TÀU HÚT VÀ XE TẢI LỘNG HÀNH
BP - Nhiều năm nay, người dân 2 xã Đăng Hà, Thống Nhất (Bù Đăng) rất bức xúc trước tình trạng bơm hút cát ở đầu nguồn sông Đồng Nai. Điều khiến người dân lo lắng không chỉ bởi nguồn tài nguyên khoáng sản bị khai thác vô tội vạ; dòng chảy của sông bị thay đổi, khiến đất của nhiều hộ dân ở hai bên bờ sông bị “hà bá nuốt” mà “cung đường đau khổ” trước đây mới được đầu tư nâng cấp cũng đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng do các loại xe vận chuyển cát gây ra.
NGANG NHIÊN HOẠT ĐỘNG
Nhiều người dân 2 xã phản ánh việc ghe, tàu đến khai thác cát trên thượng nguồn sông Đồng Nai, gây sạt lở nghiêm trọng 2 bên bờ sông, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Chúng tôi đã đến 2 xã Đăng Hà, Thống Nhất để ghi nhận vấn đề này. 8 giờ sáng một ngày tháng 10 chúng tôi thấy trên lưu vực sông Đồng Nai, đoạn chảy qua xã Đăng Hà, giáp ranh tỉnh Lâm Đồng, các ghe “bạch tuộc” đang khai thác cát rầm rộ, phá vỡ không gian yên tĩnh nơi đây. Trên đoạn sông dài chưa đầy 10km có 6 tàu, xuồng đang vươn vòi hút cát. Máy nổ, người xúc cát, phương tiện vận chuyển... diễn ra công khai giữa ban ngày một cách sôi động.
Xe chuyên dụng vận chuyển cát lưu thông trên cung đường Sao Bọng - Đăng Hà
LÀM NGÀY CHƯA ĐỦ, TRANH THỦ LÀM ĐÊM
Không chỉ ngang nhiên khai thác giữa ban ngày mà khi màn đêm buông xuống, tình trạng bơm hút cát trộm càng trở nên nhộn nhịp tại các đoạn sông không được phép khai thác. Khoảng giữa đêm, hơn chục chiếc ghe thả neo dọc sông Đồng Nai dài khoảng 2km hối hả đưa những chiếc vòi “bạch tuộc” cỡ lớn thi nhau bơm hút trộm cát. Trên ghe là những chiếc máy bơm có công suất lớn, tiếng động cơ gầm rú vang rền, chẳng khác nào một đại công trường. Rồi cát từ những ống hút trực tiếp dưới lòng sông được xả thẳng vào khoang chứa cát thành phẩm phía dưới ghe.
Người dân ở gần sông cho biết, hệ thống ống hút cát trên các ghe “bạch tuộc” đã được cải tiến nên công suất hút cát cao hơn. Nếu chính quyền 2 tỉnh (Bình Phước và Lâm Đồng) không tổ chức tuần tra thì mỗi chiếc ghe “bạch tuộc” có thể đi 2-3 chuyến đến bãi tập kết. “Bây giờ ống hút cát được trang bị quạt hút ngay đầu ống, chỉ cần thả xuống và xỉa vào gần bờ sông là có thể vô tư hút cát” - một “tài công” của ghe “bạch tuộc” đã bỏ nghề cho biết.
Sau nhiều giờ làm việc, đến gần sáng tiếng máy bơm hút cát từ “đại công trường” giảm dần. Trời sáng hẳn, những chiếc ghe “bạch tuộc” lần lượt tiến về địa điểm tập kết cát tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã Đăng Hà và Thống Nhất để bơm cát lên bãi chứa... Trong khi những chiếc ghe hút chưa đủ “chỉ tiêu” tiếp tục hoạt động, nhiều ghe “bạch tuộc” có công suất lớn được chủ cho “nghỉ ngơi” sau một đêm miệt mài “rút ruột” ở thượng nguồn sông Đồng Nai, khu vực chân cầu Phước Cát - cây cầu huyết mạch nối 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một đêm bơm hút cát liên tục, mỗi ghe “bạch tuộc” có thể thu được hàng chục triệu đồng. Vì nguồn lợi quá hấp dẫn nên “cát tặc” tìm mọi cách khai thác trộm cát, bất chấp việc ảnh hưởng tới dòng chảy, gây sạt lở đất, đe dọa đến tính mạng của người dân sống hai bên bờ sông.
2KM, 12 ĐIỂM TẬP KẾT CÁT
Trên cung đường Sao Bọng - Đăng Hà, đoạn từ thôn 6, xã Đăng Hà đến thôn 5, xã Thống Nhất dài chưa tới 2km, nhưng có tới 12 điểm tập kết cát. Các bãi đều đang hoạt động sôi nổi, xe vào ra liên tục để vận chuyển cát đi tiêu thụ. Ông Bùi Xuân Thế, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Những điểm tập kết này thuộc sở hữu của các công ty, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng đã đến trình báo giấy phép hoạt động “miệng” với chính quyền xã.
“Cát tặc” công khai hoạt động ban ngày (ảnh lớn) và đẩy mạnh khai thác đêm (ảnh nhỏ) trên thượng nguồn sông Đồng Nai
Hoạt động rầm rộ của các ghe “bạch tuộc” làm tăng khối lượng cát tại các bãi tập kết vào thời kỳ xây dựng nước rút trong năm khiến lượng xe tải chở cát tăng cao. Quan sát thực tế, cứ 5 phút chúng tôi gặp một xe trọng tải lớn chở cát lưu thông trên cung đường Sao Bọng - Đăng Hà. Tuyến đường này được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn cứu hộ cứu nạn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, đang phải ngày đêm “oằn mình” vì xe quá tải.
Được biết, tỉnh đã có kế hoạch phân bổ vốn nâng cấp toàn tuyến, nhưng đoạn từ UBND xã Thống Nhất đến dốc Năm Cây chưa được chủ đầu tư thi công nên mặt đường xuống cấp nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Bà B.T.B ở thôn 5, xã Thống Nhất bức xúc: “24 năm sống trong cảnh “nắng bụi, mưa lầy” nên khi đường Sao Bọng - Đăng Hà hoàn thành đã tạo tâm lý phấn khởi trong nhân dân vì việc đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các xe tải trọng lớn hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm khiến đoạn đường xuống cấp, trơ sỏi đá và gồ ghề. Các xe còn làm cát rơi vãi ra lòng đường và đi lấn lề đường, đẩy người dân sống ven đường vào cảnh khốn khó. Những ngày mưa đường vô cùng lầy lội, còn ngày nắng thì bụi bay mù mịt. Gia đình tôi phải đóng kín cửa cả ngày để tránh bụi. Sức khỏe mọi người trong nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thường xuyên bị các bệnh về đường hô hấp. Tổn thất lớn nhất vẫn là người buôn bán bên đường, bởi gian hàng của họ luôn trong cảnh ế ẩm vì khách không muốn dừng lại mua do bụi”.
Mảng Tường
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065