Việc thực hiện dự án “khủng” này đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi lớn, như: nguồn vốn từ đâu?, dự án sẽ gặp phải những khó khăn nào, giải pháp ra sao?, giải phóng mặt bằng như thế nào?...
Huy động từ nhiều nguồn vốn
Theo Bộ GTVT, mục tiêu của quy hoạch này nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Bắc - Nam trên cơ sở nâng cấp tiêu chuẩn tuyến đường sắt quốc gia tùy thuộc vào địa hình cụ thể theo các khu đoạn để đảm bảo khai thác cho giai đoạn đến năm 2020 là tốc độ bình quân tàu khách 80 - 90 km/giờ, tàu hàng 50 - 60 km/giờ; 14 - 16 triệu khách/năm; 5 - 6 triệu tấn hàng/năm; năng lực thông quan trên 25 đôi tàu/ngày đêm.
Trong lộ trình thực hiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam, các dự án đang thực hiện và đã có cam kết về vốn như dự án nâng cao an toàn 44 cầu đường sắt, dự án cải tạo nâng cấp 132 cầu yếu, các dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu, thay tà vẹt sắt… sẽ được ưu tiên triển khai. Sau đó, thực hiện tiếp đến các dự án cải tạo lớn những nút cổ chai là khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, hầm Khe Nét, hầm Hải Vân, di dời ga Đà Nẵng ra khỏi thành phố… Đồng thời, thực hiện đồng bộ các dự án thuộc khu đoạn từ Vinh đến Nha Trang, và cuối cùng là thực hiện các dự án nâng cao tốc độ chạy tàu.
Theo đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư của “phương án cơ sở” trong dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam là 85.214 tỷ đồng (3,96 tỷ USD) và tổng mức đầu tư của “phương án cao” là 110.873,7 tỷ đồng (5,15 tỷ USD). Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục ĐSVN, cho biết, do tổng vốn lớn nên dự án sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, sẽ chủ động thu xếp các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu, ODA và vốn từ các địa phương để hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án lớn như di dời ga Đà Nẵng, ga Nha Trang.
Đối với nguồn vốn xã hội hóa, ông Vũ Quang Khôi cho biết, để thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia vào dự án, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, Cục ĐSVN sẽ rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, phí, lệ phí, nhượng quyền… để tăng tính thương mại cho dự án, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, Cục ĐSVN đề cao giải pháp xây dựng chính sách cụ thể để huy động quỹ đất tại khu vực ga trung tâm, thông qua đấu giá công trình, đấu giá các dự án kinh doanh để tạo vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng, cho thuê hoặc nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng... Ngoài ra, Cục ĐSVN cũng sẽ đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn nước ngoài, tranh thủ các nguồn vay ưu đãi hay các nguồn đầu tư trực tiếp qua hình thức công tư kết hợp (PPP).
Chủ động trước những khó khăn
Hàng loạt các nhóm giải pháp được đưa ra để nâng cao tốc độ chạy tàu, trong đó, đáng chú ý là nhóm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thuộc phạm vi Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn, giảm thiểu những tác động xấu từ môi trường tới quy hoạch. Theo ông Vũ Quang Khôi, trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thời tiết, các khu đoạn này sẽ cần được xây cầu cạn, gia cố nền đường các đoạn thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, sẽ gia cố mái dốc cho các đoạn taluy nền đường bị mất ổn định, gia cố nền đường cho các đoạn bị phụt bùn túi đá.
Giống như nhiều dự án lớn khác, các dự án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề nan giải là giải phóng mặt bằng. Với tổng quỹ đất phục vụ quy hoạch là khoảng 321ha, việc đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ cần đến sự phối hợp của người dân và chính quyền nhiều địa phương. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, để đảm bảo cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ quy hoạch được diễn ra thuận lợi, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục ĐSVN sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ kết cấu hạ tầng.
Trong đó, sẽ ưu tiên cho việc xây dựng kế hoạch tái định cư, bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất, đồng thời cũng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình không chấp hành các quy định về giải phóng mặt bằng. Bộ GTVT cũng mong muốn các địa phương có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để các dự án không bị chậm tiến độ. Thông tin từ Cục ĐSVN cũng cho biết, quy hoạch chi tiết này sẽ tiếp tục được công bố công khai ở tất cả các địa phương có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua để các cơ quan liên quan và người dân có sự chuẩn bị và hợp tác.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065