Không bám ruộng bám rẫy với cây lúa, cây điều, thụ động chờ nước trời và đợi đến mùa thu hoạch, ngày nay nhiều nông dân ở Bình Phước đã thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Ngày càng có nhiều nhà nông dám nghĩ dám làm, chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường, đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Vì vậy cơ hội thoát nghèo không chỉ đối với những nông dân có nhiều đất mà còn với những ai siêng năng lao động, biết tư duy.
Biến ruộng lúa thành vườn mít
2 năm trước, bà Nông Thị Ranh ở ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) đã mạnh dạn cải tạo 3 sào ruộng lúa để trồng mít siêu sớm (mít tứ quý). Bà Ranh cho rằng, tuy cây lúa gắn bó với người nông dân lâu đời nhưng vẫn chưa làm thay đổi được cuộc sống. So sánh, phân tích, thậm chí bỏ thời gian tìm đến những người đã trồng mít để học hỏi kinh nghiệm, bà Ranh ban đầu trồng thử vài cây mít các loại trên bờ ao.
Thấy mít phát triển tốt, có năng suất, bà Ranh cải tạo đất trồng mít. Sau một năm, 500 cây mít siêu sớm, 200 cây mít lá bàng bén rễ xanh tốt.
Bà Nông Thị Ranh, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu thôn Thuận Tân
Việc chuyển đổi cây trồng của bà Ranh bước đầu chưa được người dân xung quanh mạnh dạn tiếp nhận. Bà Ranh cho rằng trước đó bà cũng lo lắng về đầu ra của sản phẩm và nỗi lo đó chỉ mới chấm dứt khi có người vào tận vườn bà mua 5 tạ mít. Tuy nhiên bà Ranh cũng khẳng định: Cho dù giá có hạ xuống một nửa so hiện giờ, người trồng mít vẫn có lời.
Ở ấp Thuận Tân, bà Nông Thị Ranh không phải là hiện tượng cá biệt trong việc thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Trước đó, bà con dân tộc Tày, Nùng ở đây đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa khá lớn sang trồng cao su. Thu nhập từ cao su ổn định những năm qua, nhiều nông dân hưởng thành quả từ sự thay đổi đó. Tuy nhiên nông dân ở đây rất cần được định hướng cho phát triển nông nghiệp thời gian tới, với sự biến đổi khí hậu và không ổn định của giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng nông sản.
Xen canh trong vườn khi cây chưa có thu
Cũng chỉ 2 sào đất, bà Nguyễn Thị Hiếu ở tổ 31, khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện (TX. Đồng Xoài) đã trồng xen sả với quýt đường. Bà Hiếu kể: Ban đầu tôi chỉ trồng vài bụi sả quanh hàng rào để diệt cỏ. Gia đình dùng không hết, cho hàng xóm cũng không hết nên tôi đem ra chợ bán. Thấy có thu, tôi về trồng thêm, đến nay đã có gần 400 bụi. Trồng sả đơn giản, chỉ cần 4-5 ngày tưới một lần, trung bình hơn 4 tháng cắt một lần, mỗi bụi 3-4kg, mỗi ký sả bán được 7.000-8.000 đồng. Tính ra mỗi năm thu gần 30 triệu đồng mà lại diệt được cỏ.
Bà Hiếu cho rằng vì gia đình thu hoạch sả luân phiên nên có nguồn thu rải rác trong năm. Số tiền này giải quyết được những khoản chi nhỏ trong gia đình. “Gia đình tôi mới từ miền Tây lên lập nghiệp, số vốn ban đầu chỉ đủ mua 2 sào đất nên không biết lấy gì ăn trong khi chờ thu hoạch quýt. Tuy nguồn thu nhập từ sả không lớn, nhưng cũng trang trải được chi phí sinh hoạt hàng ngày trong lúc khó khăn”.
Ông Lê Duy Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Lợi cho rằng: Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mít của bà Nông Thị Ranh hay việc nhiều bà con dân tộc Tày, Nùng ở ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi chuyển đất trồng lúa sang trồng cao su thể hiện cách tư duy mới của người nông dân về làm nông nghiệp hiện nay.
Là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền nên bà Nông Thị Ranh có suy nghĩ tiến bộ, dám nghĩ dám làm, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, đáng để nhiều người học tập. Trong sản xuất nông nghiệp, bà Ranh là người tiên phong chuyển đổi đất ruộng lúa sang trồng mít, nuôi cá sấu thành phẩm. Bà Ranh cũng là người chủ động tìm đầu ra cho các sản phẩm và giữ gìn, xây dựng thương hiệu của mình. Đối với bà con ở ấp Thuận Tân, bà Ranh là “con chim đầu đàn” trong các phong trào hoạt động; thường xuyên vận động bà con Tày, Nùng giữ đất, bảo tồn văn hóa dân tộc và làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình mình.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065