BP - Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020” đã đáp ứng sự mong mỏi của số đông nhân dân. Theo đề án, “Mọi người dân được cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng về biển, đảo Việt Nam... 100% học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT, THCS được cung cấp thông tin, kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam”. Như vậy, sắp tới đây, những thông tin về biển, đảo sẽ được cập nhật đầy đủ trong sách giáo khoa (SGK) và tài liệu giảng dạy các cấp.
Thực tế là hiện có nhiều học sinh, sinh viên thiếu kiến thức căn bản về biển, đảo và chủ quyền vùng biển Việt Nam. SGK Lịch sử, Địa lý hiện nay la liệt các sự kiện, nặng nề; thừa nhiều cái không cần nhưng lại thiếu những nội dung căn bản. Nội dung quan trọng mang tính thời sự hiện nay là sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cùng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng SGK chưa đề cập, cho dù tư liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của chúng ta ở Trường Sa, Hoàng Sa hết sức phong phú. Với số lượng bài học ít ỏi về biển, đảo và chỉ nêu vài nét khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biển trong chương trình Địa lý, chưa thể giúp học sinh có cái nhìn toàn diện và hiểu biết cụ thể về các vấn đề biển, đảo Việt Nam.
Chính sự thiếu hụt thông tin, kiến thức về biển, đảo trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục đại học mà học sinh, sinh viên Việt Nam đa phần mơ hồ về biển, đảo. Đã nhiều năm qua, điểm thi THPT môn Lịch sử rất thấp. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, điểm thi trung bình môn Lịch sử là 3,79. Trong 28.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử thì có tới 80,9% bài thi điểm dưới trung bình, chỉ 19,1% đạt điểm trên trung bình - một con số khiến những ai quan tâm đến giáo dục không khỏi ngẫm ngợi. Tại đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu đại dương năm 2014 - thời điểm biển Đông đang dậy sóng khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, có thí sinh đã khiến khán giả “cười ra nước mắt” với phần ứng xử ngô nghê. Trả lời câu hỏi: “Trước hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc với việc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, em có suy nghĩ và thái độ như thế nào?”. Sau một hồi suy nghĩ, người đẹp trả lời hết sức ngây ngô: Là một công dân yêu nước, khi biết Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương vào vùng biển Việt Nam, em rất bức xúc. Nó xâm phạm vào lãnh thổ, vùng kinh tế của đất nước Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy..., mở giàn khoan đó ra để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn (!?).
Với Quyết định số 930 của Thủ tướng Chính phủ, hy vọng ngành GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan sẽ rốt ráo vào cuộc để sớm lấp những lỗ hổng lớn về thông tin, kiến thức biển, đảo trong chương trình GD-ĐT các cấp. Giới trẻ lớn lên, dù ở vị trí nào cũng cần nhận thức sâu sắc về chủ quyền biển, đảo nước nhà. Những trang sử bi hùng của ông cha ta trong quá trình gìn giữ chủ quyền biển, đảo sẽ khơi gợi ở giới trẻ lòng tự hào dân tộc, để họ có động lực hoàn thành tốt trách nhiệm công dân.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065