Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo Nghị quyết Trung ương 4 (TW4) khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đã về dự và chỉ đạo hội nghị. Về dự hội nghị còn có các đồng chí trong Tổ công tác của Trung ương, gồm đại diện các ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng. Phát biểu tại buổi kết thúc hội nghị, thay mặt Tổ công tác của Trung ương, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Hội nghị kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. Đồng chí đã khẳng định Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước là một tập thể vững vàng về tư tưởng, chính trị và có tinh thần trách nhiệm cao. Đồng chí cũng lưu ý và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy những vấn đề quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo và đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng ở địa phương.
Báo Bình Phước xin giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc trong tỉnh về kết quả bước đầu kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo Nghị quyết TW4 (Nội dung dưới đây được trích đăng từ tài liệu do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy cung cấp).
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ KIỂM ĐIỂM
Để tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn với yêu cầu nội dung kiểm điểm tự phê bình, phê bình phải tập trung vào 3 vấn đề cấp bách:
Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
Về tổ chức lấy ý kiến góp ý để chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy được thực hiện ở 3 kênh thông tin chủ yếu là: Các cơ quan trung ương, các cơ quan cấp tỉnh và các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh đã nghỉ hưu. Trong đó riêng các cơ quan trung ương và cấp tỉnh đã có 34 tổ chức và 8 lượt ý kiến cá nhân đóng góp cho tập thể Ban thường vụ; 29 tổ chức đóng góp cho cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Kết quả góp ý cho thấy, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân đã đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc, tập trung vào 3 vấn đề cấp bách mà nghị quyết nêu...
KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU KIỂM ĐIỂM
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã diễn ra trong thời gian 5 ngày từ 6 đến ngày 10-9-2012 (kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ 2 ngày, cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ 3 ngày).
Về cách thức tiến hành kiểm điểm: Tập thể Ban Thường vụ kiểm điểm trước, cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm sau. Đối với kiểm điểm cá nhân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm điểm trước, sau đó lần lượt đến các đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khác.
Đối với tập thể: Có 15/15 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát biểu, với 22 lượt ý kiến đóng góp cho bản kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất kiểm điểm làm rõ thêm các nội dung:
Trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Vai trò, trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ và trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã để xảy ra những vụ việc nổi cộm, gây dư luận bức xúc trong nhân dân, cụ thể là những hạn chế xảy ra trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; trong giao đất, giao rừng; các dự án xây dựng đường quốc lộ 14; về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc thực hiện quy chế làm việc, các kết luận của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy.
Đối với kiểm điểm cá nhân: Có 122 lượt ý kiến đóng góp đối với các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các ý kiến đóng góp nêu thẳng vào vấn đề, nhất là những hạn chế, thiếu sót, có trao đổi trên tinh thần cầu thị để làm sáng tỏ vấn đề nhằm giúp đồng chí mình nhận thức rõ hơn, sâu hơn về các vấn đề được nêu để từ đó đề ra các giải pháp sửa chữa, khắc phục hiệu quả. Các nội dung góp ý của tập thể và cá nhân, những ưu điểm, khuyết điểm trong thực tế chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cá nhân trong những năm qua đều được đưa ra thảo luận, kiểm điểm.
Tại hội nghị, công tác điều hành kiểm điểm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đảm bảo đúng nguyên tắc, khách quan, điều hành linh hoạt nhưng kiên quyết, không khống chế thời gian, gợi mở những việc cần bàn sâu, đảm bảo phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể đóng góp cho bản kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Về phía người được góp ý đều có thái độ thật sự cầu thị trong tiếp thu ý kiến đóng góp, hứa sẽ chỉnh sửa bản kiểm điểm theo góp ý và đề ra những giải pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong thời gian tới.
PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC, SỬA CHỮA KHUYẾT ĐIỂM YẾU KÉM CỦA TẬP THỂ VÀ CÁ NHÂN TRONG BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất xác định 7 nhóm công việc cần làm ngay trong thời gian tới gồm các vấn đề nảy sinh bức xúc, nhằm tạo chuyển biến nghiêm túc trong công tác xây dựng Đảng, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 4 nhóm giải pháp chủ yếu đó là:
1. Tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả, tính chiến đấu của công tác tư tưởng theo Chương trình số 16-CTr/TU ngày 21-3-2012 của Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả, tính chiến đấu của công tác tư tưởng trong tình hình mới”. Đẩy mạnh chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
2. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm.
3. Chỉ đạo thực hiện tốt hơn, đảm bảo đúng quy trình, quy định các khâu trong công tác cán bộ, phát huy vai trò của người phụ trách công tác cán bộ cũng như cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp ủy.
4. Chỉ đạo xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý bảo vệ rừng; về giao đất, giao rừng.
MỘT SỐ KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU RÚT RA TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY
Một là, công tác chuẩn bị và tổ chức lấy ý kiến của các tập thể và cá nhân phải đảm bảo đúng nguyên tắc, theo quy định và các văn bản hướng dẫn của trung ương và của tỉnh. Việc tổng hợp ý kiến góp ý cho tập thể và cá nhân phải được thực hiện nghiêm túc, trung thực, khách quan; kịp thời gửi đến các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hai là, bản kiểm điểm của tập thể và cá nhân cần bám sát 3 nội dung mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra. Cần nêu ưu điểm và những hạn chế khuyết điểm, nguyên nhân do đâu, cần phân tích thật kỹ hạn chế khuyết điểm, nguyên nhân của hạn chế, từ đó xây dựng kế hoạch giải pháp khắc phục cụ thể, cái gì có thể sửa chữa ngay, cái gì cần có thời gian, lộ trình thích hợp. Cần tập trung làm rõ 3 vấn đề cấp bách, kết hợp với những vấn đề tồn tại, bức xúc của đơn vị, địa phương.
Ba là, về trình tự và cách thức kiểm điểm: Tập thể làm trước, cá nhân làm sau; trong kiểm điểm cá nhân người đứng đầu làm trước, sau đó lần lượt đến các đồng chí cấp phó (nếu ở địa phương thì bí thư kiểm điểm trước, sau đó đến các đồng chí phó bí thư là chủ tịch UBND và đồng chí phó bí thư thường trực, tiếp đến là các đồng chí ủy viên thường vụ khác).
Đối với các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khi dự chỉ đạo và theo dõi đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình cần bám sát yêu cầu chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy; kiên quyết chỉ rõ những nội dung mà tập thể và cá nhân tại địa phương, đơn vị mình phụ trách phê bình chưa đạt, nội dung nào cần bổ sung. Nếu ở đơn vị, cá nhân nào chuẩn bị chưa tốt, không đạt yêu cầu thì tạm hoãn kiểm điểm.
Bốn là, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm cho xong, làm hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác.
Năm là, trên cơ sở góp ý cho tập thể và cá nhân, từng đồng chí phải nghiêm túc tiếp thu, giải trình phải trung thực, đi thẳng vào nội dung, bản chất của vụ việc. Phải đề ra được những giải pháp khắc phục, sửa chữa có hiệu quả các khuyết điểm, hạn chế đã được xác định qua kiểm điểm đối với tập thể và từng cá nhân. Đối với vấn đề nào làm được ngay thì làm, có thời gian hoàn thành cụ thể, vấn đề nào kết luận được ngay thì kết luận, vấn đề nào cần có thời gian thì phải làm tiếp, kể cả điều tra, xác minh, làm rõ...
Sáu là, việc kiểm điểm tập thể sẽ làm cơ sở cho kiểm điểm cá nhân từng đồng chí điều chỉnh và kiểm điểm cá nhân lại đặt trong mối quan hệ với kiểm điểm tập thể, sau kiểm điểm cá nhân sẽ quay lại bổ sung cho kiểm điểm tập thể. Sau kiểm điểm sẽ phải có kết luận rõ ràng bằng văn bản với từng cá nhân và tập thể.
Bảy là, sau kiểm điểm cần quan tâm chỉ đạo thực hiện hoàn thiện các văn bản, báo cáo, các bản kiểm điểm của từng đồng chí.
(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065