Những diễn biến sau một tuần xét xử sơ thẩm vụ án Huyền Như cho thấy ngoài số tiền bị chiếm đoạt vào loại “khủng” nhất từ trước đến nay thì phát ngôn của đại diện Vietinbank còn khiến nhiều người nghi ngại về tính an toàn khi gửi tiền vào ngân hàng...
Huyền Như (X) và các đồng phạm
6 cách đoạt tiền
Theo bản cáo trạng đã công bố và lời khai của bị cáo, người liên quan, bị hại ở tòa... có thể hệ thống, phân loại thủ đoạn chiếm đoạt tiền của Huyền Như thành 6 cách.
Thứ nhất, làm hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả (sử dụng chữ ký giả và thật, sử dụng con dấu giả và thật) giữa Vietinbank với khách hàng; soạn thảo giấy xác nhận thật "đã nhận tiền" của Vietinbank; chỉ định chuyển tiền gửi tiết kiệm vào tài khoản của một doanh nghiệp khác không phải vào Vietinbank. Sau khi khách hàng chuyển khoản, Như chỉ đạo nhóm giúp việc rút tiền, chiếm đoạt (có 2 nạn nhân).
Thứ hai, làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank với khách hàng. Đánh tráo hồ sơ, mạo danh khách hàng để mở tài khoản ở Vietinbank. Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản này tại Vietinbank, Như dễ dàng có chữ ký trùng khớp, mẫu dấu trùng khớp để thực hiện chuyển tiền, rút tiền trên tài khoản rồi chiếm đoạt (4 nạn nhân).
Thứ ba, làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank với khách hàng. Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản thật của mình mở tại Vietinbank, Như làm giả lệnh chi, giả chữ ký khách hàng chiếm đoạt (4 nạn nhân).
Thứ tư, làm giả hợp đồng tiền gửi, sử dụng hợp đồng giả này đem thế chấp vay vốn ngân hàng khác (có 1 ngân hàng).
Thứ năm, Như đề xuất lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký hợp đồng tiền gửi thật với khách hàng. Sau đó, tự ý trích chuyển tiền của khách hàng này đi trả nợ (4 nạn nhân là người đứng tên giùm Navibank gửi tiền vào Vietinbank).
Thứ sáu, Như đề xuất lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký hợp đồng tiền gửi thật với khách hàng. Sau đó, Như dùng nghiệp vụ ngân hàng tự ý trích tiền trên tài khoản hợp pháp của khách hàng lập sổ tiết kiệm mang tên khách hàng, rồi nhờ người đứng tên hồ sơ vay giả, giả chữ ký khách hàng, sử dụng trái phép tiền gửi này cầm cố vay vốn tại chính Vietinbank. Khi phát hiện bị Như chiếm đoạt, Vietinbank tự ý trích tiền gửi của khách hàng để thu nợ đã cho Như vay bị thất thoát (có 17 nạn nhân là người đứng tên giùm trên hồ sơ gửi tiền của ACB vào Vietinbank).
Né tội tham ô ?
Trong các thủ đoạn trên, có những hợp đồng giả từ đầu, tiền không chuyển vào Vietinbank. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp hồ sơ vay giả bị Như chiếm đoạt tiền trên chính tài khoản của khách tại Vietinbank. Cá biệt có 22 trường hợp đứng tên giùm cho ngân hàng ACB và Navibank, hồ sơ thật, tài khoản thật bị Như “rút” tiền trong tài khoản. Tổng số tiền Như chiếm đoạt đến nay chưa thu hồi được trên tài khoản của khách hàng ở Vietinbank lên đến hơn 3.400 tỉ đồng, trong tổng số tiền hiện chưa thu được là hơn 3.900 tỉ đồng. Tổng số lệnh chi giả do Như lập tại Vietinbank đã lên hơn 300 lệnh. Số hồ sơ tín dụng giả vay tại Vietinbank hơn 100 hồ sơ.
Trong quá trình thẩm vấn tại tòa, các luật sư muốn làm rõ trách nhiệm của Vietinbank trong việc giữ “chìa khóa” tài khoản của khách hàng để thất thoát. Có luật sư còn chỉ ra hệ thống quản lý của Vietinbank sơ hở, từ giao dịch đến cho vay. Các quy định pháp luật, các quy trình thủ tục để kiểm soát, đảm bảo sự an toàn đã bị nhiều cán bộ, nhiều khâu tại Vietinbank bỏ qua một cách bất thường. Đồng thời, tại tòa, nhiều cán bộ của Vietinbank trong vai trò bị cáo, như: Trần Thanh Thanh, Đoàn Lê Du, Huỳnh Trung Chí, Bùi Ngọc Quyên, Hoàng Hương Giang, Vũ Nguyễn Xuân Tiên, Nguyễn Thị Phúc Ngân… thừa nhận các cá nhân đứng tên trên thẻ tiết kiệm đã không trực tiếp đến ngân hàng làm thủ tục; thậm chí, nhiều hồ sơ khi giải ngân không có chữ ký của khách hàng nhưng vì nể nang, tin tưởng thực hiện theo chỉ đạo của Như hoặc của lãnh đạo Vietinbank làm sai quy trình để Như có thể chiếm đoạt được tiền trong tài khoản của khách hàng.
Từ đó, có thể hình dung: tiền của khách hàng gửi trong tài khoản của Vietinbank như bỏ trong một cái túi. Khách hàng giao túi này cho Vietinbank giữ và chính những người được giao trọng trách giữ túi tiền ở Vietinbank đã không làm hết trách nhiệm gây thất thoát tiền của khách hàng.
Cho đến thời điểm này, khi phiên tòa vẫn đang diễn ra, vẫn chưa có thay đổi nào về tư cách người tham gia tố tụng. Vietinbank chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong khi các bên được xác định là bị hại lên tiếng phản đối kịch liệt, cho rằng Huyền Như chiếm đoạt tiền của Vietinbank. Ngược lại, cả Huyền Như và Vietinbank lại cho rằng Huyền Như huy động vốn với danh nghĩa cá nhân, gian dối để lừa đảo và tài sản của ai thì người đó tự quản lý, còn Vietinbank vô can.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, cách khai của Huyền Như và đại diện Vietinbank giúp “có lợi cho cả hai”. Nếu Vietinbank nhận trách nhiệm, sẽ phải bồi thường cho khách hàng hàng ngàn tỉ đồng. Còn dưới góc độ pháp lý, Huyền Như “né” nhiều câu hỏi, nhanh nhảu nhận mình lừa đảo, có thể, để tránh không bị truy tố thêm tội khác. Cụ thể, nếu Như chiếm đoạt tiền của Vietinbank thì có thể phải “gánh” thêm tội tham ô (Vietinbank là ngân hàng có vốn nhà nước) với khung hình phạt cao nhất là tử hình bên cạnh hai tội danh “lừa đảo”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đang bị truy tố.
Hôm nay (13.1), phiên tòa bước sang phần tranh luận.
Nguồn TNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065