Phong cảnh quyến rũ của VQG Cát Tiên - Ảnh: Internet
Điều kiện địa hình, khí hậu và khả năng dung chứa đến 5 kiểu rừng là những yếu tố làm cho VQG Cát Tiên trở thành nơi tập trung các loài thực vật, động vật. Vườn là một dải kết nối giữa 2 loại địa hình: Từ cao nguyên Nam Trường Sơn đến vùng đồng bằng Nam bộ. Do đó rất giàu về tài nguyên, đa dạng sinh học: có hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng, hệ động vật rừng đặc trưng cho hệ sinh thái Đông Nam bộ
Ngày 13-1-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 08-CT thành lập VQG Cát Tiên. Ngày 16-2-1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 38/1998/QĐ-TTg chuyển giao VQG Cát Tiên cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý với diện tích 73.878 ha, trên cơ sở sáp nhập VQG Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai, Khu bảo tồn thiên nhiên Cát Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng và Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên thuộc tỉnh Bình Phước.
Động vật quý hiếm sẽ tìm thấy tại vườn quốc gia - Ảnh: Internet
VQG Cát Tiên có hệ động vật đa dạng và phong phú về thành phần loài, các loài quý hiếm có ý nghĩa bảo tồn nguồn gen trên toàn thế giới. Khu hệ động vật của VQG Cát Tiên có những nét đặc trưng của khu hệ động vật vùng bình nguyên Đông Trường Sơn, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên.
VQG Cát Tiên nằm giữa 2 vùng sinh học địa lý từ vùng cao nguyên Trường Sơn xuống vùng đồng bằng Nam bộ. Do vậy hội tụ được các luồng hệ thực vật phong phú, đa dạng. Đặc trưng là các kiểu rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới với thành phần các loài cây gỗ... VQG Cát Tiên đã định danh được 370 loài phân bố trong 128 chi, 45 họ.
Tại VQG Cát Tiên, trong quá trình điều tra khảo sát phát hiện khu hệ nấm lớn, là phát hiện bổ sung mới cho khu hệ nấm lớn của Việt Nam, hiện đang được nghiên cứu sâu hơn để được công nhận là loài mới cho khoa học.
Ở VQG Cát Tiên có 2 cộng đồng dân tộc bản địa là Mạ và Xêtiêng với những nét sinh hoạt còn đậm tính truyền thống và một kho tàng văn hóa đặc trưng như: lễ hội đâm trâu, những truyện cổ, truyền thuyết, huyền thoại độc đáo, những nhạc cụ gắn liền với đời sống văn hóa và tâm linh như bộ cồng chiêng, trống, khèn bầu, tù và sáo trúc 3 lỗ gắn vào trái bầu khô...
Lịch đón tiếp khách - Thời gian đón tiếp khách: 6 giờ - 19 giờ mỗi ngày. - Khi qua lại sông phải mặc áo phao và tuân thủ theo sự hướng dẫn của người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa. - Không mang theo các phương tiện vận chuyển như: xe ôtô, xe môtô, xe gắn máy, xe đạp. - Không mang theo các loài thú nuôi như: chó, mèo, heo, gà... - Không mang theo các thiết bị có khả năng phát âm thanh cường độ lớn. - Không mang theo vũ khí, vật liệu nổ, chất ma túy. |
Người phụ nữ Mạ nổi tiếng về nghề dệt thổ cẩm với những hoa văn tinh vi hình hoa lá, chim thú và nhiều màu sắc lạ mắt. Ngày nay, hàng thổ cẩm đang dần chiếm được cảm tình trong lĩnh vực thời trang và đặc biệt đây là mặt hàng được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng.
Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên được phát hiện vào năm 1985. Đây là một quần thể di tích rộng lớn được xây dựng chủ yếu bằng gạch đá, kéo dài trên 10km dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai, phân bố tập trung ở xã Quảng Ngãi và thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Theo nhận định của các nhà khoa học, có thể đây là một thánh địa với những di chỉ được khai quật thể hiện những thành phần kiến trúc của đền thờ Ấn Độ giáo như đền tháp, mộ tháp... cùng những hiện vật kim loại bằng vàng, đồng chạm khắc tinh vi các hình Nam thần, Nữ thần, Thần Silva, bò, voi... những hộp k’lon để đựng tro xương hỏa táng của người theo đạo Bà La Môn. Những hiện vật bằng gốm, bằng đá mà đặc biệt là bộ ngẫu tượng Linga - Yoni được ghè đẽo, chạm khắc tinh tế, sắc xảo. Trong đó, có một bộ ngẫu tượng được xác nhận là lớn nhất vùng Đông Nam Á. Di tích này đã được công nhận là di tích Lịch sử quốc gia năm 1988. Và gần đây, các nhà chức trách hữu quan đã cho khai quật, tôn tạo khu di chỉ này để hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Khánh An (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065