Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu, từ 24 đến 26-9 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt-Pháp, góp phần làm sâu sắc và đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Christian Poncelet, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt, chiều 12-9 |
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12-4-1973. Kể từ đó, quan hệ Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Việt Nam và Pháp đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Về phía Pháp, đã có 3 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Pháp sang Việt Nam (Tổng thống Mitterrand năm 1993, Tổng thống Chirac năm 1997 và 2004; Thủ tướng Fillon tháng 11/2009). Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Pháp năm 2000, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Pháp năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Pháp năm 2002, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Pháp năm 1993, Thủ tướng Phan Văn Khải năm 1998 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007.
Việt Nam và Pháp đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác, trong đó đáng chú ý có: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước, họp thường kỳ hai năm một lần; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế; Hội nghị hợp tác phi tập trung... Hai bên cũng hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN-EU...
Đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Đức và Anh). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD (tăng 15% so với năm 2011); hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử; hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, hóa chất và đồ uống có cồn.
Về đầu tư, Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988. Tính đến 31-12-2012, Pháp đứng thứ 2 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15 trong tổng số 92 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 375 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,1 tỷ USD.
Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông (22,9% tổng vốn đầu tư), dịch vụ (17,7%), lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, nước, điều hòa (17%), công nghiệp (12%) và còn lại là nông nghiệp, phân phối hàng hóa, giải trí, xây dựng và tài chính ngân hàng; phân bổ tại 32 địa phương, dẫn đầu là Bà Rịa-Vùng Tàu (8 dự án trị giá 1 tỷ USD), Thành phố Hồ Chí Minh (110 dự án trị giá 852,7 triệu USD), Hà Nội (71 dự án trị giá 331 triệu USD).
Một số dự án lớn Pháp đang triển khai tại Việt Nam là: Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông và FCR Vietnam (chi nhánh của France Telecom tại Việt Nam), cấp phép năm 1997, đầu tư 615 triệu USD vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông; dự án Công ty cổ phần Cảng Cái Mép, cấp phép năm 2008, do Terminal Link của Pháp đầu tư 520 triệu USD vào hoạt động dịch vụ khai thác cảng; dự án Nhà máy điện Phú Mỹ 2, cấp phép năm 2001, do Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) liên kết với Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư là 480 triệu USD.
Hiện có 3 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Pháp: Vietnam Airlines đầu tư 20 triệu euro vào dịch vụ bán vé máy vay và marketing; FPT Corporation đầu tư 11 triệu euro kinh doanh phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin; CMC softwares solutions đầu tư 100.000 euro vào lĩnh vực phần mềm và dịch vụ tin học.
Trong hợp tác phát triển, hiện Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam cuối năm 2012, Pháp cam kết cấp 339,124 triệu USD cho Việt Nam trong năm 2013. Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan). Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố và cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).
Theo tinh thần Tài liệu khung về quan hệ đối tác Việt Nam-Pháp giai đoạn 2006-2010 (ký ngày 15-9-2006), Pháp ưu tiên hỗ trợ Việt Nam vào 5 lĩnh vực là xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp và tài chính.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius tại Hà Nội, tháng 8-2013 |
Ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạoHợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Pháp đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…
Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Pháp đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…
Hiện hai bên đang triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV, Trung tâm đào tạo về quản lý Việt-Pháp (CFVG), dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp (PUF) tại Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Viện Tin học Pháp ngữ (IFI).
Hiện có khoảng 10 quan hệ kết nghĩa giữa các trường THCS hai nước, như trường Koudekerque Branche (vùng Nord Pas de Calais) và trường PTTH Phan Châu Trinh (Đà Nẵng); trường Hồng Bàng (Hải Phòng) và trường song ngữ Viglino (Val d’Aoste); trường tư thục Pháp Saint Joseph d’Izmir và trường PTTH Trần Phú (Hải Phòng). Ngoài ra, có 2 cơ sở đào tạo từ mẫu giáo đến phổ thông trung học của Pháp tại Việt Nam (Trường Pháp quốc tế Alexandre Yersin tại Hà Nội và Trường Pháp quốc tế Colette tại TP. Hồ Chí Minh).
