BP - Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự kiện thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa Thu năm 1945 đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta. Khi đánh giá về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta” (1). Là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Bình Phước là vùng đất anh hùng với nhiều chiến công đã ghi vào lịch sử những trang chói ngời.
Quân giới miền Đông Nam bộ chế tạo vũ khí cho cách mạng - Ảnh tư liệu
Những năm trước Cách mạng tháng Tám, vùng đất Bình Phước chìm trong sự đô hộ, áp bức của thực dân, phong kiến. Mặc dù vậy, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã anh dũng đứng lên chống lại áp bức, bóc lột để bảo vệ quyền sống của mình. Các cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã gây ảnh hưởng lớn đến những cuộc đấu tranh trên toàn miền Nam, làm cho bọn thống trị thực dân và tay sai vô cùng lo sợ. Những cuộc khởi nghĩa vũ trang do Điểu Dố, Nơ Trang Lơng... lãnh đạo chống thực dân Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là những trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của đồng bào ở tỉnh ta. Bình Phước còn là địa bàn sản sinh ra đội ngũ công nhân cao su; đồng thời cũng là nơi Đảng gieo hạt giống đỏ cách mạng đầu tiên ở miền Nam. Sự kiện Chi bộ Phú Riềng Đỏ được thành lập cách đây gần 86 năm (28-10-1929) đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng cả nước nói chung và của đội ngũ công nhân cao su nói riêng. Chi bộ Phú Riềng Đỏ đã lãnh đạo công nhân các đồn điền cao su làm nên cuộc đấu tranh vào tháng 2-1930, ghi một dấu son chói lọi vào lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam.
Từ ngày có Đảng lãnh đạo, nhân dân Bình Phước nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, công nhân các đồn điền cao su cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh liên tục tiến hành các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Mặc dù hầu hết các cuộc đấu tranh bị đàn áp dã man nhưng nhân dân Bình Phước ngày càng xiết chặt hàng ngũ, xây dựng tổ chức đảng lớn mạnh không ngừng. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với phong trào tổng khởi nghĩa cướp chính quyền diễn ra đồng loạt trên cả nước, nhân dân Bình Phước đã vùng lên khắp nơi, đập tan sự kìm kẹp của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Sau khi giành quyền quản lý các đồn điền cao su, lực lượng thanh niên tiền phong cùng công nhân đã kéo về chợ Hớn Quản tổ chức mít tinh biểu dương lực lượng, sau đó, cướp chính quyền quận lị. Ngày 25-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa cử hàng trăm công nhân Lộc Ninh, Hớn Quản và công nhân người dân tộc thiểu số có trang bị vũ khí về thị xã Thủ Dầu Một tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Bà Rá (Phước Long), bọn chỉ huy và binh lính Nhật không dám đi khủng bố, chờ quân đồng minh đến để giao nộp vũ khí. Nhân thời cơ đó, quân ta đã tước vũ khí của bọn Nhật, thành lập chính quyền cơ sở. Khởi nghĩa thắng lợi ở trung tâm tỉnh Thủ Dầu Một, trong đó có sự góp sức của quân và dân các huyện phía bắc tỉnh là Bà Rá, Lộc Ninh, Hớn Quản... đã cùng với cả nước đập tan chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng nước Việt Nam độc lập; đồng thời tạo những tiền đề quan trọng cho việc hình thành, thống nhất lực lượng vũ trang toàn tỉnh. (2)
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã biết kết hợp điều kiện khách quan thuận lợi từ bên ngoài với những điều kiện chủ quan trong nước được chuẩn bị và phát triển qua các cao trào cách mạng với sức chiến đấu ngoan cường và sự hy sinh to lớn của biết bao chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Người trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 70 năm đã đi qua nhưng ý nghĩa lịch sử và giá trị những bài học của Cách mạng tháng Tám cũng như thành quả xây dựng đất nước vẫn mãi là hành trang, nguồn cổ vũ lớn lao để chúng ta tiếp bước trên con đường xây dựng quê hương Bình Phước giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thế Quân
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.2000 tập 6, tr.160
(2) Theo “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước”.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065