BP - Công nhân đông và đa số trong độ tuổi sinh con là lợi thế để các trường mầm non tư thục gần khu công nghiệp hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, hiện tồn tại nhiều khó khăn, bất cập như: Yếu kém trong quản trị ở cơ sở mầm non tư thục, những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của ngành chức năng và chính quyền cơ sở…, đang cản trở mặt tích cực của loại hình giáo dục này mang lại. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc có nhiều cơ sở mầm non vi phạm luật, thậm chí không ít cơ sở đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Vậy đâu là nút thắt và giải pháp tháo gỡ như thế nào?
NHỮNG RÀO CẢN Ở TRƯỜNG MẦM NON TƯ THỤC
Hiện nay, ngành giáo dục mầm non đang tồn tại một nghịch lý là giáo viên muốn dạy trường công lập phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí đi “cửa sau” và tốn tiền “lót tay”, nhưng ở các trường tư thục được mời gọi nhiệt tình vẫn ít ai mặn mà. Môi trường làm việc thân thiện, gần trung tâm và nơi sinh sống, song vẫn chưa tạo nên sức hút với người lao động. Điều tưởng chừng khó hiểu này đã được chúng tôi “giải mã” sau khi đi sâu tìm hiểu.
Áp lực “giữ chân” giáo viên
Bà Huỳnh Thị Mai Liên, Hiệu trưởng Trường mầm non Thái Dương (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) giãi bày: “Trường gặp khó khăn trước tiên do đội ngũ giáo viên, nhân viên không ổn định. Giáo viên hầu hết là sinh viên mới tốt nghiệp, mang nặng tâm lý muốn vào trường công lập nên đối với họ việc đến dạy ở các trường tư thục chỉ là giải pháp tình thế, không xác định gắn bó lâu dài. Do vậy, các trường mất rất nhiều thời gian để tuyển dụng, đào tạo,... từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”.
Nhóm trẻ mầm non Thảo Vy ở thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) yếu về khâu quản lý sổ sách, chỉ giữ trẻ là chủ yếu
Giáo viên mầm non vất vả, áp lực về thời gian, tính chất công việc nhưng các cơ sở tư thục trả lương từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng, làm việc 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày (từ 6-18 giờ) không được chi trả chế độ làm thêm giờ quả thật khó hấp dẫn giáo viên. Ngoài ra, hầu hết các trường tư thục chưa thành lập tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, chưa được hưởng chính sách khen thưởng như ở trường công lập...
Chị Trần Thị Nguyện, Hiệu trưởng Trường mầm non Thiên Thần, xã Tân Thành (Đồng Xoài) cho biết: “Trường hoạt động 3 năm mà đã phải 2 lần thay hiệu phó và 3 kế toán. Thay như vậy trường rất “khổ”, vì người ta mới quen việc lại đi, mình lại phải đào tạo người mới. Điều đó cũng gây khó khăn trong quản lý, ghi chép sổ sách. Giáo viên cũng “ra - vào” liên tục, vừa thử việc xong, đóng bảo hiểm vài tháng lại phải làm thủ tục cho người mới... rất phiền hà, mất thời gian. Đó là chưa kể việc các trường phải đảm bảo đầy đủ các “ban, bệ” như trường công”.
Chia sẻ về những khó khăn này, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó trưởng Phòng Mầm non, Sở GD-ĐT cho rằng: “Nguyên nhân chính là do nghiệp vụ quản trị của các trường chưa tốt. Các trường có thể thực hiện chế độ kiêm nhiệm đối với cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên, bảo vệ, tạp vụ... để tiết kiệm chi phí nhưng phải quy định rõ trong hợp đồng lao động để có cơ sở pháp lý. Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã cần phối hợp với trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn đào tạo theo địa chỉ, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm và hỗ trợ trường trong tuyển dụng lao động”.
Nan giải bài toán đầu tư cơ sở, trang thiết bị
Khác với trường công được Nhà nước “bao cấp” trang bị đồ dùng, đồ chơi và các khoản chi phí hoạt động, trường tư thục phải hoàn toàn tự chủ, cân đối thu - chi. Chị Đặng Hoài An, Hiệu trưởng kiêm chủ Trường mầm non Baby Sun, xã Đồng Tiến (Đồng Phú) nêu quan điểm: “Đồ chơi ngoài trời, máy chiếu cần rất nhiều tiền, “gồng” một lúc không lo nổi. Trong khi hoạt động của trường là góp phần giáo dục, đào tạo con người. Vì thế, Nhà nước nên quan tâm hỗ trợ để các trường tư thục tâm huyết có điều kiện mở rộng quy mô, chứ không vì khó khăn mà phải thu hẹp hoặc dừng lại”.
