>> Khắc phục ngay tình trạng thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
>> Phấn đấu đến 2020, Bình Phước thu ngân sách trên 9.000 tỷ đồng, bảo đảm cân đối thu - chi thường xuyên
PHẦN I:
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng đề ra đều được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ. Trong 15 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu của nghị quyết, đến nay đã có 4 chỉ tiêu vượt; 10 chỉ tiêu đúng tiến độ, có khả năng đạt và vượt; 1 chỉ tiêu khó đạt.
Cụ thể, 4 chỉ tiêu đã đạt và vượt là: Cơ cấu kinh tế (chỉ tiêu: nông - lâm - thủy sản 32,4%; công nghiệp - xây dựng 30%; thương mại - dịch vụ 3,6%), năm 2018 đã vượt chỉ tiêu. Tổng thu ngân sách (chỉ tiêu đạt 4.850 tỷ đồng), năm 2018 đã đạt 7.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu (chỉ tiêu đạt 2 tỷ USD), đến tháng 6-2018 đã đạt 2,240 tỷ USD. Trường học đạt chuẩn quốc gia (chỉ tiêu đạt 25%), đến tháng 6-2018 đã đạt 28,73%.
10 chỉ tiêu đạt tiến độ và có khả năng đạt, vượt: Thu nhập bình quân đầu người (chỉ tiêu 61,1 triệu đồng, tương đương 2.848 USD). Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 (chỉ tiêu là 100.000 tỷ đồng). Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm (chỉ tiêu 74,8%); cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường (chỉ tiêu 100%); 98% dân số nông thôn và 99% dân số đô thị sử dụng nước hợp vệ sinh. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới (chỉ tiêu 50% trên tổng số xã). Đề tài sau nghiệm thu được đưa vào ứng dụng hiệu quả (chỉ tiêu 100%). Số bác sỹ và giường bệnh/vạn dân (chỉ tiêu 8,5 bác sỹ và 30,5 giường bệnh); mức giảm tỷ suất sinh hàng năm 0,2%o; số xã đạt chuẩn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chỉ tiêu 95%); dân số tham gia bảo hiểm y tế (chỉ tiêu 80%)… Hàng năm, có từ 80% trở lên hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; có từ 60% trở lên thôn, ấp, khu phố và tương đương được công nhận và giữa vững danh hiệu “Thôn, ấp, khu phố văn hóa”; có từ 50% trở lên xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; có từ 50% trở lên phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; có từ 80% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,0% theo tiêu chí cũ (tiêu chí ở thời điểm ban hành Nghị quyết), tương ứng với 3,65% theo tiêu chí mới (Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 về tiêu chí giảm nghèo giai đoạn 2016-2020). Tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm (chỉ tiêu đều trên 80%); kết nạp mới khoảng 6.000 đảng viên. Xếp loại tổ chức cơ sở đoàn thể chính trị - xã hội hàng năm (chỉ tiêu 90%); thu hút đoàn viên, hội viên vào tổ chức (chỉ tiêu 80%).
1 chỉ tiêu khó đạt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP, giá so sánh 2010) bình quân thời kỳ 2016 - 2020 là 7,5%/năm.
Về lĩnh vực kinh tế:
Tiếp tục phát triển, quy mô, chất lượng nền kinh tế được nâng lên, tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm đạt khá (6,84%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản (đến nay đã đạt: Nông - lâm - thủy sản 26,15%; công nghiệp - xây dựng 38,09%; thương mại - dịch vụ 35,76%). Chỉ tiêu cơ cấu kinh tế đến 2020: nông - lâm - thủy sản 32,4%; công nghiệp - xây dựng 30%; thương mại - dịch vụ 37,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 57 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, năm 2018 ước đạt 7.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu nghị quyết hơn 2.000 tỷ đồng. Nợ công của tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Năm 2016: trên 283 tỷ đồng; năm 2017: 170 tỷ đồng; năm 2018: 78 tỷ đồng chi ngân sách hằng năm của tỉnh được thực hiện theo hướng giảm chi thường xuyên, tiết kiệm để tăng chi đầu tư phát triển (tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2016 chiếm 17,6%; 2017 chiếm 21,2%; 2018 chiếm 33,6%).
