Tôi thừa nhận phụ nữ Việt Nam đi làm dâu thời này vẫn khổ, nhưng cũng đã thoải mái hơn thế hệ của các bà, các mẹ chúng ta rất nhiều rồi.
Đó là kết quả của sự đấu tranh lâu dài đòi hỏi bình đẳng giới của nhiều người tiến bộ trên địa cầu, trong đó có đất nước mà chúng ta đang sống. Song sự bình đẳng ấy nên ở mức độ nào, tương đối hay tuyệt đối thì còn phải xem xét, bởi đàn ông đàn bà vốn dĩ không giống nhau, họ mang những đặc điểm giới rất riêng biệt, có những việc chỉ phụ nữ mới làm tốt, có những việc thiếu bàn tay đàn ông thì không xong, nên cá nhân tôi cho rằng, bình đẳng giới tuyệt đối kiểu “anh sao tôi vậy” là điều không bao giờ có thể xảy ra được.
Quay trở lại với chuyện nhà anh Hoàng V.trong Gia đình vợ không coi tôi ra gì, tôi nghĩ, anh Hoàng V. thương vợ đưa vợ về nhà ngoại tá túc trong thời gian ốm nghén là đúng. Bởi hơn cả lời nói, những hành động thiết thực như vậy từ chồng cho phụ nữ chúng tôi hiểu rằng chúng tôi thực sự được chồng trân trọng, yêu thương, “là anh ấy đã nghĩ cho mình”.
Nhưng việc vợ của anh Hoàng V. lợi dụng điều đó mà sau này lần lữa, cố kéo dài thời gian ở bên nhà mẹ bất chấp cảnh sống bất tiện của chồng trong nhà mình, bất chấp suy nghĩ, cảm xúc của chồng thì có phần hơi ích kỷ. Chị ấy đã không nghĩ được cho chồng như chồng nghĩ cho mình - cũng là quan điểm cá nhân tôi nhưng tôi tin rằng sẽ có nhiều bạn đồng ý là như vậy.
Khoan bàn đến việc anh Hoàng V. bị đối xử như thế nào bên nhà vợ, vì thực ra đây là câu chuyện sau này, là hệ quả tất yếu từ quyết định “cố thủ ở nhà mẹ” của vợ anh ấy. Nếu không ở nhà vợ đằng đẵng vài năm đến thế, chắc anh Hoàng V. và bố mẹ vợ vẫn giữ được mối quan hệ “tương kính như tân” - đôi bên đối với nhau đều tôn trọng như khi mới gặp. Hãy chỉ bàn về mối quan hệ vợ - chồng trong một cuộc hôn nhân mà thôi.
Bản thân tôi ủng hộ những quan điểm mới về hôn nhân: Hôn nhân nên là đích cuối tuyệt đẹp của tình yêu và nên được xây dựng trên cơ sở đôi bên xác định mang lại cho nhau cuộc sống vui và hạnh phúc. Đừng gán cho hôn nhân một loạt những “cái đuôi” khó chịu dễ hù dọa người chưa bước vào cuộc sống lứa đôi như “trách nhiệm” (với hai bên nội ngoại) , “ràng buộc” (lẫn nhau), “nghĩa vụ” (báo hiếu với bố mẹ), “lo toan”, “gánh vác” (chăm sóc con cái, ổn định tài chính)… Bởi xét cho cùng, ai sống mà chẳng phải có trách nhiệm với cha mẹ, có những nghĩa vụ và ràng buộc nhất định với gia đình chung, cho dù bạn là người độc thân hay đã kết hôn. Và đã là người lớn, chẳng ai tránh khỏi những lo toan của người lớn. Đấy không phải đặc thù chỉ có mỗi trong hôn nhân.
Cho nên phụ nữ hay đàn ông, con dâu hay con rể, đừng kêu khổ và cố gắng kể ra xem bên nào khổ hơn bên nào. Nếu bạn thấy khổ, chẳng qua hai người chưa biết sắp xếp cuộc sống, chưa biết cách thu xếp cho hôn nhân của mình đi đến được cái đích cuối cùng là “sống vui, sống hạnh phúc” mà thôi.
Hướng giải quyết cho vợ chồng anh Hoàng V. tôi thấy nhiều bạn đã chỉ ra được: Hãy cố gắng để có thể ra riêng. Còn nếu chưa đủ tiềm lực kinh tế, cũng đừng coi cuộc sống của mình là bế tắc. Trước mắt, mỗi người nghĩ cho nhau một chút, chồng đã thương vợ giờ vợ hãy vì chồng. Đời còn dài, có hy sinh ắt có ngày được đền đáp. Mà khi người ta yêu, thì hy sinh vì nhau cũng là một hạnh phúc.
Nguồn Dân Trí
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065