Theo đại diện của Bộ GD-ĐT, bên cạnh khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin tích cực phục vụ việc học tập, giảng dạy, vui chơi, giải trí, ngành cũng định hướng để giáo viên, học sinh không sử dụng mạng xã hội vào những việc tiêu cực. Thông tư 06 chỉ là quy định khung, từ đó các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hóa trong các bộ quy tắc ứng xử riêng, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn tại cơ sở, phù hợp với văn hóa, vùng miền. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này xâm phạm quyền bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân, là cách làm “không quản được thì cấm”, đồng thời gây hiện tượng chồng chéo, không cần thiết do đã được luật hóa trong Luật An ninh mạng.
Theo quy nêu định trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy, nội dung này rất chung chung, bởi không phát tán thông tin, vậy những thông tin như thế nào thì không được phát tán. Đơn cử như trường hợp một học sinh phát hiện bạn bè đánh nhau hội đồng hay thầy cô nào đó vi phạm đạo đức nhà giáo, có cách hành xử không đúng mực dưới góc độ của người thầy đối với trò thì học trò này có quyền được chia sẻ trên mạng xã hội hay không? Vì thế, quy định nêu trên chỉ là giải pháp “chữa cháy”, chứ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đồng thời, việc này thể hiện sự lúng túng, bế tắc của Bộ GD-ĐT trước nhiều vụ việc liên quan đến tình trạng bạo lực học đường hay những vấn đề tiêu cực liên quan đến ngành giáo dục thời gian qua.
Và nội dung này còn thể hiện, bộ chưa chú trọng cung cấp, rèn luyện kỹ năng, ý thức tuân thủ pháp luật cho cả giáo viên lẫn học sinh, sinh viên vì quy định này đã được luật hóa trong Luật An ninh mạng và các nghị định của Chính phủ. Một khi luật đã có thì không nhất thiết phải sinh ra quy định mới, mà điều quan trọng là phải xây dựng được ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật. Mặt khác, trong trường hợp quy định riêng này mâu thuẫn với những nội dung của pháp luật hiện hành thì giáo viên phải theo quy định nào? Hoặc giáo viên, học sinh không đề cập đến vấn đề trong ngành giáo dục mà phát tán các thông tin tiêu cực, vấn đề liên quan đến ngành khác thì có được phép hay không?
Từ thực tế nhận thấy, việc đưa ra quy định mới đối với riêng một ngành khi nội dung đó đã được luật hóa chỉ khiến việc thực hiện thêm khó khăn, vì những quy định nêu trên làm ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, cuộc sống, công tác, học tập của giáo viên và học sinh, sinh viên. Rất mong Bộ GD-ĐT quan tâm xem xét và bãi bỏ những quy định không cần thiết. Đồng thời, tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của thầy cô giáo và học sinh, sinh viên trong việc phát tán thông tin trên mạng xã hội.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065