Hơn 10 phu vàng chuyên nghiệp từ miền Bắc đã vào dựng lán, đặt máy xúc, máy đãi vàng trong các vườn điều ở thôn Phú Hòa, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng để khai thác vàng sa khoáng từ đầu tháng 8 vừa qua - Thông tin này được lãnh đạo xã Phú Riềng xác nhận là có thật. Điều đó không chỉ khiến người dân Phú Riềng mà trong cả vùng “giật mình” tự hỏi: Ở Phú Riềng thật sự có mỏ vàng? Một ngày nào đó, cũng có người dân ở Phú Riềng đi rẫy nhặt được cục vàng cả ký như ở Tương Dương, tỉnh Nghệ An? (tháng 11-2009, anh Lô Văn Ối, SN1983, ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, đi làm vườn nhặt được một “cục đá” ở khe suối. Chà vào “cục đá”, anh Ối thấy màu vàng sáng lên trên vết xước. Đem về nhà, anh Ối phát hiện “cục đá” đó chính là cục vàng nguyên khối, nặng 2,1kg, tuần sau bán cho lái buôn được hơn 1 tỷ đồng).
Đến thời điểm này, các tài liệu chính thức công bố về địa chất, khoáng sản trên địa bàn Bình Phước, chưa có bất kỳ văn bản nào khẳng định có mỏ vàng ở Phú Riềng nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Tương tự như vậy, trong nhân dân truyền nhau câu chuyện có mỏ đá quý, mỏ kim cương ở Bù Đốp - khu vực biên giới giáp ranh với Campuchia. Và rằng, mỏ này là 1 trong 2 mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sông Bé cũ (cùng với mỏ nước khoáng Victory ở Bình Dương) được các đơn vị thăm dò của Mỹ phát hiện từ trước năm 1975... Thế nhưng, hiện chưa có thông tin chính thức nào khẳng định điều đó.
Chưa biết ở Phú Riềng có mỏ vàng hay không và nếu có thì vàng đó giá trị như thế nào, nhưng những ngày qua các phu vàng đã “kín cổng cao tường”, không cho ai lại gần vườn rẫy của họ. Đến lúc này, câu chuyện không dừng lại ở việc “không thành công thì cũng thành... gà”, không tìm được vàng thì cũng cải tạo vườn rẫy như “lý luận” của “chủ mỏ vàng”.
Việc khai thác vàng hay khai thác bất kỳ tài nguyên khoáng sản nào cũng phải được cấp phép và đều phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Thực tế ở Phú Riềng đã nảy sinh những vấn đề cần cơ quan chức năng vào cuộc. Trước tiên là thông tin chính thức khẳng định việc có hay không có mỏ vàng ở Phú Riềng. Điều đó nhằm tránh trường hợp mất ổn định đời sống xã hội cũng như an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, cũng là cơ sở giúp người dân hạn chế mất mát về kinh tế nếu không có mỏ vàng; hoặc quản lý, hướng dẫn người dân làm thủ tục xin phép khai thác khoáng sản trong trường hợp có tài nguyên để tránh vi phạm pháp luật.
Hẳn những ai làm quản lý nhà nước chưa thể quên câu chuyện “bắt giam hòn đá” ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai năm 2012, với hậu quả là cả người nông dân khiêng cục đá trên rẫy về nhà chưng cho đẹp và hàng loạt cán bộ chính quyền, tư pháp phải hầu tòa ròng rã nhiều năm liền. Ngày nay, tài nguyên thiên nhiên không phải là yếu tố quyết định, nhưng nếu có, sẽ thêm lợi thế lớn trong phát triển kinh tế. Mặc dù khó thành hiện thực, tác giả bài viết cũng hy vọng Bình Phước có cả mỏ vàng và mỏ đá quý như “tin đồn”. Đồng thời cũng hy vọng sẽ không có “hòn đá” nào ở Bình Phước bị “bắt giam” như ở Gia Lai.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065