Thay khớp nhân tạo
Cụ Võ Văn Hoàn (SN1938), xã Phước Tân, huyện Phú Riềng bị gãy cổ xương đùi trái do tai nạn trong sinh hoạt, được chỉ định thay khớp háng. Thay vì phải đi hơn 100km đến Bệnh viện Chợ Rẫy để mổ thì cụ Hoàn được phẫu thuật thành công ngay tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Các bác sĩ Khoa Ngoại cho biết, để có thể thay khớp nhân tạo mà vẫn đảm bảo chức năng vận động cho người bệnh, ê-kíp phẫu thuật đã cắt cổ xương đùi bị gãy nát, lấy chỏm, đường kính chỏm 45mm; tiếp theo khoan ống tủy, đặt stemp số 12,5; inset (vật lồng vào) 28-3,5; head (cái đầu) 47; sau đó nắn chỏm vào ổ cối, kiểm tra tốt, đặt ống dẫn lưu; sau cùng là may vết mổ 2 lớp và nẹp zimmer chân trái - loại nẹp dùng trong trường hợp bị tai nạn liên quan đến vùng cẳng chân, cần dụng cụ cố định xương chân. 2 ngày sau mổ, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và xuất viện sau 1 tuần điều trị. Khoảng 3 tuần sau, người bệnh có thể bắt đầu vận động, tập đi lại. Để chức năng khớp háng sau mổ phục hồi tốt nhất, bệnh nhân được hướng dẫn tập phục hồi chức năng sớm, đúng cách ngay sau mổ. Nguy cơ trật khớp háng cao nhất trong 6-8 tuần sau mổ. Để tránh nguy cơ này, trước khi mổ các bác sĩ đã hướng dẫn tư thế cần tránh sau mổ cho người bệnh và thân nhân.
Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Ngô Văn Kiên cho hay: Do khả năng liền xương ở người lớn tuổi kém nên bệnh nhân được chỉ định thay khớp háng nhân tạo bipolar. Người bệnh tuổi đã cao, xương gãy không thể điều trị bảo tồn, nếu không can thiệp phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bệnh nhân sẽ chịu nhiều đau đớn, phải nằm một chỗ, đối mặt với các nguy cơ viêm loét do tì đè, nhiễm trùng, cơ thể suy kiệt dẫn tới tử vong. Trước đây, bệnh nhân thường được sơ cứu sau đó chuyển thẳng về Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ đề án bệnh viện vệ tinh, phẫu thuật gãy xương đùi đã trở thành kỹ thuật bình thường tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngoài ra, các kỹ thuật khác như: Kết hợp xương hiện đại, vi phẫu, nội soi khớp đã được thực hiện thành công tại Khoa Ngoại. Nhờ bệnh viện vệ tinh, tuyến dưới thực hiện được các kỹ thuật khó giúp giảm tải cho tuyến trên, đỡ gánh nặng trong việc ăn ở, đi lại và giảm rủi ro cho bệnh nhân trong thời gian chuyển tuyến.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết thêm: Nhờ thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh nên trình độ tay nghề của các bác sĩ được nâng lên rõ rệt, những kỹ thuật khó được thực hiện thành thạo. Việc hội chẩn được các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ kịp thời qua điện thoại, email hoặc hội chẩn trực tiếp qua internet. Dự kiến trong năm 2018, mỗi tháng Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đưa 2 bác sĩ giỏi đến khoa vệ tinh của Bệnh viện đa khoa tỉnh để “cầm tay chỉ việc”, giúp các bác sĩ tuyến tỉnh được trao đổi trực tiếp với chuyên gia, tăng khả năng cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại bệnh viện tuyến dưới.
quên cả giao thừa
Khoa Ngoại hiện có 64 giường bệnh, điều trị chủ yếu các loại chấn thương ở các chi, sọ não và một số bệnh lý về chỉnh hình. Khoa hiện có 6 bác sĩ trình độ chuyên khoa I chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và 6 điều dưỡng. Trung bình ngày thường khoa điều trị từ 20-30 bệnh nhân. Tuy nhiên, những ngày cuối năm và lễ, tết, cao điểm có ngày khoa tiếp nhận 40 bệnh nhân mới, chưa kể bệnh nhân đang điều trị nội trú.
