Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (viết tắt của Provincial Competitiveness Index) được xây dựng trên cơ sở đánh giá của doanh nghiệp (DN). Do vậy, chỉ số này phản ánh khá khách quan môi trường đầu tư và kinh doanh của địa phương. Sự tương tác này còn giúp lãnh đạo tỉnh nhận biết được môi trường thu hút DN, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp. Khi PCI đã trở thành một diễn đàn cho cộng đồng DN có cơ hội bày tỏ những quan ngại và đóng góp ý kiến sẽ là động lực thúc đẩy chất lượng điều hành kinh tế tại tỉnh. Chính tầm quan trọng đó mà năm 2011, UBND tỉnh đã kịp thời có những quyết sách phù hợp nhằm cải thiện những chỉ số thấp trong năm 2010, đưa Bình Phước vượt 28 bậc, đứng thứ 8/63 tỉnh, thành, trở thành tỉnh có kết quả xếp hạng đứng đầu nhóm điều hành tốt trong cả nước.
TỪ “MỔ XẺ” NGUYÊN NHÂN...
Việc triển khai thực hiện Chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) đã được UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN đầu tư sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Mặc dù năm 2010, chỉ số PCI của Bình Phước xếp thứ 36/63 tỉnh thành, thuộc nhóm điều hành khá, nhưng qua phân tích, có 4 chỉ số thành phần rất thấp. Trong 4 chỉ số có 2 chỉ số phản ánh sự nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho DN của cơ quan công quyền, cán bộ công chức có thẩm quyền đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN bị xếp gần chót bảng là Chi phí gia nhập thị trường 61/63 và Chi phí không chính thức 60/63 tỉnh, thành. Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành hữu quan và UBND các huyện, thị xã quyết tâm cải thiện 4 chỉ số thành phần PCI có thứ hạng thấp nhất năm 2010 gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Chỉ số chi phí không chính thức; Đào tạo lao động (45/63) và Dịch vụ hỗ trợ DN (33/63) vẫn nằm dưới trung bình, với mục tiêu đưa Bình Phước vào nhóm 30 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số xếp hạng PCI của cả nước.
Tổ công tác PCI tỉnh kiểm tra các chỉ số năng lực cạnh tranh tại Cục Hải quan Bình Phước - Ảnh: H.T
Tổ công tác PCI đã phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những thuận lợi, khó khăn để “mổ xẻ” việc dẫn đến những thành phần chỉ số PCI còn thấp. Đồng thời, tổ cũng xác định rõ những nội dung cần cải thiện, giao trách nhiệm cải thiện các chỉ số thành phần liên quan cho từng thành viên.
... ĐẾN KHẮC PHỤC HẠN CHẾ
Sau khi phân tích những hạn chế, Thường trực Tổ công tác PCI đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND, ngày 23-9-2011 về thực hiện Chương trình hành động nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2011-2012; Quyết định số 1843/QĐ-UBND về kiện toàn tổ công tác; Kế hoạch số 125/KH-TCT, ngày 4-10-2011 của Tổ công tác về việc kiểm tra chỉ số PCI năm 2011.
Để nắm bắt tình hình, tổ công tác PCI đã tăng cường kiểm tra tại một số đơn vị, sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã; kịp thời khắc phục việc thực hiện một cửa liên thông chưa được triển khai đồng bộ, chưa cụ thể hóa cơ chế liên thông giữa một số sở, ngành có liên quan đến việc giải quyết một số thủ tục hành chính. Tổ nhận thấy việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, áp dụng quy trình quản lý hành chính công theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 còn hạn chế, từ đó việc xử lý các hồ sơ liên quan đến DN còn nhiều vướng mắc, kéo dài. Bên cạnh đó, nhận thức của một số lãnh đạo, cán bộ, công chức về PCI chưa đạt yêu cầu; chưa nắm được nội dung, ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của PCI đối với chính sách thu hút đầu tư và việc phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Đối với hai chỉ số có thứ hạng thấp đều liên quan đến “quyền” và “lợi” của cán bộ, công chức, qua kiểm tra đánh giá cho thấy việc cải cách hành chính, công tác phòng chống tham nhũng chưa có hiệu quả. Cán bộ công chức còn dựa vào quyền lực hành chính Nhà nước để trục lợi cá nhân. Tổ công tác cũng đã nhận định, ở đơn vị nào lãnh đạo có nhận thức đầy đủ về PCI, hiểu được tầm quan trọng và tác dụng của nó trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thì ở đó sẽ giảm tình trạng gây phiền hà, hành vi nhũng nhiễu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế dân doanh, giúp DN hoạt động theo đúng pháp luật. Chỉ số PCI là công cụ hữu ích đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương.
