Anh Lê Văn Đức (con trai bà Sự) với đàn vịt của gia đình
Sinh ra và lớn lên ở Bắc Giang, năm 1996, bà Sự cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Với 5 sào đất ít ỏi, dù chịu thương, chịu khó nhưng gia đình bà vẫn nghèo quanh năm. Mấy năm trước, bà đầu tư nuôi heo. Tuy nhiên, giá heo bấp bênh, thời tiết diễn biến phức tạp, đàn heo dễ bị bệnh nên thất bại liên tục. Nhà có sẵn ao rộng gần 2 sào, năm 2011, gia đình bà chuyển qua nuôi vịt siêu đẻ.
Có người bà con 20 năm trong nghề nuôi vịt, bà cho con trai út đến học hỏi kinh nghiệm. Sau khi nắm vững quy trình chăm sóc, tháng 8-2011, gia đình bà đầu tư nuôi 400 con vịt siêu đẻ. Bà sang tận Tây Ninh để chọn mua vịt giống trưởng thành về nuôi. Bà Sự cho biết: “Nuôi vịt trưởng thành vốn đầu tư hơi cao. Thời điểm tôi mua mỗi con vịt giống giá khoảng 200 ngàn đồng. Tuy nhiên, mua về khoảng 10 ngày sau, chăm sóc tốt đàn vịt đẻ trứng liên tục trong vòng 2-3 năm”.
Hiện nay, với 400 con vịt siêu đẻ, mỗi ngày gia đình bà Sự thu về khoảng 300 quả trứng, tương đương gần 1 triệu đồng. Theo tính toán của bà Sự, trung bình mỗi con vịt ăn hết 1,5 ngàn đồng/ngày tiền thức ăn, cộng với tiền thuốc phòng chống dịch bệnh hằng tháng, lấy công làm lãi mỗi năm gia đình bà thu khoảng 100 triệu đồng.
Nhờ trứng vịt của nhà bà Sự có nguồn gốc rõ ràng nên rất đắt khách. Cứ 5 giờ sáng, bà cùng con trai nhặt trứng mang ra chợ bán, đến 9 giờ sáng là hết. Nhiều hôm, các tiệm tạp hóa, quán cơm vào tận nhà bà đặt mua nhưng không có. Bà chia sẻ: Nuôi vịt đẻ không khó nhưng đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Ngoài việc chú ý khâu chọn con giống, người nuôi phải tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, thường xuyên khử trùng, tiêu độc chuồng trại. Để vịt đẻ thường xuyên mỗi ngày phải cho chúng ăn 3 lần. Bên cạnh thức ăn chính là lúa, cần cho ăn thêm cám con cò để vật nuôi có đầy đủ chất dinh dưỡng. Ưu điểm của giống vịt này là đẻ quanh năm. Tuy nhiên, vịt đẻ khoảng 3 năm liên tục phải thay đàn mới. Trong quá trình nuôi, cần chú ý con nào đẻ không đều thì thanh lý ngay. Sau 3 năm đẻ trứng, mỗi cặp vịt thanh lý bà Sự bán 150 ngàn đồng, hỗ trợ phần nào nguồn vốn để tái cơ cấu đàn.
Bên cạnh thu nhập cao từ trứng, phân vịt được bà tận dụng bón cho vườn rau. Nhận thấy ngọn bí sạch được người tiêu dùng ưa chuộng, bà đầu tư trồng 2 sào rau bí lấy ngọn. Nhờ được bón phân vịt, vườn rau bí xanh tốt, cho nhiều ngọn. Với giá 15 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình bà thu về hơn 40 triệu đồng từ ngọn bí sạch. Với nguồn phân vịt dồi dào, hiện bà Sự đang đầu tư trồng 0,5 sào bông thiên lý. Theo lý giải của bà, xu thế người tiêu dùng là thích ăn rau sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Trồng bông thiên lý không cần chăm sóc nhiều, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho thu hoạch liên tục, tận dụng được nguồn phân vịt sẵn có và đặc biệt bông thiên lý bán giá cao nên cho thu nhập ổn định hơn các loại cây khác.
Bà Lê Thị Giá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước nói: “Làm giàu từ trang trại rộng 5-10 ha là chuyện bình thường. Còn đối với hộ bà Thâm Thị Sự, sống khỏe từ 5 sào đất mới là điều đáng khâm phục”.
Xuân Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065