Tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ không phải là vấn đề mới nhưng lại chưa bao giờ cũ. Đó là những vụ tham nhũng lớn với số tiền hàng triệu USD hoặc chỉ là những “ổ mối nhỏ” với một vài tờ có mệnh giá 20, 50 ngàn đồng trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính ở cấp cơ sở. Tham nhũng dù bất kỳ mức độ, cấp nào đều là mối nguy hại, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 cũng cho thấy: “Tham nhũng còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”. Nhiều quy định tréo ngoe vẫn đâu đó tồn tại, như muốn thanh lý cây kìm, chiếc mỏ lết đã hỏng, doanh nghiệp phải tìm lại trong đống chứng từ chiếc mỏ lết, cây kìm này mua ở đâu, hợp đồng, hóa đơn nào nếu muốn được coi là hợp pháp…; hoặc đòi hỏi doanh nghiệp phải có những hóa đơn, chứng từ mà khi nhập khẩu ở nước sở tại không hề có và không cần phải có. Muốn cho xong việc, không cách nào khác doanh nghiệp, chủ cơ sở phải “biết điều” bằng việc hối lộ, “bôi trơn” hoặc tác động bằng các hình thức khác.
Những năm gần đây, rất nhiều “củi lớn”, “củi nhỏ” và cả “củi tươi” đã bị đưa vào “lò”, tạo được bước đột phá mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Trong năm 2020, nhiều cán bộ đã bị tạm đình chỉ để phục vụ điều tra, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới đến nay vẫn là khâu yếu, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Không khó khi đọc báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương tại hội nghị, cuộc họp, báo cáo chuyên đề với những nhận định, đại loại như: tham nhũng đang từng bước được kiềm chế; chưa phát hiện trường hợp tham nhũng hoặc có nhưng không hề đưa ra được những con số cụ thể, định lượng rõ ràng, ai, ở đâu, xử lý ra sao? Hằng năm, cán bộ, công chức, viên chức từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều phải kê khai tài sản, thu nhập. Các bản kê khai được công khai theo quy định nhưng chẳng mấy ai bị phát hiện, chỉ đến khi có sai phạm, bị tố cáo, có sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì mới thực sự “lộ mặt”, “khai vậy mà không phải vậy”.
Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương và tổ chức đảng đang tiến hành kiểm điểm, đánh giá, bình xét năm 2020. Việc tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước, nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên qua các kênh là vô cùng quan trọng, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công văn số 4080/UBND-NC của UBND tỉnh thêm một lần nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần phải nghiêm túc thực hiện, với tinh thần quyết tâm cao, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Hoàng Ngọc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065