BP - “Bình Phước luôn chú trọng kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu chất lượng hàng nông sản với các doanh nghiệp phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại”. Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã khẳng định như vậy tại hội nghị kết nối giao thương giữa nông dân với doanh nghiệp do Hội Nông dân tỉnh phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh tổ chức ngày 7-6.
TIỀM NĂNG CÒN BỎ NGỎ
Bình Phước có thổ nhưỡng phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp và cây công nghiệp giá trị kinh tế cao. Hiện nay, ngoài các loại cây công nghiệp thế mạnh, như cao su, điều, tiêu, cà phê, ca cao thì các loại cây ăn trái cũng đang là hướng đi nhiều triển vọng. Trái cây của tỉnh tuy chỉ mới phát triển mạnh hơn 10 năm trở lại đây, trong đó khoảng 20 loại có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa thích, như sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường, bơ sáp... với diện tích khoảng 7.000 ha.
Đại diện các sở, ban, ngành chứng kiến doanh nghiệp và nhà nông ký kết bản ghi nhớ tại hội nghị
Bà Đào Thị Lanh cho biết: Định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới là đưa diện tích cây ăn trái lên khoảng 13.300 ha. Khuyến khích nông dân trồng các loại cây ăn trái có chất lượng cao, như sầu riêng, xoài, cam sành, nhãn xuồng cơm vàng, quýt đường, bơ sáp... Hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tăng tỷ trọng chăn nuôi heo, gà theo hướng tập trung (trang trại, gia trại); chăn nuôi nông hộ theo hướng tổ hợp tác, có kiểm soát để hạn chế dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển các vùng rau tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau sạch...
MONG MUỐN CÓ QUY HOẠCH VÙNG CHUYÊN CANH
Có thể thấy tiềm năng sản xuất nông nghiệp của Bình Phước rất lớn nhưng chưa được cả nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học phát huy. Một trong những dẫn chứng cho việc doanh nghiệp chưa phát huy được lợi thế là hiện nay mặc dù trái cây trên địa bàn khá phong phú, sản lượng lớn, chất lượng tốt nhưng Bình Phước vẫn chưa có một chợ đầu mối chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản, trở thành “thương hiệu” của địa phương.
Nông dân xã Tân Thành (Bù Đốp) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hồ tiêu
Ông Nguyễn Hữu Năm ở xã Phú Riềng (Phú Riềng) có 32 ha trồng cao su, điều và các loại cây ăn trái, đồng thời là người sáng chế ra các loại máy móc phục vụ sản xuất cho rằng: “Nếu tỉnh có chợ đầu mối chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản, sẽ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, giúp người dân yên tâm sản xuất”.
Bên cạnh đó, ông Trương Văn Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long - người gắn bó 21 năm với cây sầu riêng, cho rằng: “Khu vực Bàu Nghé có nguồn nước tưới dồi dào (gần hồ thủy điện Thác Mơ) và điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp với các loại cây ăn trái, nhất là sầu riêng. Hiện toàn thôn có trên 100 ha sầu riêng lớn, nhỏ. Bà con mong muốn chính quyền và ngành chức năng nghiên cứu, quy hoạch nơi đây thành vùng chuyên canh cây ăn trái và hướng dẫn nông dân phun thuốc gì, bón phân gì để bảo đảm trái cây có chất lượng cao nhất. Mong các doanh nghiệp về tìm hiểu và ký kết đầu tư để người dân yên tâm sản xuất vì có giá và đầu ra ổn định”.
Mong muốn này không chỉ với ông Đảo, với thôn Bàu Nghé, với cây sầu riêng, mà cũng là mong muốn của hàng ngàn nông dân trồng cây ăn trái ở Bình Phước hiện nay. Đó là mong muốn có quy hoạch những vùng cây ăn trái rộng lớn để khai thác tối đa lợi thế về đất đai, giảm chi phí sản xuất, có điều kiện áp dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại và chủ động trong tiêu thụ nguồn hàng.
THÊM MỘT TIN VUI VỚI NHÀ NÔNG
Chia sẻ về những khó khăn của nhà nông, ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước nói: Từ trước đến nay, chúng ta sản xuất được nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao nhưng không xây dựng được thương hiệu nên nguồn tiêu thụ không ổn định. Do vậy, cần có sự kết nối giữa các ngành khoa học - công nghệ, nông nghiệp, hội nông dân trong việc tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc các loại cây trồng - vật nuôi sao cho thị trường chấp nhận. Hội sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ để nông dân ổn định sản xuất và có nguồn hàng chất lượng xuất khẩu.
Thêm một tin vui nữa đối với hàng ngàn nông dân chân chính nhưng sản xuất nhỏ lẻ khi sản phẩm của họ có cơ hội thuận lợi để “xâm nhập” vào siêu thị. Bà Ngô Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đồng Xoài cho biết: “Siêu thị mong được kết nối với nông dân trong tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các nông hộ phải sản xuất theo hướng sạch vì sản phẩm muốn đưa vào siêu thị phải qua quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt”.
Tại hội nghị đã có 6 bản ghi nhớ kết nối giao thương giữa nhà nông và doanh nghiệp. Đây là những biên bản làm tin trong giao dịch, liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065