bệnh không giảm nên gia đình đưa cháu đi khám tại phòng khám gần nhà. Sau khi kiểm tra, nhân viên phòng khám khuyên gia đình chuyển cháu lên Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện amidan bệnh nhân có điểm trắng mờ, nghi ngờ giả mạc ở một bên trái. Ngay sau đó, cháu đã được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm. Ngày 1-8, bộ phận dịch tễ của Viện Pasteur thông báo kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo: “Đối với bệnh bạch hầu, ngoài vấn đề tiêm chủng để nâng cao thể trạng miễn dịch trong cộng đồng, nếu phát hiện các dấu hiệu sốt, viêm vọng phải lập tức đưa ngay đến cơ sở y tế để được phát hiện sớm, điều trị sớm, thậm chí sớm khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”. |
Anh Điểu Bin cho biết: “Ngày thường cháu vẫn khỏe mạnh, chơi với các bạn gần nhà, không đi ra khỏi địa phương. Mấy hôm trước có dầm mưa nên bị cảm cúm, ho, sốt, chúng tôi có cho cháu đi khám và mua thuốc về uống nhưng không khỏi. Gia đình cho cháu nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm và được biết cháu bị bệnh bạch hầu. Gia đình rất lo lắng vì từ nhỏ cháu không được tiêm chủng đầy đủ”.
Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, lây qua đường hô hấp, tất cả mọi lứa tuổi, giới tính đều có thể mắc bệnh, nhưng thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm chủng. Đối với 2 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Bù Đăng và Lộc Ninh đều có nguồn lây từ cộng đồng, lại ở địa bàn vùng sâu, xa, nơi nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh còn hạn chế.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065