Ở Pháp, từng xuất hiện phong tục "rút thăm tình yêu" dành cho những người độc thân bất kể già, trẻ.
Tấm thiệp Valentine của người Đan Mạch được gọi là "tấm thiệp tình nhân..." Ngày lễ đặc biệt này còn rất nhiều điều thú vị chờ bạn khám phá.
Ví như lời ước hẹn với thần Cupid, cứ đến tháng Hai, khi đất trời vào Xuân là các cặp đôi trên thế giới xôn xao, náo nức và hăm hở chuẩn bị cho mình những lời tỏ tình ngọt ngào nhất, những tấm thiệp xinh xắn nhất cùng những món quà ý nghĩa nhất dành tặng cho người mình yêu vào đúng ngày 14-2, lễ Valentine hằng năm.
Nhiều bộ phim về tình yêu ướt át và kinh điển của Hollywood cũng đã khéo chọn ngày này để ra mắt và phù phép cho các cặp đôi được xích lại gần nhau hơn.
Dù đã bao thế kỷ trôi qua kể từ thời La Mã Trung cổ năm 496, khi Đức giáo hoàng Gelasius đệ Nhất đã dùng ngày này để tưởng nhớ đến vị tu sỹ có tên là Valentine, người bị vua Claudius II độc tài hành quyết vì dám bất tuân lệnh vua khi bí mật làm lễ kết hôn cho nhiều cặp đôi bị ngăn cấm, thì đến ngày nay, ngày thánh Valentine hay còn gọi là ngày lễ của tình yêu này vẫn luôn được tôn vinh và trường tồn mạnh mẽ với thời gian như để chứng minh một chân lý rằng đến khi nào nhân loại ngừng hơi thở, thì khi ấy tình yêu mới không còn được nói đến.
Tình yêu quả thật là một đề tài vô tận cho thơ ca và có một sức mạnh ghê gớm là thế.
Dù vẫn còn đó những mặt tiêu cực và hạn chế của những mối tình dang dở, song hãy bỏ tất cả qua một bên và đi vòng quanh thế giới để khám phá những truyền thống ăn mừng ngày lễ của tình yêu độc, lạ và thú vị nhất của nhiều nước, các bạn nhé.
Italy
Chúng ta hãy bắt đầu hành trình khám phá từ nước Italy, đất nước của tình yêu và nghệ thuật và cũng là nơi khởi nguồn của ngày lễ Valentine.
Valentine ở Italy có thời gian được gọi là Ngày lễ mùa Xuân, được tổ chức ngoài trời với những khu vườn được trang hoàng lộng lẫy, khi ấy trai thanh gái tú hội tụ về để cùng nhau lắng nghe bản nhạc du dương hoặc đọc những bài thơ hay.
Tuy nhiên, truyền thống này sau đó đã ngưng lại và không còn phổ biến trong hàng thế kỷ qua, trong khi ở Turin, thành phố phía Bắc nước Italy từng có phong tục tuyên bố đính hôn đúng vào ngày 14-2 dành cho những đôi sắp cưới.
Dù Valentine xuất xứ từ Italy trong thời cổ đại, song đến thời hiện đại, nó được du nhập ngược lại từ Mỹ với một nét văn hóa trẻ trung, phóng khoáng của người Mỹ, giống như Halloween, Father’s Day, Mother’s Day, là ngày mà thế hệ trẻ có dịp thổ thốt tâm tình với người mình thương bằng cách tặng quà cho nhau như thiệp, chocolate, hoa hay trang sức.
Món quà Valentine nổi tiếng ở Italy có thể kể đến là Bacio Perugina, một loại chocolate nhân hạt dẻ được gói bằng giấy bạc kèm theo là câu thơ tình được viết bằng 4 ngôn ngữ.
Pháp
Ở Pháp, từng xuất hiện phong tục "rút thăm tình yêu" dành cho những người độc thân bất kể già, trẻ.
Họ sẽ đi vào những ngôi nhà đối diện nhau và lần lượt cất tiếng gọi từ cửa sổ bên này cho đến cửa sổ bên kia rồi sau đó sẽ kết đôi với người được chọn.
Nếu người đàn ông không cảm thấy thích thú với người phụ nữ mình chọn, anh ta sẽ bỏ đi.
