Khoản 2 và 3, Điều 1 của Luật Phòng, chống tham nhũng có nội dung như sau: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Theo quy định này chỉ có những đối tượng trên khi thực hiện hành vi tham nhũng mới thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, còn rất nhiều người tuy có chức vụ, quyền hạn rất lớn và rất dễ thực hiện hành vi tham nhũng nhưng họ không phải là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp, nên họ không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Đó là những cán bộ quản lý cấp giám đốc, tổng giám đốc hoặc cấp phó của họ hay những cán bộ cấp phòng, ban và thậm chí cả nhân viên của các doanh nghiệp tư nhân, các công ty cổ phần mà phần vốn nhà nước chỉ là thiểu số. Như vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng đã và đang loại những đối tượng trên (khu vực tư nhân) ra khỏi hành vi tham nhũng. Chính vì vậy cho nên những đối tượng trên có thực hiện hành vi tham nhũng thì cũng không thể xử lý hình sự được.
Như vậy, với những quy định của pháp luật hiện hành, thì hành vi tham ô chỉ được gói gọn trong lĩnh vực nhà nước. Cụ thể là những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước làm chủ sở hữu, mà chưa đề cập đến quyền và cả tiền trong lĩnh vực tư nhân. Từ thực tế trên cho thấy, đã đến lúc luật cần được mở rộng khái niệm về “người có chức vụ, quyền hạn” không chỉ là những người nắm giữ chức vụ và làm trong các cơ quan nhà nước, mà bao gồm những người nắm quyền và tiền ở lĩnh vực tư nhân.
Chưa hết, cũng theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự...), những đối tượng thực hiện các hành vi tham nhũng, như nhận và đưa hối lộ, tham ô,... không bao gồm những công chức là người nước ngoài. Chính vì vậy, khi áp dụng và muốn truy tố những người nước ngoài thực hiện hành vi tham nhũng trên lãnh thổ Việt Nam là không thể. Đây chính là việc “tự ta làm khó cho ta”. Và thực tế cho thấy, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, không ít người có chức, có quyền và có tiền là chủ các doanh nghiệp tư nhân, là nhà đầu tư nước ngoài vì muốn xong việc cho mình, sẵn sàng “bôi trơn” cho công chức nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, chào hàng cạnh tranh, thành lập doanh nghiệp, thực hiện các dự án đầu tư...
Chính vì vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng hình sự hóa hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ không chỉ với lĩnh vực tư nhân, mà cả với công chức nước ngoài.
N.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065