Hiện nay, các cấp ủy đảng từ trung ương đến cơ sở đã và đang tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Một trong năm vấn đề hạn chế, khuyết điểm được Trung ương rút ra là “... chưa đi sâu làm rõ những hạn chế, yếu kém về 3 nội dung nêu trong nghị quyết, nhất là vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; chưa xác định rõ được trách nhiệm cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém của tập thể…”. Nói cách khác là việc kiểm điểm đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ vẫn chưa thực chất. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến làm thế nào để việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đi vào thực chất, tránh được bệnh hình thức và phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển.
Cần khẳng định: Cán bộ là nhân tố chủ yếu, quyết định thắng lợi của mọi thời kỳ cách mạng. Và trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ cần được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để có trình độ chuyên môn vững vàng mà hơn lúc nào hết cần phải được nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống để đủ “sức đề kháng” trước những cám dỗ thường trực của cơ chế thị trường thời “mở cửa”. Mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta trong mọi thời kỳ không thay đổi, vẫn là giành độc lập, tự do cho dân tộc, lo cho dân, vì dân, trong đó có bản thân và gia đình của mỗi đảng viên, nhưng bản lĩnh chính trị của người đảng viên hôm nay, trong chừng mực nào đó không còn giống như ngày trước. Nếu như trong chiến tranh giữ nước, bản lĩnh người đảng viên được thể hiện hùng hồn qua lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bởi chỉ có một mục tiêu duy nhất là kẻ thù trước mặt, thì hôm nay, bản lĩnh của người đảng viên lại cần được nhìn nhận, đánh giá một cách linh hoạt, không chỉ là trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng mà còn phải xét trên cả hiệu quả công việc, sự tỉnh táo để không vì cái lợi riêng mà ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc và cả sự đóng góp tích cực đối với cộng đồng...
Còn nhớ trong một lần sinh hoạt chi bộ thường kỳ, đồng chí nguyên bí thư chi bộ nơi tôi đang sinh hoạt đã nói: “Chúng ta là cán bộ, đảng viên, nhưng trong một ngày, sẽ có một, vài giờ chúng ta sống thoát ra khỏi những quy định của Đảng đối với đảng viên. Cần phải làm thế nào để số giờ “thoát” ra ấy ngày càng giảm”. Nếu đừng nhìn nhận, bắt bẻ về “câu chữ” để nâng quan điểm thì đó là một nhận xét chân tình và lời khuyên sát thực. Do những đổi thay của xã hội, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hôm nay cũng không thể đánh giá một cách giản đơn như trước đây. Lãnh đạo tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên hôm nay là vấn đề khó và hoàn toàn không đơn giản. Đó là nhận xét của hầu hết các đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ mà chúng tôi từng đặt câu hỏi, bởi ngoài thời gian công tác tại đơn vị và sinh hoạt chi bộ, hầu như cấp ủy không nắm được cán bộ, đảng viên trong chi bộ mình làm gì. Đó chính là cái khó của cấp ủy trong đánh giá, xếp loại đảng viên. Trong thực tế, có những cán bộ, đảng viên làm việc ở cơ quan, đơn vị chỉ “làng nhàng” theo kiểu không vi phạm thì tổ chức không thể phê bình, kỷ luật. Bởi thế, để việc đánh giá cán bộ, đảng viên được khách quan, chính xác, cần phải có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về từng đảng viên và cả đội ngũ. Và chỉ khi đánh giá đúng thì mới đề ra được giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, chuyển đổi vị trí công tác hoặc tác động vật chất...
Một thời gian dài, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nhiều cơ quan, đơn vị hiểu một cách giản đơn là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã chi những khoản tiền không nhỏ cho công tác đào tạo. Chưa nói đến chất lượng đào tạo nhiều khi chỉ là hình thức để cấp bằng cho phù hợp với vị trí được cất nhắc, chỉ nói đến “phong trào” đi học ồ ạt đã làm tổn hao ngân sách hoặc của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả công việc tại cơ quan, vì trong thực tế, có cơ quan đồng ý cho hơn một nửa cán bộ, công chức đi học! Không thể phủ nhận vai trò của tri thức trong công tác cán bộ, nhưng thiết nghĩ, đào tạo, bồi dưỡng không phải là giải pháp duy nhất để nâng cao chất lượng đội ngũ.
Từ những tiêu chuẩn bắt buộc và những yêu cầu, đòi hỏi đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được kết hợp nhuần nhuyễn cả 3 yếu tố: nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ, năng lực và nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. 3 yếu tố ấy phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, trung thực và biện chứng. Một yêu cầu quan trọng nữa là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát giữa cấp trên với cấp dưới và ngược lại; giữa cán bộ, đảng viên với nhau và dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân dân; đồng thời phải kiên quyết sàng lọc, đưa ra khỏi đảng những người không còn xứng đáng.
Linh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065