Ngày 9-12-2013, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị Hoàng Thị Kim Dung, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trú tại khu đô thị Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội đã hạ sinh hai bé trai là Hồ Sỹ Hoàng Hải và Hồ Sỹ Hoàng Đức.
Sẽ là chuyện hết sức bình thường nếu như hai cháu trai này không phải được thụ tinh trong ống nghiệm và sinh ra từ tinh trùng của người cha là Hồ Sỹ Ngọc đã mất đột ngột cách đây gần 4 năm vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, sự kiện chào đời của hai đứa trẻ này đã và đang gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Từ sự kiện này cũng cho chúng ta thấy rõ những bất cập và khoảng trống của pháp luật hiện hành. Cụ thể là tại Khoản 2, Điều 18 trong Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học có quy định như sau: “Trong trường hợp người gửi tinh trùng bị chết, cơ sở lưu giữ tinh trùng phải hủy số tinh trùng của người đó”. Với quy định này, người gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng lúc còn sống sẽ không còn cơ hội sinh con từ tinh trùng của mình sau khi đã chết.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sự việc này dưới góc độ khoa học, nhân đạo, nhân văn thì ai cũng thấy rõ, nhưng xét về pháp lý thì tiến sĩ Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 18 trong Nghị định số 12/2003/NĐ-CP. Với vi phạm này, tiến sĩ Vương Văn Vệ - người trực tiếp giúp chị Dung thụ tinh trong ống nghiệm cùng Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội - nơi lưu giữ tinh trùng của người đã chết là anh Hồ Sỹ Ngọc, sẽ bị xử lý như thế nào?
Chưa hết, vấn đề phức tạp là hai đứa trẻ sẽ không có tên cha trong giấy khai sinh. Bởi cả pháp luật Dân sự và Hôn nhân và Gia đình hiện nay đều chưa có quy định cụ thể về trường hợp này. Đồng thời, hiện các quy định của pháp luật hiện hành mới chỉ điều chỉnh về việc khai sinh cho trẻ em trong và ngoài giá thú. Và cũng theo những quy định của pháp luật hiện nay thì mẹ của hai cháu bé sẽ phải khai sinh cho con là con ngoài giá thú. Vì người cha của hai cháu thực chất đã không còn tồn tại trên thế gian này cách đây đã gần 4 năm. Nhưng về mặt khoa học thì không ai có thể phủ nhận hai cháu bé này không phải là con của anh Ngọc.
Như vậy, từ vụ việc này đã cho chúng ta thấy rõ “khoảng trống pháp luật”, do thực tiễn đi trước khả năng điều chỉnh của pháp luật. Vấn đề đặt ra ở đây là có nên cấm người chết sinh con hay không đang là việc mà các nhà làm luật cần quan tâm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Và nếu không cấm thì trong Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sắp tới cần bổ sung quy định về việc xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp người vợ sinh con bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm từ việc kết hợp giữa tinh trùng của người chồng đã mất và noãn của người vợ.
Nếu pháp luật cho phép thì việc lưu giữ, bảo quản mô và tinh trùng, kể cả trứng của phụ nữ sẽ mở ra cơ hội cho những cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc chưa kịp có con khi 1 trong 2 người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đột ngột tử vong. Tuy nhiên, pháp luật cần có những quy định cụ thể đối với từng trường hợp, nếu không sẽ có nhiều người thi nhau sinh con từ tinh trùng, trứng của tử thi, vì luật không cấm?
K.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065