Tích cực chăm sóc cây điều
Huyện Bù Gia Mập có 24.215 ha điều. Diện tích nhiều nhất tại các xã Đắk Ơ (6.110 ha), Phú Nghĩa (5.359 ha), Đa Kia (3.091 ha)... Chạy dọc tuyến đường ĐT741 từ xã Phú Nghĩa tới Đắk Ơ và các tuyến đường nhánh vào rẫy của người dân, chúng tôi ghi nhận đa số vườn điều đều ra bông, trái non với tỷ lệ đậu cao. Cùng cán bộ hội nông dân, cộng tác viên khuyến nông xã Phú Nghĩa và cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chúng tôi tới thăm rẫy của gia đình ông Ninh Văn Thuân (SN 1967) ở thôn Đức Lập.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập Phan Văn Hà hướng dẫn vợ chồng anh Điểu Choai, thôn Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa (giữa) kỹ thuật phủ lá điều làm phân hữu cơ
Gia đình ông Thuân có 13 ha điều khoảng 20 năm tuổi. Hằng năm, điều đạt năng suất cao, từ 3-3,5 tấn/ha. 2 năm trước tuy bị dịch bệnh gây hại nhưng vườn điều của gia đình ông cũng đạt 2 tấn/ha. Ông Thuân cho biết: “Thời tiết, khí hậu rất quan trọng, tuy nhiên nếu chăm sóc tốt, cây có sức đề kháng và cho sản lượng cao hơn. Tôi chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân hóa học. Mỗi vụ, tôi bón 2 lần vào thời điểm vừa thu hoạch xong (tháng 5) và điều chuẩn bị ra bông, đậu trái (tháng 9). Vì cây lớn, tán rộng nên mỗi cây tôi bón từ 3-4kg, mỗi vụ gia đình chi phí khoảng 9 tấn phân, trị giá trên 60 triệu đồng. Khoảng tháng 9, tôi bón thêm kali để cây khỏe, hạt chắc, mẩy hơn. Đến tháng 10, điều rụng lá, bật đọt, ra nụ sẽ xịt phân bón lá, kích thích. Hiện toàn bộ 13 ha điều của gia đình phát triển tốt, đa số hạt đã lớn bằng đầu ngón tay út”.
“Lãnh đạo huyện và các đoàn thể chính trị cùng vào cuộc chăm sóc điều với nông dân. Công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đạt hiệu quả cao, đáp ứng nguyện vọng của nông dân. Chúng tôi còn trực tiếp đến tận rẫy gặp gỡ, trao đổi và nắm bắt tình hình vụ điều, chỉ đạo các đơn vị nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất. Mong là điều kiện thời tiết, khí hậu tiếp tục nắng ráo, thuận lợi để nông dân có vụ điều thắng lợi”. Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập |
Gia đình ông Trần Văn Thư, Trưởng thôn Đức Lập có 2 ha rẫy cạnh đó cũng hứa hẹn vụ điều năm nay đạt năng suất cao. Hiện gia đình ông đã phát dọn vườn xong. Những thân điều to một người ôm không hết đang vươn cao đón nắng. Từng chùm điều hạt nhỏ, trái da xanh, căng bóng đung đưa báo hiệu một vụ mùa thắng lợi.
Chúng tôi tiếp tục sang thăm một số vườn điều tại thôn Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa. Đây là thôn có địa hình bằng phẳng, đất đỏ bazan màu mỡ. Vợ chồng anh Điểu Choai (SN 1972), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm đang dọn rẫy với không khí lao động sôi nổi. Anh Choai dùng máy thổi lá thành từng luống, còn vợ anh dùng chổi quét. Anh Choai là hạt nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc S’tiêng về áp dụng khoa học vào chăm sóc vườn điều. Do vậy, kinh tế gia đình anh tương đối khá với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và dụng cụ sản xuất.
Tăng cường kiểm tra, xử lý sâu bệnh
Bà Đỗ Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập cho biết: Hằng năm, trung tâm luôn bám sát mục tiêu nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nông dân kiến thức, kỹ thuật phát triển cây điều. Cụ thể từ cuối tháng 4-2019, trung tâm ra thông báo và triển khai hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc cây điều sau thu hoạch; tháng 8, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây điều trong mùa mưa; đầu và cuối tháng 12, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây điều, giai đoạn rụng lá, ra bông, đậu trái. Với các nội dung đó, trung tâm đồng loạt tổ chức 126 lớp tập huấn đáp ứng nhu cầu cho hàng ngàn lượt nông dân ở 8 xã trong huyện.
“Gia đình tôi có 6 ha điều. Ngay sau mùa thu hoạch, tôi tỉa cây, cành sâu, bệnh. Chỉ cần đất ẩm là rải phân hữu cơ lên trên nền đất. Rễ điều ăn nổi, do đó bỏ phân tới đâu rễ phát triển tới đó. Nên rải phân vào giữa 2 hàng điều là tốt nhất. Những năm trước, tôi thường gom cỏ, rác lại đốt vừa lãng phí nguồn phân hữu cơ vừa gây nguy cơ cháy rẫy và làm hư bông điều. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi thổi lá thành hàng, sau đó phủ bạt tạo mùn giúp đất tơi xốp…”. Anh Điểu Choai, thôn Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa tự tin nói về kỹ thuật chăm sóc cây điều |
Ngoài ra, cán bộ trung tâm còn trực tiếp đi thăm rẫy với 682 lần tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân; tư vấn hàng trăm lượt người dân qua điện thoại. Tổ công tác 1587 của huyện còn triển khai 2 đợt ra quân chăm sóc điều theo kế hoạch của UBND huyện với 44 lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc phòng trừ bệnh khô cành, cháy lá trên cây điều; dọn rẫy và chăm sóc vườn điều. Định kỳ 2 lần/tuần, cán bộ trung tâm phối hợp UBND và các ngành liên quan của xã đi thăm vườn điều của nông dân, kiểm tra tình hình sâu bệnh gây hại. Căn cứ diễn biến thời tiết, tình hình thực tế, qua đó dự báo khả năng phát sinh sâu, bệnh gây hại giúp nông dân chủ động phòng, trừ. Giai đoạn điều ra bông, đậu trái thường bị sâu bệnh tấn công như bọ xít muỗi, bọ đục chồi và bệnh thán thư, trung tâm khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm rẫy để kịp thời xử lý nếu có phát sinh dịch bệnh.
Năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai 3 mô hình trình diễn chăm sóc điều ghép cao sản tại các xã Đức Hạnh, Bình Thắng, Phước Minh và 3 mô hình chăm sóc, cải tạo vườn điều năng suất thấp tại các xã Đắk Ơ, Phú Nghĩa, Đa Kia, tạo điều kiện để nông dân tham quan, học hỏi, áp dụng vào sản xuất, đồng thời hỗ trợ phân bón cho 68 hộ/68 thôn thực hiện mô hình trình diễn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065