BP - Những ngày qua, câu chuyện các thanh niên tình nguyện gom góp tiền để “giải cứu” dưa hấu của nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã được cả xã hội lên tiếng ủng hộ. Đây không phải là lần đầu tiên thanh niên tình nguyện “giải cứu” nông sản của nông dân và cũng không phải là lần đầu tiên nông dân tỉnh Quảng Ngãi được giải cứu dưa hấu trong tình trạng giá bán ra thị trường không đủ tiền công thu hoạch. Hành động của hàng trăm thanh niên tình nguyện gom góp tiền mua rồi đem dưa đến khắp mọi miền Tổ quốc kêu gọi chung tay hỗ trợ nông dân nghèo chắc chắn là một hành động đẹp và được cả xã hội đồng tình. Nhưng xét ở góc độ quản lý xã hội, chắc chắn cần những hành động hơn thế.
Hằng năm, trên mọi miền đất nước, hàng triệu nông dân sản xuất ra biết bao nông sản. Trong số hàng trăm mặt hàng nông sản đó, có rất nhiều sản phẩm nông dân bán ra lời lớn, cũng có rất nhiều sản phẩm lời ít hoặc không có lời, thậm chí không hiếm sản phẩm bán ra nhà nông còn bị thua lỗ. Được mùa, mất mùa, thắng lớn hay thua lỗ là chuyện không mới trong sản xuất - kinh doanh nói chung, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Vấn đề là làm thế nào để hạn chế thấp nhất xảy ra thua lỗ và nếu thua lỗ, mất mùa thì làm sao để thiệt hại ít nhất mà thôi. Trong câu chuyện “giải cứu” dưa hấu ở Quảng Ngãi, có chi tiết khiến những ai quan tâm không thể không suy nghĩ. Đó là nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã “sập bẫy” các “thương lái” của Trung Quốc và “đau” hơn khi chiếc bẫy này đã từng được thương lái Trung Quốc giăng ra với chính nông dân trồng dưa ở Quảng Ngãi.
Vài năm trước, nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi mở mang diện tích trồng dưa hấu bán cho thương lái Trung Quốc thu mua với khối lượng lớn, có lãi kha khá. Thế nhưng, được ít vụ, bất ngờ đến mùa thu hoạch tháng 3, tháng 4-2015, thương lái Trung Quốc... ngừng thu mua dưa của nông dân Việt Nam. Khi đó, nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đã cay đắng phải bỏ không vườn dưa vì giá bán không đủ tiền công thu hoạch. Thanh niên tình nguyện vào cuộc bằng cách mua rồi đem đến các thành phố lớn kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ, giúp đỡ. Sau đợt giải cứu đó, thương lái Trung Quốc tiếp tục quay lại “dụ” nông dân miền Trung với cách thức tương tự. Và cái bẫy đó lại sập một lần nữa vào vụ thu hoạch năm nay. Bài học đắt giá này chắc chắn không chỉ dành cho Quảng Ngãi. Bình Phước với nhiều mặt hàng nông sản là chủ lực kinh tế của tỉnh cũng phải hết sức cảnh giác trước mọi thủ đoạn của thương lái Trung Quốc, không thể để xảy ra một “cơn bão” thu mua lá điều non một lần nữa như đã từng xảy ra.
Hầu hết mặt hàng nông sản của nông dân Việt Nam từng rơi vào cảnh tương tự. Hậu quả không chỉ nông dân mà cả doanh nghiệp Việt Nam cũng khốn đốn... Không ít lần các chuyên gia, cơ quan truyền thông cảnh báo về việc “thương lái” Trung Quốc có rất nhiều chiêu trò phá hoại kinh tế, đặc biệt là nền nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, không hiểu sao, những chiếc bẫy của họ vẫn còn tác dụng? Vì sao người nông dân thua hết keo này đến keo khác? Các cơ quan chức năng đã hành động như thế nào trước thực tế đó?
Thanh niên tình nguyện vào cuộc giải cứu nông sản chỉ là một giải pháp tình huống. Không thể mỗi khi nông sản mất giá thì thanh niên lại vào “giải cứu”. Vì thế cần một giải pháp bài bản, khoa học, bền vững đối với vấn đề tiêu thụ nông sản. Đó có thể là một chuỗi tiêu thụ với tỷ lệ phần trăm cụ thể cho người sản xuất, công vận chuyển, nhà phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng? Trí tuệ và nhiệt huyết của tuổi trẻ Việt Nam, doanh nhân Việt Nam sẽ làm được điều đó nếu như có quyết tâm, ý chí lớn và sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065