>> Bài 1: Những rào cản ở trường mầm non tư thục
LỖ HỔNG TRONG QUẢN LÝ TỪ HAI PHÍA
BP - Nhà trường “ngại” kết nối, đơn vị quản lý nhà nước hạn chế năng lực, thiếu nhiệt tình…, đang tạo ra những “lỗ hổng” làm mất đi tính ưu việt của loại hình giáo dục ngoài công lập. Nhiều quyền lợi của chủ đầu tư và người lao động ở các trường mầm non tư thục chưa được thực thi; sức hấp dẫn để giáo viên gắn bó lâu dài với trường chưa có; chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục cũng chưa được quan tâm để loại hình trường tư thục mầm non phát huy hiệu quả như mong đợi.
Cơ sở tư thục tự “trói” mình
Công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thường chọn trường tư thục gửi con, vì những ưu điểm: Không phải đóng tiền xây dựng trường, giá tiền ăn và học phí thấp, nhận trẻ vào bất kỳ thời gian nào trong năm, giờ giấc giữ trẻ linh hoạt, đáp ứng yêu cầu gửi con sớm, đón con muộn theo nhu cầu của cha mẹ. Lợi thế này là động lực để xã hội hóa giáo dục phát triển. Tuy nhiên, chính chủ các cơ sở mầm non tư thục đang tự “trói” mình qua việc ít quan tâm đến chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Theo thống kê chưa đầy đủ của các phòng GD-ĐT trên địa bàn tỉnh, số người lao động ở các trường ngoài công lập được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa tới 40%. Cá biệt có trường chưa đóng BHXH, chưa thành lập công đoàn. Cơ sở mầm non tư thục Thái Dương, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) là một ví dụ. Bà Huỳnh Thị Mai Liên, chủ cơ sở chia sẻ: “Trường gặp khó khăn khi đóng BHXH do đa số người lao động không muốn đóng. Vì nếu đóng sẽ giảm thu nhập, không đảm bảo cuộc sống”.
Đoàn giám sát kiểm tra chất lượng dạy và học của trường mầm non tư thục thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh kiểm tra tại cơ sở nhóm trẻ Sơn Ca ở thị trấn Tân Phú (Đồng phú)
Vì lợi ích trước mắt, cả người lao động và chủ cơ sở đều không muốn “bỏ tiền túi” ra đóng BHXH nên cùng thỏa hiệp: bỏ qua! Người lao động chưa nhận thức được thiệt thòi khi không tham gia BHXH. Luật BHXH 2014 quy định, lao động nữ sinh con, mang thai hộ, nhận con nuôi phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hay nhận con nuôi thì mới được hưởng chế độ thai sản. Ngoài ra, còn có bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp mất sức, đau bệnh...
Từ đợt kiểm tra, giám sát về chất lượng dạy và học tại các cơ sở mầm non ngoài công lập ở các khu công nghiệp, do Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện cho thấy, hầu hết cơ sở mầm non ngoài công lập chưa am hiểu các quy định của pháp luật, thiếu kiến thức về đầu tư, tài chính, về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với giáo dục theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; chưa có hồ sơ, chứng từ hợp lệ để chứng minh với cơ quan nhà nước khi thực hiện thủ tục miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc lưu sổ sách, chứng từ mỗi trường cũng thiếu một hoặc nhiều loại khác nhau như: Sổ điều tra khẩu phần, theo dõi sức khỏe của trẻ, thực đơn, các thủ tục hành chính, ký kết hợp đồng lao động, BHXH, quy chế chi tiêu nội bộ và chưa thực hiện việc báo cáo tài chính... Nội dung cơ bản là soạn giáo án, đánh giá trẻ cuối ngày cũng thực hiện còn sơ sài, chiếu lệ. Nếu các trường khá khang trang thì nhóm trẻ gia đình lại chật hẹp, không có sân chơi, đồ chơi phát triển thể chất ngoài trời cho trẻ. Đồ dùng, đồ chơi trong lớp nghèo nàn không đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non. Hằng năm, phòng GD-ĐT các huyện, thị xã đều tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn, chăm sóc, giáo dục trẻ nhưng một số chủ nhóm trẻ gia đình và giáo viên không tham gia, với lý do bận trông giữ trẻ. Họ cũng ít truy cập trang web của ngành để cập nhật văn bản mới. Trên địa bàn huyện Đồng Phú đã có 3 cơ sở xin ngừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
Bà Võ Trúc Quỳnh, Phó phòng GD-ĐT huyện Đồng Phú cho biết: “Hầu hết nhóm trẻ gia đình chưa có chuyên môn về mầm non, bằng tốt nghiệp cấp 2 nên chưa tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Họ chỉ dừng ở việc trông trẻ là chính, chưa thực hiện tốt nội dung giáo dục nhằm định hướng cho trẻ phát triển về thể lực, trí tuệ và nhân cách”.
