Suốt tuần qua, sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn vừa được trả tự do sau hơn 10 năm phải thi hành bản án oan sai đã và đang tiếp tục gây chấn động dư luận và làm nóng hàng ngàn trang báo. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là ngay sau hôm ông Chấn được trả tự do thì ngày 5-11, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận toàn thể đầu tiên về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Chính vì thế mà ngay trên nghị trường và bên lề phiên thảo luận, đã có rất nhiều đại biểu thể hiện chính kiến của mình về sự kiện này.
Qua các phương tiện truyền thông về vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, có người cho rằng, các cơ quan nội chính đã dũng cảm nhìn thẳng cái sai, nhận sai và sẵn sàng sửa sai. Nhưng cũng nhiều người cho rằng, việc này chẳng có gì là “dũng cảm” cả. Oan sai rõ ràng như vậy thì đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà các cơ quan xét xử phải trả lại cho công dân. Có người thể hiện chính kiến bằng một câu hỏi phản biện: Nếu kẻ sát nhân thực sự trong vụ án không ra đầu thú thì sẽ ra sao? Rồi có người lại quả quyết, án oan vẫn còn không ít, ông Chấn chỉ là một trong số ít ỏi người may mắn được số phận mỉm cười mà thôi! Lại có người hỏi nếu ông Chấn bị tử hình rồi thì sửa làm sao?
Thực ra, án oan, án kéo dài hàng chục năm, thậm chí 27 năm như vụ tranh chấp đất của bà Nguyễn Thị Tư ở phường Long Phước (TX. Phước Long); hay gần đây là “kỳ án vườn mít” kéo dài 9 năm với 6 bản án khiến Bình Phước trở nên nổi tiếng là không hiếm. Việc các cơ quan tố tụng phải công khai xin lỗi, bồi thường cho công dân vì đã xử oan sai cũng không còn là chuyện quá hiếm trong thời gian gần đây. Hồi cuối tháng 5-2012, Viện kiểm sát nhân dân và Công an huyện Đồng Phú đã phải công khai xin lỗi và bồi thường danh dự, sức khỏe, thu nhập cho 9 công dân do chỉ dựa vào lời khai của nhân chứng và bị hại để khép 9 người này vào tội cướp giật tài sản.
Trả lời câu hỏi vì sao số án oan, án tồn ngày càng nhiều? có nhiều người cho rằng: Nguyên nhân chính là bởi chúng ta đang quá thiếu đội ngũ cán bộ chuyên ngành được đào tạo bài bản. Tại huyện Bù Đăng, trong 9 tháng đầu năm, bình quân mỗi thẩm phán phải xét xử 9 vụ án/tháng. Tưởng mức đó đã là quá ngợp, nhưng theo ông Nguyễn Hữu Trí, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh thì mức độ xét xử 9 vụ án/tháng của các thẩm phán ở Bù Đăng chưa phải cao. Mức bình quân chung của cả tỉnh hiện nay là mỗi thẩm phán xét xử 13 vụ/tháng, trong khi mức quy định là từ 4-6 vụ/tháng, nghĩa là mỗi thẩm phán ở Bình Phước đang phải gồng mình làm gấp hơn hai lần định mức công việc. Còn ở ngành kiểm sát, hiện cả cấp tỉnh và cấp huyện, thị đều đang thiếu trầm trọng kiểm sát viên, nhất là kiểm sát viên trung cấp.
Ngoài thiếu cán bộ chuyên ngành, không thể không kể đến nguyên nhân là không chỉ người dân mà ngay cả người làm công tác bảo vệ pháp luật cũng còn non kém về nghiệp vụ, chuyên môn. Đã có nhiều vụ việc do bỏ sót tình tiết, thiếu chứng cứ nên đã “sai một ly đi một dặm”. Vì thế, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Bình Phước nói riêng, cả nước nói chung không chỉ là ồn ào giải quyết một vụ việc cụ thể nào đó mà cần phải có phương án, giải pháp hành động cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất án tồn đọng, án oan sai.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065