Kết quả là, các cô gái sẽ đốt lửa để thiêu cháy hình ảnh của người đàn ông phụ bạc và chửi rủa anh ta thật lớn hòa theo đám cháy của những chiếc hình nộm.
Phong tục này sau đó cũng bị dỡ bỏ bởi sự lố lăng, phản cảm cùng những ác ý của người tham gia đến nỗi chính phủ Pháp phải chính thức ban hành lệnh cấm triệt để.
Ngày nay, những chiếc thiệp sang trọng nhắn gửi lời nhắn yêu thương trong ngày Valentine vốn được thịnh hành từ trước ở Anh nay đã trở nên phổ biến tại Pháp.
Anh
Những nhà thơ Anh vốn nổi tiếng là những bậc thầy sáng tác thơ tình về ngày Valentine hay nhất mọi thời đại.
Một tháng trước Valentine, những tờ báo hàng đầu và tạp chí nổi tiếng đăng tải những bài thơ ngắn trữ tình như để ca ngợi ngày tình yêu.
Nhiều người tin rằng Ngày tình yêu "mang ơn" với người Anh, những người đã tạo nên những vần thơ lãng mạn, bất hủ cho ngày thánh Valentine.
Bất kể vùng miền nào, người dân trên toàn lãnh thổ Anh luôn tổ chức ăn mừng và tôn vinh ngày lễ của tình yêu theo những cách rất riêng của mình dù cho tục lệ gửi thiệp, tặng hoa và chocolate đã trở thành một chuẩn mực xuyên suốt vùng lãnh thổ.
Một phong tục phổ biến nữa là trẻ em sẽ hát những bài có liên quan đến lễ hội và sau đó sẽ được thưởng kẹo, trái cây hoặc tiền.
Ở một số nơi, những chiếc bánh bao Valentine được làm từ hạt cây carum, mận hoặc nho khô như một cách để ăn mừng năng suất mùa màng.
Do tính chất và thời gian tổ chức khá tương đồng nên nhiều nhà văn đã so sánh lễ hội Lupercalia với lễ thánh Valentine.
Scotland
Ở Scotland, ngày Valentine được tổ chức như một lễ hội lớn, khi ấy, số lượng lớn nam, nữ độc thân tham gia phải ngang nhau và họ sẽ viết tên thật (hoặc giả) của mình vào một mẩu giấy rồi gói lại, sau đó đặt vào một cái nón cho nam hoặc một cái nón cho nữ.
Người nữ sẽ rút thăm một tên từ chiếc nón của người nam và ngược lại.
Dĩ nhiên, khả năng hai người được kết đôi có thể sẽ không như mong đợi trong thông tục này vì người nữ có thể sẽ không rút trúng cái tên của người nam đã rút tên mình.
Nghi thức này đã dần được bổ sung, các cặp sẽ bị tách ra và phái nữ sẽ được nhận quà.
Người nữ sẽ ghim tên người mình chọn vào ngực áo hoặc tay áo và sau đó là nhảy múa cùng nhau.
Thông thường, hôn nhân rất ít xảy ra trong buổi lễ hội như thế này.
Một phong tục khác của người Scotland là, người nam hoặc nữ đầu tiên vô tình chạm mặt nhau trên đường hoặc nơi nào đó sẽ trở thành người yêu (Valentine) của người đó.
Quà tặng Valentine ở Scotland thường là những ký hiệu tình yêu hoặc nút thắt tình yêu được cả hai phái trao cho nhau cùng một lúc.
Đan Mạch-Phần Lan
Tấm thiệp Valentine của người Đan Mạch được gọi là "tấm thiệp tình nhân."
Phiên bản xưa cũ của tấm thiệp này được làm từ một chất liệu trong suốt, khi dựng trước ánh sáng, sẽ cho thấy hình ảnh của cặp đôi đang trao nhau món quà.
Một phong tục về tình yêu nữa ở Đan Mạch là người ta sẽ gửi tặng bạn bè những bông hoa trắng ép khô, gọi là Snowdrops "những hạt tuyết."
Đàn ông Đan Mạch cũng gửi đi thiệp Valentine của mình, gọi là gaekkebrev có nghĩa là "lá thư trêu đùa."
