Tuy vậy ngày nào Sputnik cũng truyền tín hiệu tới lãnh thổ Mỹ vài lần, còn chính phủ nước này chỉ chẳng biết làm gì với những tiếng beep đó. Chỉ một vấn đề đã rõ ràng với nhà cầm quyền Mỹ: các tên lửa của Nga vốn đưa vệ tinh như Sputnik lên quỹ đạo, ngày nào đó có thể được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ.
Người Nga cũng chưa dừng ở đó: Một tháng sau, họ kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga bằng cách đưa một chú chó lên quỹ đạo Trái đất trên vệ tinh Sputnik 2. Liên Xô cũng tin tưởng các nhà du hành vũ trụ của họ sẽ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (tức là vào năm 1967) trên Mặt trăng.
Các nhà phân tích tình báo Mỹ, vốn nghiên cứu rất kỹ về chương trình không gian bí mật của Liên Xô, lo sợ rằng người Nga có thể thực sự đưa người lên Mặt trăng vào năm 1967. Điều này dấy lên một số khả năng đáng ngại với các nhà hoạch định chính sách quân sự Mỹ: Điều gì xảy ra nếu như Liên Xô tuyên bố Mặt trăng là lãnh thổ của họ? Tệ hơn, điều gì xảy ra nếu người Nga thiết lập một căn cứ quân sự trên Mặt trăng, thậm chí là một căn cứ tên lửa hạt nhân, với hệ thống tên lửa đều chĩa nòng về Trái đất?
Câu trả lời duy nhất với các nhà hoạch định chính sách trong quân đội Mỹ lúc đó, là nước Mỹ phải là nước đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng và xây dựng một căn cứ trên đó trước khi người Nga có thể.
Trang nhất tờ "Welch Daily News" số ra ngày 6-10-1957, hơn một ngày sau sau khi Sputnik I được phóng. |
"Căn cứ mặt trăng này cần thiết để bảo vệ các lợi ích Mỹ trên Mặt trăng, nhờ thế Mỹ có thể bác bỏ được các tuyên bố của Liên Xô về lãnh thổ, thương mại hay công nghệ", giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển quân đội Mỹ, Trung tướng Arthur Trudeau, viết vào tháng 3-1959. Ông đã chỉ đạo quân đội "phát triển một kế hoạch nhằm thiết lập căn cứ Mặt trăng bằng cách nào nhanh nhất có thể". Hai tháng sau, bản báo cáo có tên "Dự án Chân trời" đã nằm trên bàn làm việc tướng Trudeau.
Một trong những khả năng đầu tiên được cân nhắc là đưa phi hành gia lên Mặt trăng để tìm kiếm "các hố hoặc hang động" có thể "được che phủ bằng các túi áp suất" nhằm tận dụng lập doanh trại. Tuy nhiên các tác giả của Dự án Chân trời đã đề xuất những thứ còn tham vọng hơn nhiều:
Giai đoạn 1: Chuẩn bị nguyên vật liệu
Bắt đầu từ tháng 1-1965, những lô tên lửa đầu tiên sẽ được phóng lên Mặt trăng, mang theo các thiết bị, nguyên liệu và linh kiện cần thiết cho việc xây dựng căn cứ. Toàn bộ các vụ phóng sẽ đều là không người lái.
Ngay khi các vật liệu đáp xuống Mặt trăng, hai phi hành gia sẽ được cử lên để kiểm tra xem mọi thứ có hạ cánh trong tình trạng tốt không. Bất cứ vật liệu nào bị hư hại hay phá hủy sẽ được thay thế trong những lần phóng sau đó.
Ước tính sẽ mất từ 30-90 ngày để hai nhà du hành hoàn thành nhiệm vụ của mình trước khi trở về Trái đất.
Giai đoạn 2: Xây trại
6 tháng sau, sau khi mọi việc được xác nhận đã đâu vào đấy, một nhóm 9 nhà du hành sẽ được đưa lên Mặt trăng để dỡ vật liệu và bắt đầu lắp ráp căn cứ.
Đầu tiên sẽ là lán trại của đội xây dựng, nơi các nhà du hành sẽ sinh sống trong thời gian họ xây dựng căn cứ. Những “căn phòng” của cả trại xây dựng lẫn căn cứ chính đều là những “đơn nguyên đúc sẵn”, được làm từ những bể kim loại hình xi lanh có đường kính hơn 3 mét, dài hơn 6 mét, tương đương kích thước một chiếc container. Chúng sẽ không nổi trên bề mặt Mặt trăng mà được hạ xuống các hào đất, mà các nhà du hành phải dùng thuốc nổ, máy xúc để đào.
Ngay khi các “phòng cư trú” được kết nối với nhau và các thiết bị hỗ trợ sự sống hoạt động đầy đủ, các nhà du hành sẽ dùng máy xúc san đất Mặt trăng vào các hào và hoàn toàn chôn vùi khu trại.
