Ở Bình Phước, những năm gần đây, ngành nghề nông thôn (NNNT) đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là khôi phục và phát huy nghề truyền thống.
TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Cơ sở sản xuất mộc gia dụng Đoàn Văn Năm ở thôn 2, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) được nhiều người biết đến không chỉ bởi sản phẩm đẹp, chất lượng tốt mà còn tạo việc làm cho lao động trong xã. Gây dựng được 16 năm, đây là cơ sở sản xuất mộc gia dụng có tuổi đời lâu nhất trên địa bàn. Trung bình, cơ sở này tạo việc làm cho 15-20 lao động, có lúc đến 30 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Điểm hay của cơ sở là nhận cả lao động phổ thông để vừa phụ việc vừa hướng dẫn học nghề; đồng thời bố trí chỗ ở cho người lao động gần xưởng để thuận tiện làm việc.
Đồng bào Xêtiêng mong muốn bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm thông qua các làng nghề truyền thống
Ông Lê Văn Sự ở xã Phước Minh (Bù Gia Mập), chủ một cơ sở chế biến hạt điều cho biết: Thời điểm số người làm nhiều nhất là sau thu hoạch vườn, rẫy. Lò chẻ hạt điều của ông đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, thu nhập trung bình từ 1 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
ĐA NGÀNH NGHỀ
Toàn tỉnh hiện có 6.892 cơ sở NNNT, tăng 248 cơ sở so với cuối năm 2012. Hoạt động trong lĩnh vực NNNT có 455 doanh nghiệp. Riêng về sản xuất, chế biến hạt điều có 350 cơ sở và 188 doanh nghiệp. Hằng năm, các cơ sở NNNT đã giải quyết việc làm cho gần 40 ngàn lao động, chủ yếu là lao động nông thôn. Loại hình chế biến nông sản chiếm nhiều lao động nhất, khoảng 27 lao động/cơ sở. Thu nhập trung bình ở các nhóm NNNT từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 40 nghề khác nhau, được xếp vào 7 nhóm ngành nghề, trong đó xu hướng phát triển và giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn là nghề chế biến hạt điều, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ. Các nhóm ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, cơ khí nhỏ; xây dựng vận tải và các dịch vụ phục vụ đời sống sản xuất nông thôn phát triển khá đồng đều. Trong số các cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản trên toàn tỉnh thì thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập chiếm đa số và tập trung vào chế biến điều nhân. Đối với các cơ sở sản xuất đồ gỗ, phần lớn hoạt động theo mô hình nhỏ lẻ, tập trung vào các mặt hàng thô sơ, đơn giản.
Tuy nhiên, hiện các cơ sở, doanh nghiệp đều thiếu lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Đây là trở ngại lớn cho quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành nghề. Bên cạnh đó, vốn đầu tư sản xuất không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, khó khăn về tài chính, tín dụng, đất đai, chính sách thuế... Trình độ chuyên môn kỹ thuật và năng lực quản lý của chủ cơ sở còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu trong tỉnh không có khả năng cạnh tranh do các cơ sở ngành nghề thiếu vốn đầu tư, sử dụng công nghệ lạc hậu. Tỉnh hiện chưa có làng nghề, lĩnh vực du lịch cũng chưa phát triển mạnh. Đây là trở ngại trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
QUẢNG BÁ SẢN PHẨM GẮN VỚI DU LỊCH
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3012/QĐ-UBND, ngày 28-12-2010 về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Quy hoạch đã chỉ ra một số giải pháp cụ thể về xúc tiến thương mại, góp phần tiêu thụ sản phẩm: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các cơ sở sản xuất làng nghề, sản phẩm ngành nghề nông thôn của tỉnh; cần xây dựng những thương hiệu mạnh, gắn liền với văn hóa, lịch sử và thế mạnh của Bình Phước (hàng dệt may thổ cẩm, điều, tiêu...) có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Nhiều sản phẩm nổi tiếng của Bình Phước được bạn hàng trong và ngoài nước biết đến gắn liền với cây điều, đồ gia dụng, bàn ghế làm từ gỗ điều, cao su... Với lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện các sản phẩm thổ cẩm, đồ mây tre đan, mỹ nghệ... chưa được tập hợp, phát triển thành các tổ, làng nghề, hợp tác xã với quy mô tập trung có sự định hướng đầu tư và giới thiệu sản phẩm.
Việc khôi phục, phát triển các ngành nghề gắn với phát triển du lịch là hướng đi mới, có ý nghĩa chiến lược vừa mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa tạo điểm nhấn cho khu du lịch gắn những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhiều điểm du lịch như Bà Rá - Thác Mơ, Lâm viên Mỹ Lệ, Khu di tích Tà Thiết - Bộ chỉ huy Miền, Trảng cỏ Bù Lạch... là các điểm đến lý tưởng để quảng bá sản phẩm.
Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065