Giờ giao mủ của công nhân Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng - Ảnh: L. Phương
Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn:
Về nông nghiệp, đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên canh cây trồng lâu năm và phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Diện tích cao su 241.716 ha, điều 134.733 ha, hồ tiêu 16.714 ha; tổng đàn gia súc ước 500.546 con, đạt 62,5% chỉ tiêu nghị quyết; tổng đàn gia cầm ước có 4,8 triệu con, đạt 53,3% chỉ tiêu nghị quyết). Trình độ sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên; liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm được mở rộng. Có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ vào nông nghiệp.
Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm và bước đầu có chuyển biến tích cực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã chuyển giao được 58 mô hình sản xuất nông nghiệp; hình thành được một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các mô hình hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác gắn với chuỗi sản xuất, chế biến được đổi mới, hiệu quả. Việc xây dựng thương hiệu nông sản được chú trọng, hình thành các thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh, chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước...
Nông dân: Liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa nông dân với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác được mở rộng, gắn sản xuất với tiêu thụ, ổn định giá cả, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của nông dân.
Nông thôn: Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6-2018, đã xây dựng được 2.779km đường giao thông nông thôn. Ước đến cuối năm 2018, TX. Đồng Xoài, Phước Long đạt chuẩn nông thôn mới; 36/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 39,1% (chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2020 là 50%).
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: Tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp gắn với phát triển đô thị, nhà ở xã hội, phấn đấu đưa thị xã Đồng Xoài lên thành phố vào cuối năm 2018; xây dựng, hoàn thiện chính sách và tổ chức quảng bá chính sách thu hút đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó có 10 khu công nghiệp đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng, cho thuê gần 80% diện tích. Riêng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch đến năm 2025 với quy mô 28.364 ha, tỉnh đã lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, tổ chức xúc tiến đầu tư, đến nay đã thu hút 70 doanh nghiệp với tổng diện tích cho thuê đất là 1.236 ha. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 12,7%, bằng với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Giá trị gia tăng ngành xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2018 ước tăng 11,86% (chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2020 tăng 15,7%).
Lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ: Đã quy hoạch và mời gọi được các nhà đầu tư lớn chuẩn bị xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, dịch vụ biên mậu... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng bình quân ba năm ước thực hiện là 16,7%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 2 tỷ 240 triệu USD (chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2020 là 2 tỷ USD), góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa và đưa hàng Việt chất lượng cao về nông thôn. Tập trung xây dựng Khu di tích quốc gia đặc biệt căn cứ Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết, Khu bảo tồn văn hóa, dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, khu Quần thể Văn hóa - Cứu sinh núi Bà Rá. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh thu hút hơn 1,1 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu khoảng 1.027 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động của ngân hàng đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh. Ước đến cuối năm 2018, tổng dư nợ cho vay đạt trên 63.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chỉ chiếm 0,64%.
Lĩnh vực đầu tư, phát triển hạ tầng và quy hoạch đô thị:
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2018 ước huy động được trên 56.000 tỷ đồng,trong đó vốn ngân sách nhà nước là 7.944 tỷ đồng (vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm 21%; ngoài nhà nước chiếm 70,1%; vốn đầu tư nước ngoài chiếm 8,9% trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội).
