Ngày đầu gian khó
Phó chủ tịch UBND xã Đường 10 Dương Thị Chang cho biết: Đường 10 được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Đắk Nhau và một phần nhỏ của xã Bom Bo, gồm 6 thôn, với 1.681 hộ/7.149 người, trong đó 52% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm gần 20%, gần 95% người dân làm nông nghiệp. Xã được chọn làm điểm mô hình mới nên đồng chí Đặng Bá Anh được phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; đồng chí Lèng Thị Dư là Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã. Ngày đầu hoạt động, trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN xã và các ban, ngành, đoàn thể chưa có, phải mượn hội trường nhà văn hóa thôn 1 để làm việc. Đến cuối năm 2014, khi trụ sở mới được xây dựng đưa vào hoạt động thì cán bộ, công chức xã mới có nơi làm việc khang trang, rộng rãi hơn.
Cán bộ, công chức xã Đường 10 giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân tại bộ phận “một cửa”
Năm 2009, toàn xã chỉ có 5km đường nhựa liên xã, số còn lại là đường đất; 66% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, số còn lại phải dùng đèn dầu, bình ắc-quy, máy phát. Đặc biệt, xã có 3 trường học thì cả 3 đều thuộc diện cấp 4 thành lập trên cơ sở tách ra từ điểm lẻ của các trường ở xã Đắk Nhau. Cô Nguyễn Thị Thoại, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến cho biết: Trường thành lập tháng 7-2009 trên cơ sở tách từ điểm lẻ của Trường THCS Chu Văn An, xã Đắk Nhau với 4 phòng học cấp 4. Lúc bấy giờ, trường có 300 học sinh/9 lớp. Vì thế, để ổn định nền nếp và hoạt động, trường vận động xã hội hóa kêu gọi nhà hảo tâm, phụ huynh đóng góp làm 3 phòng học, 3 phòng làm việc nhỏ và 1 văn phòng, 1 thư viện. Do kinh phí ít và cần có phòng gấp nên tất cả chỉ dựng tạm bằng khung sắt, lợp và bao bọc xung quanh bằng tôn lạnh. THCS Nguyễn Khuyến lúc đó là ngôi trường có nhiều phòng tạm nhất tỉnh.
Tương tự, những ngày đầu thành lập xã, cơ sở vật chất, Trường mẫu giáo Thanh Bình phần lớn là phòng học tạm, mượn nhà văn hóa thôn, nhà dân để dạy học. Cô Hoàng Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường cho biết: Năm 2009, trường có 200 cháu/11 nhóm, lớp, do thiếu phòng học nên phải học 2 ca/ngày. Cùng với thiếu thốn về cơ sở vật chất trường lớp thì đời sống người dân khó khăn, nhiều hộ dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên gây khó cho công tác vận động trẻ 5 tuổi đến lớp, chỉ đạt khoảng 90%.
Sức bật sau 10 năm
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 6 Trịnh Huy An cho biết: Là thôn xa trung tâm nhất xã và giáp xã Phú Văn (Bù Gia Mập) nhưng người dân ở đây luôn cần cù, chịu khó, không trông chờ, ỷ lại, tích cực lao động sản xuất. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), từ năm 2016 đến nay, nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng cùng Nhà nước làm 2,3km đường bê tông; 2 năm 2018-2019 đóng góp 130 triệu đồng mua 1,6 sào đất, đồng thời đóng góp 200 triệu đồng cùng vật liệu, hàng trăm ngày công làm nhà văn hóa thôn rộng 120m2, bê tông 300m2 sân. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và đảm bảo an ninh trật tự, năm 2014, thôn 6 tiên phong trong toàn xã vận động nhân dân đóng góp mỗi hộ 500 ngàn đồng làm 2km đường điện thắp sáng... Đến nay, các tiêu chí NTM ở thôn 6 cơ bản hoàn thành; nhiều năm thôn không có học sinh bỏ học, tỷ lệ đậu đại học ngày càng cao; 3 năm liền thôn đạt khu dân cư văn hóa.
