Xưởng may của gia đình anh Nam
Sinh ra ở tỉnh Quảng Nam, anh Nam cầm kim chỉ bắt chước thợ may quần áo từ những năm còn học THCS. Năm 1987, anh theo người thân vào Bình Phước học nghề may thủ công. Học và làm công được 2 năm, anh trở thành người thợ cả khéo léo và tự mở tiệm may riêng. Nhiệt tình với khách hàng, lại chuyên nghiệp trong nghề như chỉ nhìn hình dáng khách là có thể cắt may chính xác mà không cần đo, vì thế khách hàng đến với tiệm may của anh khá đông. Mối quan hệ thân thiết với khách mang đến cho anh cơ hội tiếp cận những hợp đồng may đồng phục học sinh, cơ quan, hợp đồng gia công cho các thương hiệu ở thành phố. “Lợi nhuận từ những hợp đồng ấy không cao nhưng cũng đủ thắp lên ước mơ trong tôi. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc lập xưởng may, làm hàng may mặc với dây chuyền chuyên nghiệp thay vì thủ công như hiện nay”.
Buổi đầu tự chủ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về vốn, kỹ thuật. Lúc đầu, tôi chỉ đủ vốn để mua máy móc khoảng 3-4 triệu đồng, chủ yếu làm thủ công. Năm 2004, tôi lập gia đình. Vợ chồng tôi đều là thợ may có tay nghề nhưng thu nhập cũng bấp bênh nên nuôi thêm 4 chuồng heo thịt, 2 chuồng heo nái. Duy trì được 2 năm, tôi thấy hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển sang mua rẫy trồng cao su. Tích cóp được số vốn tương đối, tôi đầu tư mua máy may công nghệ hiện đại. Đến nay, trung bình mỗi ngày xưởng của gia đình xuất hơn 300 sản phẩm may mặc” - anh Nam cho biết.
Để sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng, anh Nam tự thiết kế mẫu hoặc làm theo ý tưởng của khách đặt, đo lại theo thông số kỹ thuật và cắt. Hiện xưởng may của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 nhân công, chủ yếu là lao động địa bàn với mức lương từ 4-6 triệu đồng/tháng. Chị Phạm Thị Ngọc, công nhân xưởng may chia sẻ: “Tôi làm tại xưởng may của gia đình anh Nam được gần 20 năm. Vợ chồng anh Nam đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc nâng cao tay nghề. Công việc phù hợp và đều nên tôi có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình”.
Vợ chồng anh Nam coi công nhân như người thân, luôn động viên, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Với những lao động trẻ, anh chị tận tình hướng dẫn không chỉ trong công việc mà còn góp ý trong lối sống, suy nghĩ. Một số công nhân khi gặp hoạn nạn, vợ chồng anh giúp họ vượt qua khó khăn. Không chỉ quan tâm người lao động trong xưởng may, vào dịp lễ, tết, anh chị còn tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người già cô đơn ở xã Tân Tiến. Đồng thời vận động công nhân ủng hộ quần áo và tổ chức đi làm từ thiện tại địa bàn.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi, hiện gia đình anh đã có cửa hàng thời trang tại thị xã Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, đồng thời cung cấp quần áo cho các chợ đầu mối... “Tôi dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất để vừa phát triển kinh tế gia đình vừa giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn” - anh Nam nói.
Hiền - Quý
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065