Ngày 22-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh đã tạm giữ Đặng Thanh Thiện, sinh năm 1986, ngụ huyện Hóc Môn để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do biết gia đình chị T.M.T ở thị trấn Hóc Môn đang tranh chấp đất với những người thân và đã bị tòa xử thua nên Thiện mạo nhận là phóng viên của một tờ báo lớn ở TP. Hồ Chí Minh đến đặt vấn đề viết bài để giúp chị lấy lại tài sản và yêu cầu chị T đưa 10 triệu đồng. Khi chị T đưa tiền cho Thiện thì bị công an bắt quả tang. Chỉ hai ngày sau, 24-3, Công an quận Hồng Bàng, Hải Phòng cũng bắt quả tang Phan Thành Long có hành vi đe dọa bà Đ.T.Đ ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng là sẽ đăng báo vì vi phạm nguyên tắc xây dựng để bà Đ phải chi tiền. Từ đối tượng này, công an đã tìm ra kẻ chủ mưu chính là Phan Văn Thương, sinh năm 1974, Trưởng văn phòng đại diện Báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng. Thương đã tổ chức cho phóng viên và cộng tác viên tìm hiểu các gia đình, tổ chức xã hội có vi phạm thì đến dọa đăng báo nếu không chịu nộp tiền. Nhóm đối tượng này đã thực hiện trong thời gian dài và thu tiền của nhiều người. Còn tại Bình Phước, vào năm 2013, Mai Xuân Bình - một cộng tác viên của Báo Thanh niên cũng đã bị Công an thị xã Đồng Xoài bắt quả tang khi đang lợi dụng vụ việc tiêu cực để thực hiện hành vi tống tiền một công dân trên địa bàn phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài... Và còn rất nhiều vụ tương tự liên quan đến nghề báo nữa.
Không “danh chính ngôn thuận”, nhưng rõ ràng “quyền lực” báo chí đang hiện diện trong cuộc sống. Và lâu nay người ta thường nói báo chí là “quyền lực thứ tư”, sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đơn vị, cá nhân nào muốn đánh bóng tên tuổi, chỉ cần “câu” được một vài người mất phẩm chất trong làng báo là sẽ có những bài “tô hồng”, thậm chí là cả “chiến dịch” truyền thông về cá nhân, đơn vị đó. Ngược lại, những người thiếu đạo đức nghề nghiệp trong làng báo, thậm chí người giả danh nhà báo cũng có thể thu hút dư luận bằng cách rủ nhau “đánh hội đồng” một cá nhân hay đơn vị nào đó. Thế nên nhiều người rất ngại khi tiếp xúc với báo chí, nhất là doanh nghiệp.
“Quyền lực” báo chí không thể hiện bằng điều luật mà thể hiện ở sự định hướng dư luận. Một câu nói, một thông tin, nếu không có truyền thông thì chỉ tồn tại trong một không gian hẹp rồi sẽ rơi vào quên lãng. Nhưng nếu giới truyền thông tham gia vào mổ xẻ, bình luận thì nó có thể trở thành cơn bão dư luận. Nó có thể đưa một người lên đỉnh của danh tiếng; cũng có thể đẩy ai đó xuống địa ngục bằng dư luận. Nói cách khác, nó có thể giết người, đánh sập một thương hiệu, thậm chí là góp phần tích cực vào việc lật đổ một chế độ. Chính vì thế mà các thế lực thù địch, phản động đang ngày đêm lợi dụng truyền thông để săn lùng những vụ việc tiêu cực trong xã hội nhằm bóp méo, xuyên tạc, dựng chuyện về Đảng, Nhà nước ta.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận những hiệu ứng tích cực mà “quyền lực” báo chí mang lại, nhất là khi các nhà báo dũng cảm, mưu trí nhờ quyền lực báo chí mà đưa được những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, điển hình là vụ Trịnh Xuân Thanh trong năm qua. Còn những kẻ lợi dụng quyền lực báo chí để làm nhiều việc tồi tệ như những nhân vật được nêu trong bài thì trước sau gì cũng rơi vào vòng lao lý mà thôi.
Nguyên Thủy
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065