Mặc dù còn là “xã 135” nhưng về Đường 10 hôm nay ai cũng nhận thấy sự đổi thay toàn diện. Nhờ các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực huy động sức dân, những năm qua xã đã xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, trụ sở làm việc theo hướng hiện đại, bề thế; trong các khu dân cư nhà kiên cố ngày càng nhiều. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng các ngành thương mại và dịch vụ được tăng lên. Hộ nghèo giảm mỗi năm 10-13 hộ, đến nay còn 189 hộ, giảm 138 hộ so với năm 2009. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” liên tục được phát động và thu nhiều kết quả với 5/6 thôn đạt khu dân cư văn hóa; trên 94% hộ đạt gia đình văn hóa. An ninh trật tự luôn được đảm bảo, đặc biệt xã luôn là đơn vị trong sạch về tệ nạn xã hội. Phong trào xây dựng NTM được nhân dân hào hứng tham gia và thực hiện hiệu quả. Năm 2018, xã đạt 11/19 tiêu chí và phấn đấu đạt 14/19 tiêu chí vào cuối năm 2019.
Đến nay, trục đường đi các xã Đắk Nhau, Phú Văn đã được nhựa hóa khang trang. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp làm 8km đường bê tông vào các trung tâm thôn, tổng trị giá hơn 3,3 tỷ đồng. Nhiều năm qua, nhân dân tự nguyện đóng góp gần 500 triệu đồng làm 14,56km đường điện thắp sáng; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 98%. Đến nay, ngoài Trường tiểu học Võ Thị Sáu đang có chủ trương xây dựng mới, còn lại các trường THCS Nguyễn Khuyến, Mẫu giáo Thanh Bình, Trạm Y tế, trụ sở xã đã được đầu tư xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe và làm việc của con em, người dân, cán bộ, công chức xã.
Bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Thực hiện Quyết định 999 của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đường 10 đã sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đến nay, xã đã thực hiện giảm 1 công chức (kế toán), giảm 7 chức danh bán chuyên trách và giao cho công chức kiêm nhiệm. Ngoài ra, một số công chức khác thực hiện kiêm, như công chức địa chính kiêm giao thông thủy lợi, công chức văn hóa - xã hội kiêm dân tộc - tôn giáo và đài truyền thanh. Việc thực hiện nhất thể hóa các chức danh và giảm cán bộ thôn được thực hiện theo đề án. Cụ thể, cuối năm 2018 thực hiện 6/6 thôn bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, 7 chức danh thôn còn lại cũng đã thực hiện xong.
Chủ tịch UBND xã Đường 10 Nguyễn Cảnh Thảo cho biết: Nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, từ khi có trụ sở làm việc của bộ phận “một cửa”, UBND xã tăng cường bố trí 2 công chức địa chính, 2 công chức tư pháp và 1 công chức lao động - thương binh và xã hội tiếp, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, hiệu quả, giúp người dân giảm thời gian, chi phí. Trước đây thay vì phải đến xã 3 lần làm giấy khai sinh, nhập khẩu, làm thẻ bảo hiểm cho con thì nay người dân chỉ đến 1 lần là có kết quả của cả 3. Đây là mô hình “3 trong 1” xã thực hiện từ tháng 7-2018; mô hình cán bộ đến thôn hướng dẫn người dân lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 08/2017 của UBND tỉnh, Đường 10 trở thành địa bàn làm tốt nhất trong toàn huyện được Huyện ủy, UBND huyện khen thưởng.
“Thiết thực kỷ niệm 10 năm thành lập, xã vận động lắp 26 mắt camera trị giá gần 100 triệu đồng, 2 hàng cờ Đảng, cờ Tổ quốc trị giá 10 triệu đồng, xây tặng 1 căn nhà tình thương 60 triệu đồng; vận động mỗi cán bộ, công chức trồng 1 cây xanh. Đồng thời vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 100 bàn, ghế đá đặt trong khuôn viên trụ sở phục vụ nhân dân” - ông Nguyễn Cảnh Thảo nói.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065