“Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; lạm phát được kiếm soát ở mức thấp; tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãỉ suất tương đối ổn định”, Tờ trình của Chính phủ nhận định.
Đáng lưu ý, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, sản xuất công nghiệp tăng khá. Sản xuất nông nghiệp đã khắc phục khó khăn về thiên tai và thị trường, phát triển tương đối ổn định. Lĩnh vực an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai thực hiện tốt, đời sống nhân dân được cải thiện…
Đánh giá tình hình, Chính phủ dự kiến từ nay đến cuối năm, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5% (kế hoạch là 6,2%); chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 1,5-2,5% (kế hoạch là kiềm chế ở mức khoảng 5%). Chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng, chủ yếu do việc kiểm kê đánh giá lại điều kiện thực tế về quỹ đất còn lại có thể trồng rừng và diện tích rừng, một phần đất rừng bị chuyển đổi sang các mục đích khác… Còn nếu tỉnh riêng về chỉ tiêu trồng rừng trong 9 tháng đầu năm đạt 172 nghìn ha, tăng tới 4,2% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại cũng giảm 53,9% so với cùng kỳ.
Ngân sách chưa bền vững, doanh nghiệp vẫn khó khăn
Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ủy ban ghi nhận những kết quả tích cực đạt được và cơ bản đồng tình với những đánh giá, nhận định của Chính phủ.
“Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng việc phục hồi tăng trưởng thiếu yếu tố bền vững: Khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng ở mức 2,08% so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2014. Nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khấu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Giàu lưu ý.
Đặc biệt, năm 2015, tình trạng nhập siêu đã trở lại sau 3 năm 2012-2014 xuất siêu. Khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu (giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD), trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu. Đáng lo ngại, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói: “Có ý kiến lo ngại nếu không thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước thỉ cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp”.
“Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn, năm 2013 có khoảng 60.000, năm 2014 khoảng 67.800 và 9 tháng năm 2015 đã có 54.566 doanh nghiệp, chỉ trong 9 tháng năm 2015, số doanh nghiệp khó khăn tương đương cả năm 2011 và 2012”, ông Nguyễn Văn Giàu nêu rõ.
Bên cạnh đó, cân đối ngân sách Nhà nước tiếp tục khó khăn, do cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, nhất là chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách dự kiến là 5% không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015, hiệu quả sử dụng vốn ODA và các chính sách sử dụng vốn ODA chưa cao, áp lực và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm…
Vẫn theo Báo cáo thẩm tra, việc thực hiện một số chinh sách mới như gói giải pháp hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp 30 nghìn tỷ đồng đã có chuyển biến, nhưng dư nợ cho vay vẫn rất thấp. Kết quả thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là thấp xa so với nhu cầu chính đáng của ngư dân, chua đáp ứng và góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo như mong muốn của nhân dân.
Tình hình trật tự an toàn xã hội còn một số tồn tại, một số lễ hội thiếu lành mạnh, kém văn minh gây phản cảm; một số vụ án hình sự nghiêm trọng, một số vụ thảm sát nhiều người gây lo lắng trong nhân dân. Công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hậu kiểm về chất lượng, an toàn vệ sinh với hàng nhập khẩu và lưu thông được tăng cường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhưng chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết số 78/2014/QH13 về công tác phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và tái cơ cấu nợ Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc triển khai Nghị quyết số 78/2014/QH13 bước đầu đã đạt được mục tiêu kéo dài kỳ hạn danh mục nợ TPCP, nhưng cũng đã tác động tới thị trường TPCP và công tác huy động vốn và thanh khoản của ngân sách nhà nước.
“Trên cơ sở tình hình triển khai Nghị quyết số 78/2014/QH13 và thực trạng danh mục nợ Chính phủ, Chính phủ đề xuất trong thời gian tới cần tập trung phát triển thị trường TPCP để tăng cường huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, đồng thời từng bước thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ”, người đứng đầu ngành Tài chính giải trình.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp để kéo dài kỳ hạn danh mục nợ TPCP, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường TPCP theo hướng bền vững; trong đó một giải pháp quan trọng là đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP tại thị trường trong nước.
Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành TPCP với tất cả các kỳ hạn theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt, trong điều hành Chính phủ sẽ tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, dự kiến vào khoảng 60%-70% tổng khối lượng phát hành tùy vào tình hình thị trường. Theo đó, với điều kiện kinh tế vĩ mô, thị trường ổn định và khối lượng huy động qua kênh TPCP phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường thì Chính phủ dự kiến kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP là 5,5 năm trong giai đoạn 2016 – 2020.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ trình Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2015-2016, Chính phủ được phép phát hành trái phiếu quốc tế (TPQT) để tái cơ cấu nợ trong nước. Từ năm 2017, sẽ phát hành TPQT để bù đắp bội chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam “tốt nghiệp” IDA (nguồn vốn vay chính thức của Ngân hàng Thế giới). Việc vay này vẫn đảm bảo duy trì tỷ lệ dư nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.
Cơ bản không làm tăng dư nợ Chính phủ
Theo Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP và sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ để tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ cơ bản không làm tăng dư nợ Chính phủ. Các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra (đến năm 2020 tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ luôn thấp hơn 50% tổng nợ Chính phủ).
Một tác động quan trọng của việc này là giảm đỉnh nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn của Chính phủ trong giai đoạn tới, góp phần đảm bảo chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép (không quá 25% thu ngân sách Nhà nước hàng năm). Bên cạnh đó, thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp, tạo sức ép để hạ chi phí huy động vốn nước ngoài của Chính phủ trong tương lai, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cũng như của các thành phần kinh tế khác.
“Đối với các nhà đầu tư quốc tế, việc Việt Nam tham gia thị trường một cách thường xuyên sẽ tác động tích cực đến tính thanh khoản của các trái phiếu hiện hành cũng như tạo ra sự hấp dẫn cho các trái phiếu mới để giảm chi phí huy động vốn trong tương lai”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lập luận. Hơn nữa, việc phát hành TPQT sẽ góp phần giảm áp lực về vốn ngoại tệ của các ngân hàng trong nước, duy trì lãi suất trong nước ở mức thấp để hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp không có điều kiện vay vốn ngoại tệ từ nước ngoài; cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái và ổn định kinh tế vĩ mô…
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065