“Làm thầy thuốc ở bất kỳ trường hợp nào cũng phải vượt khó. Tôi là lương y thừa kế, làm nghề bốc thuốc đã bạc đầu nhưng không hiểu vì sao không được cấp phép hành nghề. Thầy thuốc mà không có giấy phép hành nghề có khác gì làm lậu. Trước khi về với tổ tiên, tôi chỉ mong được cấp giấy phép này”.
BẠC ĐẦU BỐC THUỐC KHÔNG PHÉP
Nhắc đến lương y Đoàn Xuân Cảnh (1927, quê Quảng Nam), 1.292 hội viên Hội Đông y ai cũng biết. Nhà ông ở trung tâm xã Bù Nho (Bù Gia Mập). Năm 2015, ông bước sang tuổi 88.
16 tuổi, ông bắt đầu hành trình 6 năm vượt đường rừng để học bắt mạch, làm thuốc. Sau 6 năm đi học, ông tiếp tục xin vào làm 5 năm để nâng cao tay nghề ở nhà thuốc Tế Sanh Đường do chính anh ruột làm chủ. Cuộc đời của ông từ đó gắn liền với từng thang thuốc và mạch đập của bệnh nhân. Năm 1958, sóng gió cuộc đời đưa ông vào tỉnh Đồng Nai rồi về ngã ba Bù Nho năm 1995.
Lương y Đoàn Xuân Cảnh hơn 60 năm bắt mạch, bốc thuốc nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy phép hành nghề
Ở đâu ông cũng nổi tiếng với hai bài thuốc gia truyền là trị rắn độc cắn và viêm xoang. Dù đã ở tuổi 88 nhưng mỗi bệnh nhân đến khám và điều trị ông đều ghi chép bệnh án đầy đủ. Cả hai thứ tiếng Pháp và Trung Quốc ông đều nói rành rọt. Bước vào phòng mạch của ông, những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương được treo kín phòng. Thuốc loại nào, trị bệnh gì ông cũng có. Chỉ giấy phép hành nghề đông y là không. Phương châm hành nghề của ông gói gọn trong 3 điều kiện: Điều tra bệnh lý cộng với y lý rồi đến dược lý. Mỗi hồ sơ bệnh án của ông đều thể hiện khá rõ thông tin như thế.
Nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc ấp 2, xã Tân Lập (Đồng Phú) là lương y Trần Công Tước (1965, quê tỉnh Thái Bình). Ông cố, ông nội rồi đến cha của ông đều nối nghiệp nhau bằng nghề bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Tính đến nay, ông đã có 50 năm tuổi đời, 30 năm tuổi nghề. Trong tay hiện có 600 bài thuốc gia truyền với 17.000 vị thuốc khác nhau. Cùng những bài thuốc gia truyền, ông còn có 6 giấy chứng nhận, chứng chỉ liên quan đến nghề đông y. Nhưng giấy phép hành nghề đông y ông lại chưa được cấp.
CẦN MỘT GIẢI PHÁP
Huyện Đồng Phú hiện có 141 hội viên Hội đông y 30 hội viên đang hành nghề thì chỉ 2 hội viên được cấp giấy phép. Điều đáng quan tâm là 4 hội viên làm Chủ tịch hội đông y cấp xã hành nghề ở 4 trạm y tế hiện vẫn chưa có giấy phép hành nghề.
“Việc cấp phép hành nghề đông y phải biết chọn mặt gửi vàng. Nhiều người, nhiều cơ sở hành nghề đông y hiện không có tay nghề nhưng vẫn hoạt động theo kiểu mua thuốc về bán. Còn những lương y thừa kế như tôi lấy đâu ra bằng tốt nghiệp phổ thông lớp 12, lấy đâu ra giấy chứng nhận lương y. Từ thời Pháp thuộc, tôi đã học nghề bắt mạch, bốc thuốc. Phải chịu khó vô cùng mới học được cái nghề này ở thời điểm đó. Còn bây giờ, bảo tôi đi học thì biết học ai?...”. Lương y Đoàn Xuân Cảnh |
Phó chủ tịch Hội đông y tỉnh, bác sĩ Phạm Ngọc Hưng cho biết: Trong số 1.292 hội viên chỉ khoảng 30% được tập huấn lý luận cơ bản về phương pháp đông y. Còn những ai đã có giấy phép hành nghề thì tỉnh hội không thể biết, bởi thuộc chức năng của Sở Y tế. Theo số liệu của Sở Y tế, năm 2014 đã cấp phép hành nghề cho 9 cơ sở, nâng tổng số hội viên Hội Đông y toàn tỉnh có giấy phép hành nghề từ năm 2012 đến nay lên 41. Trên thực tế, số hội viên Hội đông y hành nghề cao gấp nhiều lần so với số có chứng chỉ. Mặc dù Hội đông y đã nhiều lần kiến nghị Sở Y tế tạo điều kiện cấp phép hành nghề cho các lương y thừa kế có tay nghề cao nhưng kiến nghị chỉ dừng lại ở đó.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hưng, muốn có giấy phép hành nghề đông y trước hết phải có chứng chỉ hay giấy chứng nhận lương y do Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp. Tuy nhiên, phần lớn lương y của tỉnh thuộc diện lương y thừa kế nên không có giấy tờ gì. Mặt khác, những lương y thừa kế hiện nay muốn tham gia khóa đào tạo lương y nhưng Trường trung cấp Y tế Bình Phước lại không có chương trình đào tạo này. Sở Y tế cũng chưa mở được lớp nào để chuẩn hóa cho các lương y thừa kế có tay nghề.
Lương y Phạm Khánh Thành, nguyên Thư ký Hội đông y tỉnh cho rằng: Sở Y tế cần linh động và kiểm soát tay nghề của từng lương y để giúp họ hành nghề trong điều kiện tốt nhất. Xét cho cùng, lương y thừa kế hay lương y, bác sĩ học ở trường lớp nào cũng đều có chung nhiệm vụ là chữa bệnh cứu người. Nếu lương y có tay nghề, có tâm với nghiệp thì việc chữa bệnh cứu người hay chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở của họ là hết sức quan trọng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sàng lọc, kiểm tra tay nghề qua thực tế để cấp phép hành nghề cho những người xứng đáng...
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065