Năm 1418, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược tại vùng đất Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), lịch sử gọi là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đông đảo nhân dân cùng hào kiệt trong cả nước tham gia cuộc khởi nghĩa. Quân Minh tổ chức truy sát khiến quân khởi nghĩa phải di chuyển sâu vào vùng núi vừa hoạt động bí mật vừa gây dựng lại lực lượng. Sau khi củng cố lại lực lượng, Lê Lợi bắt đầu thực hiện các chiến dịch quân sự giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa vào năm 1424. Đến cuối năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn làm chủ toàn bộ vùng đất từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa. Tháng 8-1426, Lê Lợi chia quân làm 3 cánh tiến ra Bắc đánh tan viện binh từ Vân Nam kéo sang. Cuối năm 1426, nhà Minh điều 20 ngàn quân cùng 30 ngàn thổ binh tiến vào nước ta. Tướng giặc tại Đông Quan là Vương Thông đem 10 vạn quân tạo thành 2 gọng kìm hòng tiêu diệt quân Lam Sơn. Lê Lợi sai Đinh Lễ, Nguyễn Xí mai phục tại Tốt Động, Chúc Động đánh địch. Quân Minh thua trận, 2 phó tướng cùng 5 vạn quân bị giết và 1 vạn quân của Vương Thông bị bắt sống. Quân Minh chạy về thành Đông Quan cố thủ cầu cứu viện binh. Cuối năm 1427, vua Minh sai Liễu Thăng đưa 10 vạn quân từ Lạng Sơn, Mộc Thạnh dẫn 5 vạn quân từ hướng Vân Nam sang tiếp ứng Vương Thông. Lê Lợi cho quân mai phục tại khu vực Chi Lăng, Xương Giang. Khi quân Minh từ Lạng Sơn đến lọt vào trận địa, quân ta đánh và chém chết Liễu Thăng. Quân Mộc Thạnh hay tin Liễu Thăng bị giết liền giẫm lên nhau chạy về nước. Vương Thông kéo cờ trắng đầu hàng, Lê Lợi cấp cho lương thực cùng thuyền, ngựa để y dẫn đám tàn quân về nước vào cuối tháng 12-1427. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ, lập nên triều đại nhà Lê và khôi phục nước Đại Việt...
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, chấm dứt 20 năm chiếm đóng của bọn phong kiến phương Bắc, mở ra kỷ nguyên thịnh vượng cho dân tộc ta. Đặc biệt, thắng lợi của cuộc chiến này đã thể hiện những kết tinh của trí tuệ, sự đoàn kết, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của nhân dân ta. Sau khi đánh đuổi được giặc Minh, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết “Bình Ngô đại cáo” tuyên bố kết thúc chiến tranh, giành lại nền độc lập cho Đại Việt. Tác phẩm này được các nhà nghiên cứu đánh giá là Bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc ta.
T.Phong
(Trích nguồn các sự kiện nổi tiếng thế giới)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065