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Đã triển khai xây dựng phương án cấp điện cho khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico, Khu công nghiệp - Dân cư Becamex Bình Phước; xây dựng đường điện vào nhà máy xi măng Minh Tâm; điều chỉnh dự án thủy điện Đức Thành trên sông Đồng Nai; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore và các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu lập báo cáo khả thi dự án điện mặt trời. Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6-2018, đã phát triển được 507 km đường dây trung thế, 585km đường dây hạ thế. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 98,7%. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án BOT, BT. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xây dựng được trên 4.600km đường, trong đó quốc lộ 231km, đường tỉnh 496km, đường huyện 540km… Công tác xã hội hóa y tế ngày càng được quan tâm, đã tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân. Toàn tỉnh có 1 bệnh viện đa khoa tư nhân với quy mô 120 giường bệnh (Bệnh viện Thánh Tâm), 16 phòng khám đa khoa, hàng trăm cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược phẩm nhỏ lẻ.
Cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp nước cho sinh hoạt, các khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Tỉnh hiện có 67 công trình thủy lợi. Năng lực tưới theo thiết kế của các công trình là trên 17.000 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp là 102.952m3/ngày đêm; diện tích tưới thực tế đạt 37% so với thiết kế. Tập trung xây dựng và chỉnh trang đô thị Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long; xây dựng quy hoạch các khu đô thị mới, như: Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài; khu đô thị mới công viên trung tâm Đồng Xoài; khu đô thị thương mại - dịch vụ Tiến Thành. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh ước đạt 26% (nghị quyết đến 2020 là 32%).
Các dự án trọng điểm của tỉnh được nỗ lực triển khai thực hiện. Nghị quyết đề ra 11 dự án trọng điểm, trong quá trình thực hiện, do yêu cầu thực tiễn, tỉnh đã điều chỉnh, không thực hiện 3 dự án, bổ sung 4 dự án mới (nâng tổng số dự án trọng điểm lên 12 dự án. Không thực hiện 3 dự án: Dự án Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Đồng Phú; Dự án khu du lịch sinh thái Bù Gia Mập; Dự án đường Tà Thiết - Hoa Lư.Bổ sung thực hiện 4 dự án mới: nâng cấp mở rộng Đường ĐT 741 đoạn từ Bầu Trư đến thị xã Đồng Xoài và đoạn từ thị xã Đồng Xoài đến thị xã Phước Long; Dự án BOT Quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu; các dự án trung tâm thương mại Đồng Xoài, Chơn Thành, Phước Long; khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch.
Đến nay đã có 1 dự án hoàn thành, 4 dự án hoàn thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng, 7 dự án đang triển khai thực hiện. Dự án hoàn thành: nâng cấp mở rộng đường ĐT 759; 4 dự án hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào sử dụng: dự án Becamex Bình Phước; dự án BT đường Minh Hưng - Đồng Nơ; khu di tích Quốc gia đặc biệt căn cứ Bộ chỉ huy miền Tà Thiết; dự án khu bảo tồn văn hóa
Về phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể:
Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đến tháng 6-2018, thu hút đầu tư trong nước được 413 dự án, tổng số vốn đăng ký là 22.121 tỷ đồng, bằng 217% về số dự án và 136% về vốn so với cả nhiệm kỳ trước. Thu hút đầu tư vốn nước ngoài (FDI) được 62 dự án với tổng vốn đăng ký là 326 triệu USD, bằng 122% về số dự án và 72,6% về số vốn so với cả nhiệm kỳ trước. Có 2.103 doanh nghiệp được thành lập mới, so với nhiệm kỳ trước tăng 62% về số doanh nghiệp. Tỉnh có 183 dự án FDI, với số vốn đăng ký là 1 tỷ 692 ngàn USD; có 6.340 doanh nghiệp đang hoạt động với số vốn đăng ký trên 52.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 117 hợp tác xã, doanh thu bình quân 6,3 tỷ đồng/HTX. Đã thực hiện tái cơ cấu 4/5 doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh.