Nhà giáo ưu tú Mạc Thị Thanh Bình, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành kiến nghị với đoàn giám sát
Các trường tư còn thiệt thòi ở chỗ, chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi không “với tới tay”. Chế độ hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập chưa có, khiến các đơn vị muốn “sống” phải tự “bơi”. Vì vậy, khó đảm bảo cùng lúc 2 mục tiêu vừa đầu tư mạnh cơ sở vật chất vừa nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong khi các trường tư thục đang chung tay giảm áp lực cho hơn 50% số trẻ được ra lớp.
Ông Nguyễn Hồng Trà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, yếu tố kìm hãm sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập là thiếu vốn đầu tư. Hầu hết các chủ đầu tư không có nguồn tài trợ, hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể. Vì vậy, muốn thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục ngoài công lập, chính quyền các cấp và ngành liên quan cần có chế độ chính sách khuyến khích mở lớp, mở trường nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân. Song song đó, phòng GD-ĐT các huyện, thị xã cần phối hợp UBND xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ về chuyên môn để các cơ sở này thực hiện đúng quy định”.
Và những biến động... ở trẻ
Để khuyến khích trẻ tới học, hầu hết các trường mầm non tư thục nhận trẻ ở mọi thời điểm trong năm. Nếu trường công lập đầu năm đón khoảng 500 trẻ thì cuối năm học cũng giữ sĩ số ngần ấy cháu. Nhưng với các trường tư thục, đầu năm khoảng 80 trẻ, đến cuối năm có thể tăng lên 120-130 trẻ. Nhất là thời điểm sau tết Nguyên đán hằng năm, hoặc khi vào vụ thu hoạch điều, cà phê, số trẻ tăng đột biến. Từ đó, việc thực hiện quản lý trẻ, báo cáo sổ sách, biểu đồ học sinh theo quy định trở thành áp lực. Đặc biệt, các giáo viên rất vất vả trong việc rèn nền nếp học sinh. Hầu như lớp lúc nào cũng có học sinh mới phải rèn giũa để đưa vào khuôn khổ, trẻ này nghỉ, trẻ khác vào.
Chị Đặng Hoài An cho biết thêm: “Biến động trẻ khiến vấn đề học phí luôn làm đau đầu các nhà quản lý mầm non tư thục. Quy định thu trong vòng 10 ngày đầu mỗi tháng nhưng có phụ huynh khất lần cuối tháng, rồi 2-3 tháng là “bùng” luôn. Cô sốt ruột thì nhắc nhở chứ không nỡ cho trẻ nghỉ nên trường thường xuyên bị “xù” nợ. Có trường hợp khó khăn thật sự, mình còn hỗ trợ thêm quần áo cho cháu đi học, nhưng có phụ huynh không hề khó mà vẫn chây ì, “trốn” luôn. Nhất là những người ở trọ, làm việc thời vụ nay đây mai đó, gửi con từ 1 tuần đến 10 ngày rồi di chuyển sang địa bàn khác là xác định mất học phí. Tính từ đầu năm đến nay, trường đã bị “xù” học phí vài chục triệu đồng rồi”.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Trà, qua kiểm tra cho thấy các cơ quan làm công tác quản lý nhà nước về trường mầm non tư thục còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi chưa hỗ trợ để trường được hưởng chính sách ưu đãi mà HĐND tỉnh đã ban hành, làm cản trở việc đầu tư xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh. Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã nên hỗ trợ, khuyến khích các trường mầm non tư thục thành lập câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, tiếp cận văn bản mới, chuyển đổi nhân lực, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và cùng nhau thực hiện các phong trào thi đua... Ngoài ra, nên có cơ chế mở để giáo viên trường công lập có thể phối hợp trường tư thục dạy ngoài giờ, vừa tăng thu nhập vừa giảm áp lực thiếu giáo viên vì mục tiêu chăm lo tốt nhất cho trẻ. Ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động hiểu rõ hơn về lợi ích cũng như việc bảo lưu, tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, đảm bảo an sinh bền vững.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065