BP - Diện tích hồ tiêu cả nước đã lên 100 ngàn ha, gấp 2 lần quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (50 ngàn ha) đến năm 2020. Với việc chạy theo giá cao và tốc độ phát triển diện tích trồng tiêu như hiện nay, đến năm 2020, tỷ lệ vượt quy hoạch chắc chắn không còn là 2 lần. Thực tiễn cho thấy, hầu hết những trường hợp “vượt rào quy hoạch” trong lĩnh vực nông nghiệp, đều chỉ đem lại trái ngọt những mùa đầu tiên khi may mắn “được giá”, còn sau đó chỉ là “trái đắng”, thậm chí không được nếm “trái ngọt” mà chỉ nhận được “trái đắng” mà thôi. Và lãnh hậu quả, không ai khác, chủ yếu là những người nông dân nghèo.
Bài học hiện hữu và đau đớn nhất hiện nay mang tên “vàng trắng”. Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của Việt Nam đến năm 2015 là 800.000 ha và giữ diện tích ổn định ở mức này. Quyết định của Thủ tướng ký ngày 3-6-2009 - thời điểm cây cao su vừa chớm đạt ngưỡng đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều loại cây công nghiệp khác. “Giấc mơ vàng trắng” đã khiến hàng vạn nông dân phá vườn điều, cà phê... để trồng cao su. Trong khoảng 5 năm từ 2008 đến 2012, vùng bàu trũng ở Đông Nam bộ, vùng cao ở Tây Nguyên, thậm chí tận miền Trung, Tây Bắc cũng đua nhau trồng cao su... Bình Phước - thủ phủ cao su của cả nước, cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, thậm chí còn khốc liệt hơn các địa phương khác khi nhà nông sẵn sàng cưa hạ vườn điều đang kỳ sản lượng cao nhất để trồng cao su.
Thời điểm đó, hàng loạt cảnh báo vượt quy hoạch sẽ để lại hậu quả khôn lường được đưa ra nhưng không nhà nông nào, thậm chí cả doanh nghiệp cao su hàng đầu của ngành cao su cũng bỏ ngoài tai. Đến năm 2014, giá cao su giảm liên tiếp hơn 2 năm, lúc đó những cảnh báo mới bắt đầu được chú ý. Khi ấy, ngành nông nghiệp “đếm lại” và “tá hỏa” công bố: Diện tích trồng cao su cả nước đã vượt quy hoạch xấp xỉ 160 ngàn ha, trong đó riêng vùng Đông Nam bộ vượt 135 ngàn ha; trong 10 năm, diện tích trồng cao su cả nước từ 454 ngàn ha năm 2004, đến năm 2014 tăng lên 956 ngàn ha (thực tế diện tích trồng cao su có thể còn cao hơn nhiều so với con số công bố của ngành nông nghiệp, bởi không thể thống kê hết cao su tiểu điền). Hậu quả là bây giờ người nông dân lại rục rịch cưa cao su để trồng cây khác.
Trồng tiêu vốn đầu tư cao gấp nhiều lần trồng cao su, điều hay cà phê... Nếu không bị bệnh, khi được mùa và được cả giá (như hiện nay), người trồng tiêu có thể trở thành tỷ phú trong vài ba năm nhưng ngược lại thì mất đất, mất nhà, bán xứ ra đi là chuyện thường. Trong 20 năm qua, đã hơn một lần người dân “yêu” rồi “hận” hồ tiêu. Bây giờ, hàng chục ngàn nông dân Bình Phước, Tây Nguyên, Kiên Giang... đang đặt lên cây hồ tiêu “giấc mơ tỷ phú”. Và cũng bây giờ, những lời cảnh báo cung vượt cầu, cảnh báo bão hòa thị trường khi đã vượt quy hoạch gấp 2 lần, cảnh báo nguy cơ dịch bệnh khi trồng ở vùng đất không thích hợp hoặc chăm sóc không đúng kỹ thuật (bệnh chết nhanh, chết chậm trên hồ tiêu có thể lây lan tàn phá cả một vùng chỉ qua một mùa)... đã được đưa ra. Hy vọng những lời cảnh báo này không bị “bỏ ngoài tai”, để không bao lâu nữa hàng ngàn nông dân lại phải “hận” cây hồ tiêu.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065