Qua công tác kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác PCI đã yêu cầu các đơn vị khắc phục nhanh, bài bản những hạn chế được phát hiện. Qua đó đã có sự chuyển biến rất rõ về nhận thức, sự quan tâm của lãnh đạo các đơn vị. Cán bộ, công chức đã tích cực thực hiện nội dung, mục tiêu kế hoạch. Những lĩnh vực liên quan đến hoạt động của DN, các dịch vụ công đều được cụ thể hóa đến từng khâu trong công việc. Quy trình thực hiện được công khai, minh bạch, gắn với việc cải cách thủ tục hành chính theo Đề án 30. Nhiều đơn vị đã thực hiện ISO trong việc giải quyết thủ tục hành chính công. Một số thủ tục hành chính được thực hiện trên mạng, việc công khai minh bạch được triển khai thực hiện một cách triệt để hơn. Nhiều sở, ngành, địa phương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh cũng như trực tiếp giải quyết công việc theo hướng có lợi cho DN trên cơ sở đảm bảo quy định của pháp luật. Qua đó thể hiện tính tiên phong của lãnh đạo trong thực thi chính sách pháp luật.
MỞ RA CƠ HỘI MỚI
Sau nhiều cố gắng, nỗ lực, năm 2011 Bình Phước lọt vào nhóm 10 địa phương đứng đầu về xếp hạng chỉ số PCI một cách đáng ngạc nhiên. Vượt 28 bậc, một biến động rất lớn về thứ hạng so với mục tiêu mà tỉnh đã đặt ra trong năm 2011: Hướng tới việc đưa Bình Phước vào nhóm 30 tỉnh, thành phố dẫn đầu về xếp hạng chỉ số PCI của cả nước. Tin vui này đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn nhằm cải thiện các lĩnh vực điều hành theo kết quả PCI tại Bình Phước.
9 tiêu chí trong chỉ số PCI và các điểm số, thứ hạng của Bình Phước + Chi phí gia nhập thị trường đạt 9,01 điểm, xếp thứ 13.
Niềm vui lớn hơn là 2 chỉ số gần như cuối bảng năm 2010 là Chi phí gia nhập thị trường (61/63) và Chỉ số chi phí không chính thức (60/63) đã được thay đổi lần lượt nâng lên vị trí 13 và đứng đầu bảng xếp hạng. Chỉ số thành phần Đào tạo lao động và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng thay đổi tích cực, lần lượt nâng 11 và 21 bậc. Đây sẽ là cơ hội lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân mạnh hơn nữa trên địa bàn tỉnh. Được xếp hạng trong nhóm “top tốt” sẽ là cơ hội quảng bá Bình Phước cho DN tiếp cận với tiềm năng và cơ hội mới.
+ Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đạt 7,62 điểm, xếp thứ 8.
+ Tính minh bạch và tiếp cận thông tin đạt 6,57 điểm, xếp thứ 8.
+ Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước đạt 6,51 điểm, xếp thứ 36.
+ Chi phí không chính thức đạt 8,62 điểm, xếp thứ 1.
+ Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh đạt 6,69 điểm, xếp thứ 7.
+ Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 4,49 điểm, xếp thứ 12.
+ Đào tạo lao động đạt 4,73 điểm, xếp thứ 34.
+ Thiết chế pháp lý đạt 5,58 điểm, xếp thứ 32.
Năm 2012 là cơ hội mới nhưng cũng là thách thức khi Bình Phước muốn duy trì và nâng cao thứ hạng của mình. Tuy nhiên, để giữ và nâng cao thứ hạng, tỉnh cần có những quyết sách phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, tiếp tục tập trung giải quyết nhanh các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị, sở, ngành, trên quan điểm vận dụng linh hoạt đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, kiên quyết xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tạo sự tin tưởng của DN vào thiết chế pháp lý ở địa phương. Tăng cường công tác phòng và chống tham nhũng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu tạo ra kênh thông tin đặc biệt để doanh nghiệp có thể mạnh dạn tố cáo hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ là điều cần thiết. Công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất, thực hiện thông thoáng về chính sách bồi thường, tái định cư. Hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu sử dụng của DN. Thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức về nội dung, ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình PCI tác động tới phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ngọc Tú
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065