Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) Lý Trung Kiên cho biết: Từ hơn tuần nay, tất cả các nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn Đồng Văn đều đã có khách đặt phòng. Theo dự kiến của ngành chức năng, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, lượng khách đến Khu Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ tăng đột biến.
Từ giữa tháng 4, trong dịp Lễ hội chợ tình Khau Vai diễn ra tại huyện Mèo Vạc, khách trong nước và nước ngoài đi theo các tour du lịch lên Cao nguyên đá Đồng Văn đã tăng đáng kể. Trong tháng 3, ước tính có 4000 du khách đã đến Đồng Văn; dự báo con số này sẽ tăng lên 5000-6000 khách trong tháng 4. Trong Tuần Văn hóa du lịch Chợ tình Khau Vai 2012, huyện Mèo Vạc đã đón hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến với chợ tình Khau Vai - phiên chợ mỗi năm chỉ có một lần.
Những cung đường uốn lượn trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang |
Vài năm trở lại đây, Hà Giang - vùng đất địa đầu cực bắc đất nước, nơi có Cao nguyên đá Đồng Văn đang thu hút ngày một nhiều du khách trong và ngoài nước. Hệ thống đường giao thông được nâng cấp, việc đi lại thuận lợi hơn. Nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hoạt động vận tải hành khách với các nhà xe chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Đặc biệt, từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu thì du khách đến Hà Giang ngày càng nhiều. Năm 2011, lượng khách đến Hà giang đạt con số kỷ lục - trên 300.000 lượt khách.
Theo thống kê của cơ quan du lịch, cả tỉnh hiện có 2 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế hoạt động trong nội địa; trên 100 cơ sở lưu trú… Các khách sạn (2 KS đạt chuẩn 2 sao và 9 KS đạt chuẩn 1 sao) và nhà nghỉ du lịch (89 nhà) tập trung chủ yếu tại thành phố Hà Giang. Hiện ở Cao nguyên đá Đồng Văn có quá ít cơ sở lưu trú, nên mỗi khi vào dịp lễ hội, nghỉ lễ, Tết dài ngày, lượng khách tăng thì các nhà nghỉ trở nên quá tải.
Du lịch lên Hà Giang, Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của một vùng rừng, núi đá nơi biên cương cực Bắc của đất nước; được đứng bên cột cờ Lũng Cú - điểm cao nhất trên bản đồ Việt Nam; được thăm Cổng trời, đến với núi Cô Tiên (núi đôi) ở Quản Bạ, thăm Khu nhà Vương của Vua Mèo một thời, thăm phố cổ Đồng Văn, qua đỉnh Mã Phì Lèng đến Mèo Vạc có chợ tình Khau Vai… Du khách cũng sẽ có cơ hội được sống trong những sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Mông, Nùng, Tày, Dao, Lô Lô, Giáy… trong những bản làng, những mái nhà treo lưng núi. Khách du lịch một lần đến với Cao nguyên đá cũng sẽ không quên được văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc, không quên được chén rượu ngô nấu bằng men lá và sự hiếu khách của người dân nơi đây.
(Theo Baotintuc.vn)