Từ một nông dân sản xuất giỏi, giờ đây anh Hoàng Phú Hội (thứ ba từ phải qua) ở xã Bình Sơn đã xây dựng được thương hiệu rau thủy canh
Chăm lo, khơi gợi và phát huy tính sáng tạo
Những năm qua, các cấp hội nông dân đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành với nông dân trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Từ năm 2012-2016, Hội Nông dân tỉnh đã mở 4.218 lớp tập huấn cho 170.217 lượt hội viên tham gia và tổ chức 1.530 cuộc hội thảo, mở 110 điểm trình diễn các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả cho hội viên học tập. Hội còn mở 35 lớp tin học và khai thác internet cho 700 cán bộ, hội viên nông dân tìm hiểu và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh để nâng cao đời sống.
Các cấp hội cũng tổ chức nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, như: Tổ chức cho hội viên tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp, vật tư, phân bón... Từ đó, nhiều nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi đã tự tìm tòi, nghiên cứu những giống mới, cách làm hay để tăng thu nhập. Điển hình như ông Dương Mã Dưỡng ở xã Phước Tân (Phú Riềng) lai tạo thành công giống bơ sáp Mã Dưỡng đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập gần 4 tỷ đồng/năm. Hay anh Hoàng Phú Hội ở xã Bình Sơn (Phú Riềng) tiên phong trong việc ứng dụng thành công công nghệ cao vào trồng rau an toàn theo phương pháp thủy canh cho hiệu quả kinh tế cao.
Được sự hỗ trợ tích cực về vốn, khoa học - kỹ thuật của các cấp hội, nhiều hội viên đã thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ hay tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Tiêu biểu như Tổ trồng rau sạch ở phường Tân Thiện (Đồng Xoài), Câu lạc bộ chăn nuôi gà tại xã Thanh Lương (Bình Long), Hợp tác xã trồng tiêu sạch Lộc Phát (Lộc Ninh)... Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp các sở, ngành chức năng và doanh nghiệp đưa khoa học - kỹ thuật và công nghệ ứng dụng vào sản xuất, đáp ứng kịp thời yêu cầu của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Điển hình là phối hợp với Công ty Mono Enegy xây dựng 2 mô hình tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời, tạo đà nhân rộng công nghệ này trong tỉnh.
Lan tỏa hành động yêu thương
Từ sự hỗ trợ tích cực của các cấp hội nông dân, giai đoạn 2012-2016, toàn tỉnh có hơn 27.000 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Họ không chỉ là những tấm gương sáng về tinh thần bền bỉ vượt khó, quyết chí làm giàu chính đáng cho bản thân mà còn dành một phần giống, vốn, lương thực, ngày công lao động, kinh nghiệm sản xuất giúp đỡ các gia đình chính sách, hội viên nghèo vượt khó cùng vươn lên làm giàu.
Điển hình là hộ ông Nguyễn Hữu Năm ở ấp Phú Thịnh, xã Phú Riềng (Phú Riềng) có hơn 30 ha cao su, điều và cây ăn quả; thu nhập mỗi năm sau khi trừ chi phí khoảng 5 tỷ đồng. Gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm ông đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn tại địa phương hơn 100 triệu đồng. Ông còn hiến 3.000m2 đất làm đường, hỗ trợ hơn 500 triệu đồng làm 3,2km đường và 12 cống nước; giúp đỡ 20 hộ nghèo vay vốn không lấy lãi và bán trả chậm 20.000 cây cao su giống. Đặc biệt, ông đã phát minh ra máy phun thuốc và máy thổi lá cao su, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hay ông Trương Văn Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (Phước Long) có 60 ha đất trồng cao su, sầu riêng, quýt, cam sành... Hằng năm, gia đình ông giải quyết việc làm cho 30 lao động, giúp đỡ 10 hộ nghèo, khó khăn về vốn, vật tư và đã có 6 hộ thoát nghèo bền vững. Gia đình ông còn ủng hộ 260 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ làm hệ thống điện chiếu sáng 110 triệu đồng, hỗ trợ xây nhà tình thương 15 triệu đồng và mua quà tặng người nghèo, gia đình khó khăn trị giá 120 triệu đồng.
Hộ ông Đào Ngọc Chuẩn ở xã Bình Minh (Bù Đăng) cũng là tấm gương đáng trân trọng. Hiện gia đình ông có 28 ha cao su, trang trại heo 3.000 con, mỗi năm cho thu nhập bình quân 2,4 tỷ đồng. Gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 18 lao động nông thôn với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng và đóng góp 60 triệu đồng cho hoạt động xã hội từ thiện tại địa bàn. Và còn rất nhiều gương điển hình khác, như ông Trần Ngọc Khanh ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thành (Bù Đốp); ông Hồ Sỹ Nguyên ở ấp 1, xã Lộc Điền (Lộc Ninh); bà Nguyễn Thị Lệ ở ấp Xa Cát, xã Thanh Bình (Hớn Quản)...
Hữu Dụng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065