Giờ làm việc của công nhân một doanh nghiệp chuyên gia công hàng điện tử ở Khu công nghiệ Chơn Thành - Ảnh: L.P
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội:
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được đầu tư. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Mạng lưới bưu chính, viễn thông ngày càng hiện đại, việc ứng dụng công nghệ thông tin được các cấp, các ngành đẩy mạnh. Thể dục thể thao có nhiều tiến bộ; thông tin, truyền thông, báo chí từng bước đổi mới về nội dung, hình thức.
Quy mô giáo dục tiếp tục được mở rộng, hệ thống trường lớp học phát triển rộng khắp và hợp lý. Chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng lên; giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Tiếp tục củng cố duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở. Có 11/11 huyện, thị xã và 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 23/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH mức độ 2 và 88/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3; duy trì 111/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 9/111 xã, phường, thị trấn đạt phổ cập THPT. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được quan tâm, đạt kết quả tốt trong các cuộc thi ở khu vực và quốc tế. Năm 2018, có em Nguyễn Văn Thành Lợi, học sinh trường THPT chuyên Quang Trung đạt Huy chương Vàng môn Vật lý trong kỳ thi Olympic châu Á và Huy chương Đồng Olympic quốc tế.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Nhiều chỉ tiêu về y tế đã đạt và vượt so với Nghị quyết. Đến cuối năm 2018 số bác sỹ/vạn dân đạt 7,8 bác sỹ (nghị quyết đến năm 2020 là 8,5 bác sỹ trên vạn dân). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 13,5%, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 83% (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 80%). Công tác khám, chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật được tăng cường đầu tư; chú trọng nâng cao y đức, phục vụ tốt người bệnh tại các cơ sở khám và điều trị trong toàn ngành.
Chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội… đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại:
Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh biên giới được chú trọng, tăng cường. Bình Phước là đơn vị đầu tiên của Quân khu 7 hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc, bao gồm 28 mốc chính và 173 mốc phụ; xây dựng được 184km đường tuần tra biên giới.
Hoạt động đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế được chú trọng, đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi huy động nguồn lực phát triển và nâng cao vị thế của tỉnh. Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và các tỉnh Nam Lào ngày càng phát triển tốt đẹp.
Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị:
Công tác chính trị tư tưởng: Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tích cực phòng chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kịp thời theo dõi, nắm chắc tình hình và định hướng dư luận xã hội. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng nhiều nội dung thiết thực, hiệu quả.
Công tác tổ chức xây dựng Đảng: Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và phát triển đảng viên mới. Hàng năm, có 97% tổ chức cơ sở đảng và 92,7% đảng viên đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW.Công tác cán bộ đảm bảo dân chủ, công khai. Chính sách cán bộ được quan tâm.Công tác bảo vệ chính trị nội bộ thực hiện đúng quy định.
Công tác kiểm tra, giám sát; phòng chống, tham nhũng: Tổ chức giám sát chuyên đề 1.100 lượt tổ chức đảng và 1.504 đảng viên; kiểm tra chấp hành 1.539 lượt tổ chức đảng và 2.569 đảng viên; thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 382 đảng viên. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát từng bước được nâng lên. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng tồn đọng phức tạp, kéo dài. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Bình Phước nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố xếp thứ hạng cao về kết quả phòng chống tham nhũng năm 2017.
Công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể: Hệ thống dân vận, MTTQ, đoàn thể các cấp tiếp tục bám sát cơ sở, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; đã vận động được gần 83 tỷ đồng, xây dựng 1.707 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Bước đầu thực hiện tốt quy định của Tỉnh ủy về hoạt động đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Công tác xây dựng chính quyền: Tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 đạt 37/60 điểm, trong nhóm trung bình cao của cả nước. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cải cách thủ tục hành chính đi vào nề nếp. Hoạt động của Trung tâm Hành chính công mang lại hiệu quả tích cực, từ khi thành lập đến nay đã tiếp nhận và giải quyết trên 86.000 hồ sơ, tỷ lệ trễ hẹn thấp (0,6%).
Kỳ sau: Khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065