Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo khắc phục hậu quả các vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu; đồng thời giao bộ phận chức năng soạn thảo nghị định về kinh doanh rượu để lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 1068/BYT-PC góp ý kiến cụ thể cho dự thảo nghị định của Chính phủ. Điểm đáng chú ý trong nội dung công văn của bộ là đề nghị bổ sung một chương riêng về quản lý đối với rượu thủ công. Theo đó, Bộ Y tế cho rằng, phải quy định cụ thể biện pháp quản lý đối với rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và rượu thủ công sản xuất cho mục đích tiêu dùng trong gia đình. Đồng thời quy định cụ thể về quản lý chất lượng, đăng ký sản phẩm với chính quyền cấp xã, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công bảo đảm chất lượng.
Vấn đề sản xuất, kinh doanh rượu và quy định các cơ sở nấu rượu thủ công phải có giấy phép sản xuất đã được nêu rõ tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012, nhưng thực tế các chế tài pháp luật này hiện vẫn chưa được thực thi. Theo Nghị định 94, điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công là cơ sở phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận mã số thuế; phải có bản sao giấy tiếp nhận công bố hợp quy; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; phải có bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu. Để có được những giấy tờ trên, cơ sở phải đến nhiều cơ quan: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cấp; giấy tiếp nhận công bố hợp quy do Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (thuộc Sở Y tế) cấp; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Sở Công thương cấp. Tuy nhiên tại địa phương, các cơ sở sản xuất rượu thủ công là những hộ nấu rượu với quy mô nhỏ, vừa nấu rượu (để tiêu dùng) vừa kết hợp sử dụng bã rượu để chăn nuôi, không có đăng ký kinh doanh… nên công tác quản lý không dễ.
Đối với tỉnh Bình Phước, mặc dù chưa có vụ ngộ độc rượu nào dẫn đến chết người nhưng tình trạng người dân tự nấu rượu để bán và dùng hằng ngày cũng đã và đang diễn ra tràn lan khắp nơi, nhất là các vùng nông thôn. Những năm trước đây, cũng đã có những vụ ngộ độc rượu phải cấp cứu tại bệnh viện nhưng cũng chưa quá nghiêm trọng. Tuy vậy, tình trạng tai nạn giao thông gây thương tích, chết người mà nhiều vụ đều có nguồn gốc từ việc lạm dụng rượu, bia. Hầu hết tất cả các cơ sở nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh đến nay cũng không có ai đăng ký kinh doanh. Vấn đề quản lý và kiểm soát các lò rượu thủ công trên địa bàn tỉnh cũng rất khó khăn. Những vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng lạm dụng rượu, bia; đồng thời là bài học cho Bình Phước trong việc quản lý các lò rượu thủ công, nhất là những cơ sở đã hoặc đang có ý định dùng cồn công nghiệp để pha chế rượu.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065