Bệnh nhân, người nhà phải đón giao thừa ở bệnh viện đều rất buồn nhưng với các y, bác sĩ thì không phân biệt đêm 30, mồng 1 hay mồng 2 tết. Họ luôn phải thay nhau trực trong bệnh viện, sẵn sàng cứu bệnh nhân. Khi chọn nghề này, người thầy thuốc chấp nhận hy sinh nhiều thứ, trong đó có việc đón giao thừa trong bệnh viện. Tuy vậy bệnh viện vào những ngày tết cũng có không khí ấm áp như trong gia đình. Trực tết ở bệnh viện, các y, bác sĩ cùng nhau đón giao thừa. Mọi người thay nhau tập trung về hội trường của khoa uống trà, ăn bánh mứt và chúc nhau năm mới an lành. Sau khoảnh khắc giao thừa, lãnh đạo bệnh viện cùng các y, bác sĩ đi tặng quà, thăm hỏi, động viên bệnh nhân...
Bác sĩ của Khoa Ngoại Bùi Văn Ngân có 16 năm làm việc ở Bình Phước chia sẻ: “31 năm trong nghề, những ngày cuối năm và tết Nguyên đán gần như lúc nào tôi cũng đứng trong phòng mổ. Năm nào cũng vậy, dồn hết khả năng cứu người bệnh, mổ xong ngẩng đầu lên thì giao thừa qua lúc nào chẳng hay. Vì thế, chưa năm nào tôi được vào hội trường ăn tết cùng đồng nghiệp, nói gì đến dành cho gia đình, người thân, dù là lời chúc năm mới qua điện thoại cũng không đủ thời gian. Tôi luôn dặn vợ, con làm việc gì cũng phải thật cẩn trọng, vì lỡ xảy ra chuyện ngoài ý muốn tôi còn đang bận cấp cứu cho bệnh nhân, không thể lo được cho gia đình”. Khi được hỏi về những mong muốn trong ngày đầu năm mới, bác sĩ Ngân cười nói: Tôi rất mong ít bệnh nhân phải nhập viện trong những ngày tết, nhất là càng ít tai nạn giao thông thì càng mừng. Mong rằng những ngày tết các y, bác sĩ sẽ “thất nghiệp”!.
Đến Khoa Ngoại ngày cận tết Mậu Tuất, chúng tôi thấy các y, bác sĩ vẫn làm việc bình thường như không hề biết tết đang cận kề. Tại phòng nhận bệnh, nhiều bệnh nhân nửa mê nửa tỉnh bởi đa chấn thương, người vật vã với những chấn thương do bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông... Điều dưỡng viên Phạm Trọng Diệp có 16 năm gắn bó với nghề chia sẻ: Trực trong những ngày tết vất vả hơn rất nhiều bởi vài năm gần đây, số ca bệnh cấp cứu về tai nạn giao thông tăng lên nhiều hơn so với ngày thường. Khi đã vào guồng công việc, thật sự không có thời gian rảnh để ăn chứ đừng nói đến chuyện chúc nhau năm mới. Những điều dưỡng, y, bác sĩ trực tết thường luôn phải chịu những áp lực rất lớn. Bởi khi xảy ra tai nạn trong ngày tết, thân nhân đến đông hơn ngày thường và nhiều người trong số đó đã uống rượu, bia, dễ kích động, đe dọa y, bác sĩ. Ngoài việc nhanh chóng tiến hành cấp cứu, điều trị cho người bệnh, y, bác sĩ và điều dưỡng còn làm thêm nhiệm vụ trấn an thân nhân.
Một mùa xuân mới đang về, dường như trong ngày tết, tình cảm của con người dễ bộc lộ hơn. Với thầy thuốc cũng vậy, ngày thường, công việc cứu người khiến họ xoay tròn, không còn thời gian để suy nghĩ cho chính mình. Ngày tết, những người mặc áo trắng cụng ly trà thay rượu, chúc nhau những lúc nghỉ ngơi để xua tan mệt nhọc. Các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Ngoại vẫn nhớ như in ngày 28 tháng chạp cách đây 3 năm, sau khi cứu được người bị tai nạn giao thông, ngày hôm sau thân nhân ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập mang đến khoa tặng con heo lai. Sau tết, gia đình các bác sĩ, điều dưỡng của khoa cùng làm thịt heo ăn tết muộn, mọi nhọc nhằn đều tan biến và đây có lẽ cũng là “phần thưởng” lớn nhất của họ sau những ngày làm việc vất vả.
Mai Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065