Hằng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chính sách học bổng của Pháp tập trung chủ yếu cho các chương trình đào tạo ở bậc học thạc sỹ và tiến sỹ. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và có khoảng 5.000 sinh viên (Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới). Pháp khẳng định sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch đào tạo 10.000 tiến sỹ từ nay đến 2020.
Giao lưu văn hoá Việt Nam-Pháp ngày càng phát triển
Giao lưu văn hoá giữa hai nước ngày càng phát triển. Chính phủ Pháp dành ưu tiên hỗ trợ cho chính sách hội nhập văn hóa của Việt Nam với phương châm khẳng định, tôn trọng sự đa dạng văn hoá Việt Nam. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), TP. Hồ Chí Minh (Viện Trao đổi văn hóa Pháp – IDECAF), Huế và Đà Nẵng.
Hiệp định giữa hai Chính phủ về các trung tâm văn hóa được ký kết (tháng 11/2009) tạo cơ sở và điều kiện cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris, một trong 2 trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Liên hoan nghệ thuật Festival Huế được tổ chức lần đầu vào tháng 4/2000 với sự tài trợ và tham gia tích cực của Pháp (là đối tác đầu tiên của Festival Huế) đã trở thành một hoạt động văn hóa quốc tế, được tổ chức 2 năm một lần. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được mời tham gia vào nhiều lễ hội văn hóa nghệ thuật tại Pháp (Lễ hội nghệ thuật Avignon, Lễ hội Biển quốc tế Brest…).
Pháp đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án, tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm. Du lịch Việt Nam đã tham gia và tổ chức một số hoạt động xúc tiến tại Pháp như "Việt Nam – Hoài niệm", Hội báo Nhân đạo, Hội chợ Top Resa, Hội chợ du lịch tại đảo Réunion (Pháp) và Salon Mondial tại Paris. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đồng ý về chủ trương mở Văn phòng đại diện Cơ quan du lịch quốc gia tại Pháp.
Những kết quả tích cực trong các lĩnh vực hợp tác khác
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, y tế, an ninh-quốc phòng, hợp tác địa phương... giữa Việt Nam và Pháp thời gian qua cũng đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Trong hợp tác về y tế, hiện có 30 dự án hợp tác đào tạo y học và cận y học như đào tạo bác sỹ nội trú tại các bệnh viện Pháp. Các dự án hợp tác này được tài trợ từ các quỹ đối tác bệnh viện của Bộ Ngoại giao Pháp, Chương trình liên đới mạng điều trị (ESTHER) và quỹ riêng của các bệnh viện Pháp. Hợp tác y tế Việt-Pháp ưu tiên đào tạo ngành y, tăng cường đào tạo nhân viên chăm sóc, củng cố khả năng quản lý bệnh viện. Hai bên đang nghiên cứu hiện đại hóa trường Đại học Y Hà Nội thành Viện-Trường theo mô hình CHU (Centre hospitalier universitaire) của Pháp.
Đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức này, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện…
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới Cộng hòa Pháp (từ 24-26/9), đối tác hàng đầu của Việt Nam ở Châu Âu, thành viên G8 và Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhằm khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt-Pháp, góp phần làm sâu sắc và đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới, nâng cao vị thế của Việt Nam ở châu Âu.
Việt Nam và Pháp đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác, trong đó có: Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật (1989), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1992), Hiệp định hợp tác y tế và y học(1992), Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần (1993), Hiệp định về hợp tác pháp luật và tư pháp (1993), Hiệp định hợp tác về du lịch (1996), Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự (1999), Hiệp định hợp tác hàng hải (2000), Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi (2000), Hiệp định về miễn thị thực lưu trú ngắn hạn đối với người mang hộ chiếu ngoại giao (2004), Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ (2007), Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội (2009), Hiệp định về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (2009)... |
(Theo Chinhphu.vn)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065