Sau tết Mậu Thân 1968, không quân Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt các trọng điểm trên đường Trường Sơn. Để đảm bảo xăng dầu cho tuyến vận tải chiến lược 559 (tuyến vận tải chiến lược 559 có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền Nam; đưa bộ đội, cán bộ vào Nam ra Bắc theo yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước), Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Đinh Đức Thiện (Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) đã đề nghị Liên Xô viện trợ 200km đường ống dẫn xăng dầu dã chiến để vận chuyển xăng dầu phục vụ chiến trường miền Nam.
Tổng kho nhiên liệu Lộc Quang (Lộc Ninh) đã được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt
Tháng 12-1968, đường ống xăng, dầu từ Bắc vào Nam đã vươn từ Nghệ An đến kho Na Tông trên đất Lào. Tháng 3-1969, tuyến đường ống này đã vào đến kho Ka Vát (Lào). Về sau, tuyến đường dẫn xăng dầu được xây dựng chạy dọc các tỉnh Nam Lào, qua ngã ba Đông Dương, một phần nằm trên đất Campuchia và điểm cuối là tỉnh Phước Long (cũ), nay thuộc Bình Phước. Năm 1973, ta khởi công xây dựng đường ống xăng dầu phía Đông dãy Trường Sơn nối với tuyến phía Tây ở khu vực biên giới tại Plei Khốc của tỉnh Kon Tum. Như vậy, ta có tuyến đường ống xăng dầu liên hoàn, từ biên giới Việt - Trung (Lạng Sơn và Móng Cái) qua hậu phương miền Bắc tỏa đi các hướng chiến trường miền Nam.
Ngày 27-1-1974, Bộ Tư lệnh 559 thành lập Trung đoàn Đường ống 537 dựa trên cơ sở Trung đoàn Vận tải 37 được tổ chức lại, quân số hơn 1.300 cán bộ, quân nhân. Trung đoàn 537 có nhiệm vụ bảo vệ và vận hành tuyến đường ống xăng dầu chiến lược từ Bắc Sa Thầy (Kon Tum) đến Bù Gia Mập, với chiều dài 310km, trong đó 282km tuyến dọc và 28km tuyến ngang, vượt qua 7 con sông lớn nhỏ, đi qua 3 tỉnh: Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk đến tỉnh Phước Long (cũ).
Tháng 8-1974, Bộ Tư lệnh 559 mở tuyến đường ống dẫn xăng dầu vào chiến trường Nam bộ. Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, lượng xăng dầu dự trữ cho chiến dịch đã đạt con số hơn 50 triệu lít. Ở B2 (thuộc chiến trường Quân khu 6, 7, 8, 9 thuộc các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long) có 5 trạm tiếp nhận xăng dầu từ đường ống thì trên đất Bình Phước có 3 trạm với mật danh VK98 (Lộc Quang, Lộc Ninh), VK99 (Lộc Hòa, Lộc Ninh) và VK96 (Bù Gia Mập). Xăng dầu được bơm từ Bến Thủy (Vinh) vào tuyến đường ống, băng qua 115 trạm bơm đẩy với chiều dài 1.400km đến Bù Gia Mập. Bằng các phương tiện cơ giới, xăng dầu chuyển về chứa tại Lộc Ninh dọc theo các tuyến đường từ Bù Đốp đến ngã ba Lộc Tấn. Tại đây, hai đơn vị có quy mô lớn nhất là Tổng kho xăng dầu VK98 có 7 bồn chứa và VK99 có 10 bồn chứa.
Đến 21 giờ 30 phút ngày 14-3-1975, những giọt xăng từ miền Bắc đã tới Ô30 ở Bù Gia Mập. Liên tiếp 3 ngày sau đó, xăng đã được bơm đầy vào các kho Ô29 và Ô30 kịp thời cấp phát cho các đơn vị trên các chiến trường Đông Nam bộ. Xăng dầu được đưa đến Bù Gia Mập và được chở bằng xe bồn đến các kho xăng dầu lớn ở Lộc Hòa (VK99), Lộc Quang (VK98), chỉ cách “thủ phủ” của chính quyền ngụy quyền hơn 100km.
Bồn xăng VK98 được xây dựng năm 1974, nằm quanh ngọn đồi 117 (tên một điểm cao trong bản đồ quân sự), xã Lộc Quang với diện tích 10 ha, gồm 7 bồn có sức chứa 250 ngàn lít/bồn và bồn xăng VK98 có trữ lượng 1 triệu 750 ngàn lít. Các bồn chứa xăng dầu được hàn bằng thép, nằm cách nhau 100m theo hình tam giác, được chôn dưới lòng đất và bao bọc bởi cây rừng và được bảo vệ bằng những bãi chông dày đặc. Các bồn chứa được nối với nhau bằng đường ống dẫn, xe đến lấy xăng không phải dùng máy hút mà chỉ cần mở van tự chảy. Tại đây luôn có một đại đội vận chuyển gồm 30 xe bồn ngày đêm vận chuyển xăng dầu ra chiến trường.
Do sự biến động về tổ chức trong quá trình phát triển, hệ thống kho, trạm bơm trên toàn tuyến của bộ đội Trường Sơn không thống nhất, một số ký hiệu kho đường ống trùng với các loại kho hàng hóa khác trên tuyến nên rất bất tiện cho việc theo dõi chỉ huy. Ngày 20-11-1974, Cục Xăng dầu 559 chỉ thị đặt lại tên. Từ đó, các kho xăng dầu được ký hiệu là Ô, bắt đầu từ Ô1 là kho đầu nguồn đến kho cuối là Ô30 ở Bù Gia Mập.
|
Như vậy, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bộ máy đảm bảo xăng dầu của bộ đội đường ống Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, thể hiện ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam. Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu chính là nơi ghi dấu những chiến công to lớn và thầm lặng của bộ đội ta. Hệ thống đường ống dẫn xăng dầu Trường Sơn là một minh chứng cho huyền thoại đường Trường Sơn lịch sử và là một trong những kỳ tích của Trung đoàn 559. Đây là một trong 3 hệ thống chủ lực của đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh. Đây còn là biểu hiện sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
Từ ý nghĩa lịch sử của hệ thống đường ống dẫn xăng dầu phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2383/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó xếp hạng hai điểm di tích VK96 - Bù Gia Mập và VK98 - Lộc Quang là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là 2 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên ở Bình Phước. Việc tổ chức đón nhận Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt sẽ được tổ chức ngày 1-3-2014 tại lễ khai mạc Liên hoan tuyên truyền lưu động kỷ niệm 55 năm Đường Hồ Chí Minh lịch sử, do tỉnh Bình Phước đăng cai.
T.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065