Người gửi "lá thư trêu đùa" phải gieo một vần thơ, nhưng không được ký tên mình. Thay vào đó, anh ta sẽ viết ra một lời nhắn với những dấu chấm, cứ mỗi dấu chấm tượng trưng cho mỗi chữ trong tên của anh ta.
Nếu cô gái nào nhận được tấm thiệp đó và đoán ra tên người gửi, cô gái sẽ được tặng một quả trứng Phục sinh trong năm.
Khác người bạn láng giềng Đan Mạch, ở Phần Lan người ta xem ngày Valentine là ngày Ystävänpäivä, nghĩa là Ngày của Bạn để tưởng nhớ đến những người bạn của mình.
Đức
Valentine dường như là một tục lệ lâu đời dùng để tỏ tình của các chàng trai Đức dành cho cô gái mình yêu cùng với bó hoa đỏ thắm.
Quà tặng dành cho Valentine ở Đức khá phổ biến với những ký hiệu tình yêu cùng lời nhắn yêu thương, đặc biệt là những cây kẹo mút có khắc ghi lời yêu mùi mẫn.
Tuy nhiên, những món hàng này không chỉ được bán trong ngày Valentine, mà còn ở nhiều dịp khác.
Thậm chí, có thời gian người Đức cũng chọn đúng ngày Valentine cho lễ rửa tội hay kết hôn của mình, song buổi lễ luôn được trang hoàng đơn giản, chủ yếu là những bài thơ hay và ý nghĩa được trình bày bằng tranh minh họa.
Mỹ
Có thể nói, ngày nay Valentine tại Mỹ được tổ chức tưng bừng như một lễ hội lớn của đất nước.
Không chỉ để tưởng nhớ thánh Valentine và thể hiện tình yêu với người mình yêu như một truyền thống xưa cũ, phạm vi của ngày lễ đã được nhân rộng tối đa để biến ngày lễ này trở thành một dịp lớn cho nhiều người được thổ lộ tâm tư, tình cảm và lòng biết ơn của mình không chỉ đối với người yêu mà còn đối với chồng/vợ, thầy cô, cha mẹ hay bất kỳ mối quan hệ thân quen nào.
Người Mỹ thường ăn mừng Valentine theo một cách hiện đại như gửi thiệp, hoa hồng tươi, chocolate, kẹo ngọt và ăn tối hay dự tiệc khiêu vũ cùng nhau cũng đã trở nên đặc biệt phổ biến rộng khắp tại quốc gia Bắc Mỹ này.
Cũng có nhiều cặp đôi tổ chức ngày Valentine một cách kín đáo tại nhà riêng hoặc nhà hàng với hoa tươi và kẹo gửi đến người kia.
Việc gửi kẹo trong ngày Valentine đã thành một truyền thống cực kỳ phổ biến tại Mỹ. Mỗi hộp kẹo hình trái tim được cột bằng dây ruybăng với những viên kẹo nhỏ nhắn màu pastel mang hình dạng trái tim cùng lời nhắn mùi mẫn như "Be Mine - Hãy là của anh," "Thank You - Cám ơn em" hay "Cool Dude - Anh chàng galăng."
Ngày nay, trẻ em Mỹ cũng ăn mừng ngày Valentine với bạn bè trong buổi tiệc mà trường tổ chức. Chúng cũng tham gia một số chương trình Valentine trong nhà trường như hát hò, nhảy múa, làm thơ, đóng kịch hay làm thiệp bằng tay để gửi đến bạn bè, thầy cô và cha mẹ.
Brazil
Tại Brazil, Ngày tình yêu không được tổ chức vào tháng Hai vì sẽ trùng vào lễ hội hóa trang Carnival nổi tiếng ở xứ Nam Mỹ này.
Thay vào đó, Brazil sẽ tổ chức ngày ’Dia dos Namorados’ nghĩa là ’Ngày của các tình nhân’ vào ngày 12-6, đó cũng là ngày lễ tưởng nhớ thánh Anthony - vị thánh bảo trợ cho mai mối và hôn nhân.
Australia
Xuyên suốt công cuộc tìm vàng trong quá khứ, các thợ mỏ bỗng dưng trở thành những người giàu có nhờ mớ tài sản được tìm thấy ở vùng mỏ Ballarat đã hào sảng chi trả cho những món quà Valentine đắt đỏ, được chế tạo hết sức công phu, cầu kỳ cùng với những món hàng quý nặng hàng ngàn pound được vận chuyển từ nơi khác đến.