Tại sao lại phải làm như vậy? Đó là cách hiệu quả nhất để bảo vệ các phi hành gia khỏi phơi nhiễm với các tia bức xạ cũng như bảo vệ căn cứ khỏi nhiệt độ cực đoan trên Mặt trăng, ban ngày có thể nóng tới 126 độ C và đêm thì xuống -137 độ C.
Phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong - người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.
|
Sau khi các nhà du hành hoàn tất trại xây dựng, họ sẽ bắt đầu xây dựng căn cứ chính bằng cách đào một hào dài và lớn hơn, tạo thành một góc vuông 90 độ với hào đầu tiên. Khu căn cứ chính cũng sẽ được lắp đặt thiết bị rồi được chôn vùi. Toàn bộ Năng lượng cần đến sẽ được cung cấp bởi hai lò phản ứng hạt nhân, được chôn lấp ở một khoảng cách an toàn với căn cứ.
Dự án Chân trời đặt mục tiêu căn cứ Mặt trăng sẽ được hoàn tất vào tháng 11-1966.
Tự vệ
Các nhà thiết kế của Dự án đã lên kế hoạch cho ngày mà tên lửa hạt nhân Mỹ có thể được lắp đặt tại căn cứ và hướng mũi về phía Liên Xô. Ngoài ra một loại vũ khí kiểu như súng trường cũng đã được lên kế hoạch phát triển nhằm trang bị cho các phi hành gia Mỹ để họ sử dụng trong trường hợp cận chiến với phi hành gia Liên Xô trên Mặt trăng. Với không gian rộng hơn, các nhà quân sự Mỹ thiết kế những loại vũ khí bắn ra nhiều mảnh đạn hoặc nhiều bi nhỏ.
Với những mục tiêu cách xa từ 2,5 đến gần 10 dặm, thì loại vũ khí giống như khẩu bazooka, bắn ra đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ cũng đã được tính toán đến. Các tác giả của Dự án Chân trời còn đề xuất phát triển “tia tử thần”, gồm loạt tia neutron hoặc phóng xạ gamma, được bắn ra từ một thiết bị có tên gọi là máy đẩy electron.
Cuộc mặc cả giá
Các nhà quân sự Mỹ ước tính rằng, việc xây dựng căn cứ trên Mặt trăng và duy trì hoạt động hậu cần cho đến cuối năm 1967, thời điểm căn cứ đã đi vào hoạt động được khoảng 1 năm, sẽ mất khoảng trên 229 lần phóng tên lửa lên Mặt trăng, tương đương mỗi tuần một chuyến.
Họ cũng ước tính rằng chương trình sẽ tốn kém 6 tỉ USD, tương đương 50 tỉ USD thời giá ngày nay, cộng thêm 25 triệu USD để phát triển các loại vũ khí phòng vệ trên căn cứ. Đó là một số tiền khổng lồ vào thời điểm năm 1959, tuy nhiên các tác giả tranh cãi rằng nó cũng không chiếm tới 2% ngân sách quốc phòng hằng năm. Họ cảnh báo rằng nếu đợi đến khi có đủ bằng chứng rằng Liên Xô cũng đang lên kế hoạch thiết lập căn cứ Mặt trăng, rồi mới xúc tiến chương trình để giành giật, thì còn tốn kém hơn cũng như rủi ro cao hơn nhiều.
Nếu như có một ai đó phải chịu trách nhiệm lớn nhất về việc không thiết lập một căn cứ quân sự Mỹ lên Mặt trăng, thì đó chính là Tổng thống Dwight D. Eisenhower. “Ike” (biệt danh của Eisenhower) là cựu tướng 5 sao từng lãnh đạo quân Đồng minh đi đến chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến thứ II. Nhưng khi làm Tổng thống, ông lại lo lắng lạm chi quốc phòng, và muốn quân đội tập trung cho những mục tiêu bền vững có ngân sách vừa phải hơn, như chế tạo các loại tên lửa hạt nhân tốt hơn.
Tháng 7-1958, Eisenhower ký lệnh thành lập một cơ quan vũ trụ dân sự có tên Cơ quan Vũ trụ và Hàng không học quốc gia (National Aeronautics and Space Administration), có nhiệm vụ xử lý tất cả mọi vấn đề liên quan đến hàng không vũ trụ, kể cả việc đưa phi hành gia lên Mặt trăng. "Ike" không quan tâm nhiều đến ý tưởng này, ông nghĩ chạy đua với Liên Xô lên Mặt trăng chỉ tổ hao tiền tốn của. Chỉ đến khi Tổng thống John F. Kennedy nắm quyền, chương trình Mặt trăng mới có sức sống trở lại.
Người Mỹ sau đó đã đặt chân lên Mặt trăng, nhưng nhờ Eisenhower, quân đội Mỹ vẫn ở lại Trái đất.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065