BP - Chỉ hơn 2 tháng đầu năm 2017, cả nước đã liên tiếp xảy ra những vụ ngộ độc rượu làm chết nhiều người. Vụ ngộ độc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 10-2-2017 tại một đám ma ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu khiến 7 người tử vong và 31 người phải cấp cứu chưa nguôi ngoai thì ngày 15-2 lại có 81 người phải nhập viện sau khi ăn cỗ cưới ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Rồi ngày 8-3 vừa qua, 11 sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hải Dương cũng bị ngộ độc do uống rượu chứa hàm lượng methanol cao trong bữa liên hoan. Sau khi được điều trị tích cực, vẫn có 2 ca bệnh rất nặng, nếu sống được cũng để lại di chứng rất nặng nề như mù mắt, thần kinh...
Dư luận hoang mang đặt câu hỏi, vậy thì rượu độc chứa methanol đáng sợ đó từ đâu ra? Sau hàng loạt vụ ngộ độc rượu đặc biệt nghiêm trọng, Đài Tuyền hình Việt Nam đã thực hiện hàng loạt phóng sự ngắn về đường đi của rượu độc và ai đã từng xem những phóng sự ấy hẳn không khỏi kinh hoàng trước “công nghệ” sản xuất rượu có một không hai ở rất nhiều cơ sở. Tại một cơ sở sản xuất rượu gạo thuộc xã Trương Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, phóng viên hoàn toàn không thấy có bếp nấu, cũng không hề có gạo nhưng chủ cơ sở này cho biết mỗi ngày xưởng xuất bán từ 700-800 lít rượu. Cách “nấu” rượu của chủ cơ sở này là chắt một lượng nhỏ dung dịch màu từ bồn inox đổ vào can nhựa, pha với một dung dịch màu trắng có mùi cồn, sau đó lắc mạnh để các chất hòa tan với nhau. Chỉ trong nháy mắt đã có một can rượu tá - một nơi được xem là làng nghề nấu rượu thì người ta chứng kiến trên con đê chạy dọc thôn Đại Lâm của xã, la liệt các thùng phuy loại 100, 200 và 300 lít. Hàng chục loại rượu ra đời từ cùng một thứ nguyên liệu: Rượu pha bằng cồn trôi nổi, thậm chí cồn công nghiệp độc hại. Muốn biến thành rượu nếp cẩm, nấu cơm gạo cẩm lên, bóp vụn ra, thả vào. Muốn thành rượu nếp cái hoa vàng, rượu hương cốm mới thì thả vài giọt nước tạo mùi là thơm nức. Cứ thế đóng chai đem đi bán.
Mà không chỉ có rượu độc, chúng ta đang bị đầu độc bởi rất nhiều loại thực phẩm bẩn. Mở bất cứ trang báo nào cũng tràn ngập những lời cảnh báo. Từ các loại thịt hoặc nội tạng súc vật, hải sản ươn thối được “phù phép” thành đặc sản, đến các loại trái cây để cả 9 tháng không hỏng. Rồi nước lẩu không cần xương, “công nghệ” biến gà công nghiệp thành gà đồi béo ngậy nhờ... bột sắt, hầm xương “siêu tốc” nhờ bột tẩy rửa hầm cầu, lợn tai xanh làm chả, ruốc, khô mực được làm từ cao su... Nhưng cảnh báo cứ cảnh báo, người ăn cứ ăn.
Có lẽ người Việt chúng ta dễ dãi nhất trong việc ăn uống. Các nhà báo đã phải liều mình để quay được cận cảnh những thước phim sống động về con đường vận chuyển cũng như quy trình biến tất cả thực phẩm ôi thối thành đặc sản. Thế nhưng từ quán vỉa hè đến các nhà hàng sang trọng, trai thanh gái lịch vẫn chen nhau gặm cánh gà, chân gà và thưởng thức nội tạng nướng cùng với rượu độc, dù từng đọc báo hoặc nghe đài rằng chân gà, dạ dày lợn mốc xanh sau khi được tẩy rửa bằng thuốc ướp xác lại trở nên trắng đẹp. Truyền hình đưa rất nhiều hình ảnh rùng mình về hậu quả của việc ăn phải thực phẩm nhiễm sán lợn, sán chó, cúm gà... nhưng tại các quán nhậu, người ta vẫn vô tư cụng ly bên những chén tiết canh sống sít, nhiễm bẩn và đầy độc tố. Rồi rượu chẳng cần theo quy trình lên men, chưng cất truyền thống, chỉ cần có mùi men là có thể “trăm phần trăm” rồi!
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065