Những món quà Valentine sang chảnh nhất tại Australia được làm từ nệm satin ướt chất thơm và trang trí tỉ mỉ với những bông hoa và vỏ sò sặc sỡ.
Những báu vật này được xem là món quà Valentine vô cùng xa xỉ và đắt đỏ, mang đậm tính thẩm mỹ và thời trang khiến ai cũng phải mơ ước.
Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, ở Australia, người tổ chức ngày lễ Valentine bằng hình thức gửi thiệp và hoa đến người thương.
Ngày nay, nhiều người lựa chọn cách gửi tin nhắn SMS và email để đến được người nhận nhanh nhất.
Một khảo sát cho thấy, đàn ông ở Australia được xem là lãng mạn và cởi mở trong việc tỏ tình hơn là phụ nữ và họ cũng là người mua thiệp mừng nhiều hơn các cô nàng.
Nhật Bản
Tại Nhật, ngày Valentine có hai ngày là 14-2 và 14-3.
Vào ngày truyền thống 14-2 như trên thế giới, các cô gái sẽ tặng quà cho các chàng trai và ngày 14/3 còn được gọi là ngày Valentine trắng từng được giới thiệu bởi một công ty kẹo ngọt mashmallow vào năm 1960, khi ấy chàng trai nào đã nhận được món quà của cô gái vào ngày 14-2 sẽ phải "đáp lễ" lại cho cô gái ấy.
Thực ra, phụ nữ Nhật có thú vui chọn quà tặng theo cách của mình và chocolate luôn là món quà phổ biến nhất tại Nhật.
Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ Nhật tin rằng chocolate được mua ngoài tiệm sẽ không phải là món quà ý nghĩa cho tình yêu đích thực, do đó họ chủ trương tự làm và pha chế chocolate bằng tay.
Lễ tình yêu ở Nhật luôn tập trung nhiều vào các đấng mày râu. Phụ nữ tặng chocolate cho người đàn ông của mình đều hy vọng mình sẽ được đáp lại vào tháng sau.
Hàn Quốc
Tục lệ tặng kẹo ngọt vào ngày 14-2 ở Hàn Quốc cũng giống như ở Nhật là chỉ có phái nữ tặng quà cho phái nam và vào ngày 14-3, Valentine trắng, người nam sẽ tặng lại quà cho người nữ.
Vào ngày Valentine trắng, nhiều chàng trai tỏ tình với người mình thầm thương trộm nhớ.
Nếu cô gái kia không được chàng trai tặng quà lại thì họ sẽ ăn mỳ jajangmyeon với tương đen và đối với "hội độc thân" cũng vậy, họ sẽ lấy ngày 14-4 là Valentine Đen để tụ tập cùng nhau cùng ăn mỳ Jajang, một loại mỳ đen nổi tiếng ở Hàn Quốc và đó cũng là lý do cái tên Valentine Đen ra đời.
Thường thì ngày 14-2 ở Hàn Quốc được xem là một trong những ngày tình yêu trong của 12 tháng trong năm.
Đài Loan
Valentine được tổ chức tại Đài Loan vào ngày 14-2 như trên thế giới nhưng cũng có một ngày Valentine đặc biệt rơi vào ngày 7-7 Âm lịch của người Trung Hoa.
Cả hai ngày này đều được xem là quan trọng như nhau. Nhiều chàng trai mua những bó hoa đắt tiền để gửi cho người mình thương vào những ngày ấy.
Theo truyền thống tại Đài Loan, màu sắc và số lượng hoa hồng sẽ nói ý nghĩa của mối quan hệ đó.
Ví dụ như, một bông hồng sẽ có nghĩa là "tình yêu duy nhất," 99 bông hồng có nghĩa là "tình yêu vĩnh cửu," còn 108 bông hồng tượng trưng cho lời cầu hôn "hãy lấy anh nhé."
Ngoài ra, có một số nước còn lại nằm trong cộng đồng Hồi giáo như Pakistan, Malaysia và Saudi Arabia… bị cấm tổ chức ngày lễ tình yêu này do truyền thống khép kín của đạo hồi và nếu ai bị phát hiện bí mất tổ chức ăn mừng Valentine sẽ bị chính phủ phạt nặng.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065