Đồng chí Trần Tử Bình
Sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại Làng 3, Đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) vào đêm 28-10-1929 đánh dấu cột mốc lịch sử trong phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân ngành cao su. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ do đồng chí Trần Tử Bình làm Bí thư, hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng đã tổ chức cuộc đấu tranh trực tiếp với giới chủ, làm nên sự kiện “Phú Riềng Đỏ” vào dịp Tết nguyên đán Canh Ngọ - 1930. Trong khuôn khổ bài viết này, xin giới thiệu cùng bạn đọc những đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Tử Bình đối với phong trào cách mạng của công nhân cao su ở đồn điền cao su Phú Riềng.
Đồng chí Trần Tử Bình (1907-1967) tên thật là Phạm Văn Phu, xuất thân trong một gia đình công giáo toàn tòng, quê tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục (Hà Nam). Thời niên thiếu, ông được gia đình gửi vào học tại Chủng viện Hoàng Nguyên (thuộc giáo phận Hà Đông - Hà Nội ngày nay). Vì vận động giáo sinh tham gia phong trào để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh nên ông bị đuổi khỏi chủng viện. Đang ở ngã ba đường, được Tống Văn Trân giác ngộ cách mạng, tuyên truyền chủ trương “vô sản hóa” của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội nên ông đã đăng ký vào Nam bộ làm công nhân cao su.
Những ngày lênh đênh trên tàu biển từ Hải Phòng vào Sài Gòn, ông đã tập hợp, tuyên truyền, vận động những người cùng cảnh ngộ “bán thân đổi mấy đồng xu” liên tục tổ chức đấu tranh đòi giới chủ phải thực hiện các điều khoản đã cam kết trong công tra (như hợp đồng lao động bây giờ). Đặt chân lên đất Phú Riềng, giữa một vùng rừng già hoang vu, tịnh không một bóng người, lòng ai cũng bồn chồn, thương nhớ quê hương, bản xứ. Bọn chủ người Pháp và các cai phu người Việt đã bóc lột thậm tệ những người công nhân. Họ phải làm việc từ 12 đến 13 giờ/ngày, ở nơi “rừng thiêng nước độc”, ăn uống hết sức kham khổ và thường xuyên bị đánh đập, hành hạ nên sức khỏe của công nhân cao su giảm sút rất nhanh. “Miền đất hứa” trở thành “địa ngục trần gian” đối với họ. Nhiều người do không chịu nổi điều kiện sống và làm việc ở đây đã tổ chức bỏ trốn nhưng đều không thoát.
Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự - một lãnh đạo của Đông Dương cộng sản Đảng ở Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ và đồng chí Trần Tử Bình đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của công nhân ở đồn điền cao su Phú Riềng. Đầu năm 1928, theo chỉ thị của đồng chí Ngô Gia Tự, các đồng chí Nguyễn Xuân Cừ và Trần Tử Bình đã thành lập Nghiệp đoàn cao su Phú Riềng với sự tham gia của hơn 1/3 tổng số những người lao động tại đây. Nghiệp đoàn đã đấu tranh đòi giới chủ giảm bớt đánh đập, chống cúp lương vô lý, cải thiện sinh hoạt... Các tài liệu của Đảng được bí mật chuyển về Phú Riềng để tuyên truyền trong công nhân lao động và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thành lập chi bộ đảng tại Phú Riềng (lúc này ở Việt Nam có ba tổ chức tiền thân của Đảng là Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn. Sau hội nghị hợp nhất vào tháng 2-1930 tại Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc) mới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam). Đêm 28-10-1929, bên bờ một con suối tại Làng 3 (nay thuộc xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú), chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng tại đồn điền Phú Riềng được thành lập với 6 đảng viên, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư, đồng chí Trần Tử Bình được giao phụ trách tổ chức Thanh niên Xích vệ đội.
Tuy mới thành lập được hơn 3 tháng nhưng chi bộ đã lãnh đạo công nhân đồn điền cao su Phú Riềng tiến hành cuộc đấu tranh với giới chủ, làm nên sự kiện “Phú Riềng Đỏ” chấn động toàn Đông Dương. Ngày 3-2-1930 (mồng 5 tết Canh Ngọ), dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Tử Bình, lúc đó là Bí thư chi bộ Phú Riềng thay đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (bị thực dân Pháp trục xuất về Bắc do tham gia phong trào cách mạng), hơn 5.000 công nhân cao su và người lao động của 10 làng trong khu vực đã tiến hành biểu tình, bao vây khu nhà chủ sở của Công ty Michelin, buộc giới chủ phải đáp ứng 6 quyền lợi thiết yếu bao gồm: cấm đánh đập, cấm cúp phạt, miễn sưu thuế, trả lương cho nữ công nhân nghỉ đẻ, ngày làm 8 giờ kể cả thời gian đi săng-chi-ê (chỗ làm việc) về lán và bồi thường cho công nhân bị tai nạn lao động. Công nhân đã phong tỏa toàn bộ khu vực đồn điền Phú Riềng, sau đó tiếp tục tuần hành từ nhà chủ sở về làng số 3, chiếm giữ khu trại cưa, tước vũ khí của viên giám thị và viên cai, chiếm nhà máy điện, nhà máy cưa, kho gạo, làm chủ các làng số 3, số 9. Toàn bộ đồn điền Phú Riềng trở thành “Khu đỏ” đặt dưới quyền quản lý của tự vệ “Xích vệ đỏ” và công nhân. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của chi bộ Đảng, toàn bộ các cuộc mít tinh biểu tình đều được thực hiện có tổ chức và diễn ra trong hòa bình, không gây đổ máu, với phương châm “đấu tranh hợp pháp với đế quốc”. Chính yếu tố này đã giúp cho phong trào đấu tranh đạt được một số kết quả tích cực và tránh những tổn thất cho lực lượng công nhân.
Dưới sức ép đấu tranh của công nhân, giới chủ đồn điền và thống sứ Nam Kỳ đã phải chấp nhận một số yêu sách của công nhân. Sự kiện “Phú Riềng Đỏ” đã gây tiếng vang lớn, là cuộc đấu tranh quy mô lớn đầu tiên ở Nam Kỳ do Đảng lãnh đạo đã xiết chặt thêm hàng ngũ của công nhân cao su đồn điền Phú Riềng và rèn luyện thêm kinh nghiệm đấu tranh hợp pháp, bán hợp pháp, hoạt động bí mật cho những người còn lại. Tuy nhiên sau đó, thực dân Pháp đã bắt những người lãnh đạo cuộc đấu tranh ở đồn điền cao su Phú Riềng. Đồng chí Trần Tử Bình bị kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Trần Tử Bình đã được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ quan trọng của quân đội và Nhà nước như Phó giám đốc chính ủy trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (1946), Phó bí thư Quân ủy Trung ương (1947), Chính ủy trường Lục quân tại Trung Quốc (1950-1956), Tổng thanh tra Quân đội kiêm Phó tổng thanh tra Chính phủ (1956-1958), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1959-1967). Ông được phong quân hàm thiếu tướng đợt đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (1948) cùng đợt với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông bị bệnh và mất đột ngột tại Hà Nội năm 1967. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Chính Trực
* Tên một tác phẩm của nhà báo Thép Mới đăng trên Báo Nhân Dân, ngày 3-3-1958.
* Bài viết có tham khảo tư liệu tuyển tập Trần Tử Bình - Từ Phú Riềng đỏ đến mùa thu Hà Nội - Nhà xuất bản Lao động - Hà Nội - 2007.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065