Yếu kém và bất cập trong quản lý nhà nước
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Hồng Trà cho biết: “Các trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh hầu hết chỉ bổ nhiệm hiệu trưởng, chưa có hiệu phó và tổ chức đoàn thể. Trình độ của chủ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không đồng đều, chủ yếu là trung cấp sư phạm mầm non. Nhiều nhóm trẻ, giáo viên không phải chuyên ngành mầm non. Trình độ bảo mẫu nhóm trẻ gia đình càng thấp, rất ít người có trình độ chuyên môn theo quy định. Việc thành lập công đoàn chưa được chú trọng. Những “lỗ hổng” này trước hết do chủ cơ sở nhưng cũng cho thấy, các đơn vị quản lý nhà nước cấp cơ sở chưa quan tâm hỗ trợ, nhất là hướng dẫn thực hiện thủ tục thành lập hội, đoàn thể, tổ chức công đoàn, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho người lao động”.
Tuy nhiên, vấn đề “vướng”, cản trở các trường mầm non tư thục lớn nhất hiện nay là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có nhiều trường trên thực tế đang hoạt động “chui”. Nhiều cơ sở không biết nghe đơn vị nào vì mỗi ngành hướng dẫn một kiểu. Ở Chơn Thành có khoảng ½ số cơ sở, trường tư thục chưa được cấp phép hoạt động dù đã vất vả nhiều năm hết lên tỉnh lại về huyện để hoàn chỉnh thủ tục pháp lý. Ở Đồng Phú, nhiều nhóm trẻ đã được cấp phép hoạt động nhưng giấy phép xây dựng lại là... xây nhà trọ! Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định chi tiết và đã đi vào đời sống nhiều năm qua. Chính một số cán bộ thực thi pháp luật thuộc lĩnh vực thuế, đất đai, xây dựng... ở nhiều huyện, thị xã không nắm được những ưu đãi dành cho các cơ sở mầm non tư thục nên đã hạn chế, không tạo điều kiện để họ được hưởng ưu đãi theo quy định. Phòng GD-ĐT huyện, thị xã chưa vận dụng tốt Điều lệ trường mầm non, Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT để bổ nhiệm hiệu trưởng các trường tư thục. Trong khi các cơ sở mầm non ngoài công lập đang thiếu giáo viên, cán bộ quản lý...
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng Phòng mầm non, Sở GD-ĐT chia sẻ: “Tôi quan tâm và mong muốn các trường phải đảm bảo điều kiện vui chơi an toàn cũng như chế độ ăn, ngủ để phát triển tốt thể lực, trí lực cho trẻ. Điều đó đòi hỏi chính quyền cấp cơ sở phải phối hợp chặt chẽ với phòng, ban, chuyên môn tăng cường quản lý nhà nước; giáo viên phải đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp. Khi chủ cơ sở trông giữ trẻ nâng cao nhận thức, giáo viên có năng khiếu, yêu trẻ, thích làm việc gắn bó với trẻ thì bạo hành mới không xảy ra. Dùng bạo lực với trẻ chứng tỏ cô giáo thiếu bình tĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm và sai lầm về phương pháp xử lý”.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065