Mấy năm gần đây, giá một số nông sản chủ lực của tỉnh giảm mạnh khiến nhiều hộ nông dân lao đao. Đặc biệt, sâu bệnh gây hại cây tiêu, điều 2 năm qua gây thiệt hại kinh tế khiến nhu cầu thay đổi cây trồng của nhà nông càng tăng cao. Tuy nhiên, làm thế nào để lựa chọn cây trồng phù hợp, phát triển bền vững, tránh rủi ro về giá cả thị trường, cung cầu, để không rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng là trăn trở của nhiều nông dân.
Phong phú thị trường cây giống
Từ xã Nghĩa Trung tới thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) khoảng 30km, nhưng dọc QL14 đã có trên 10 cơ sở chuyên bán cây giống và hoa kiểng. Chủ cơ sở phần lớn là người ở các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Long An, Cần Thơ. Các cơ sở dù lớn hay nhỏ đều cung cấp rất đa dạng, phong phú loại cây giống, đáp ứng nhu cầu người mua. Tìm hiểu tại một số cơ sở chúng tôi được biết, năm nay, đa số người dân chuyển hướng sang trồng cây ăn trái, nhiều nhất là sầu riêng, mít Thái và bưởi da xanh. Do đã xây dựng được uy tín và thương hiệu nhiều năm nên có cơ sở sản xuất cây giống đến đâu bán hết đến đó, thậm chí không đủ cây giống để bán.
Vườn mít Thái của gia đình ông Cao Dương Tiễn (thứ 3 từ phải qua) ở thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập đang được nhiều nông dân tới tham quan học tập, áp dụng
Ông Huỳnh Văn Hùng, quê huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có cơ sở sản xuất cây giống Cái Mơn Ba Hùng, gần cầu Bù Na 1, xã Nghĩa Trung từ 20 năm qua, cho biết: Hằng năm, vào mùa trồng mới, gia đình đều lên đây bán cây giống. Vì mặt bằng thuê có hạn nên bán hết đến đâu, gia đình mang lên đến đó. Bình quân mỗi vụ bán khoảng 9.000-10.000 cây giống sầu riêng (monthong và Ri-6); các loại mít Thái, chôm chôm, bưởi da xanh bình quân bán từ 2.000-5.000 cây. Hiện cơ sở của ông Hùng bán đồng giá 130.000 đồng/cây sầu riêng (Ri-6 và monthong); giống bơ 034 và chôm chôm đồng giá 40.000 đồng/cây; mít Thái 35.000 đồng/cây; bưởi da xanh 50.000 đồng/cây. Tất cả cây giống đều được dán tem có logo của Hợp tác xã cây giống và hoa kiểng Cái Mơn với đầy đủ thông tin về địa chỉ, tiêu chuẩn chất lượng, ngày sản xuất... nên người mua yên tâm. Ngoài ra, người trồng còn được chủ cơ sở nhiệt tình tư vấn chọn giống cây, sự khác biệt giữa cây ghép, chiết (bó nhánh)... Do vậy, cơ sở của ông Hùng có rất đông người dân xã Nghĩa Trung và các xã lân cận tới mua cây giống.
Vườn ươm cây giống Hồng Quang tại tổ dân phố Đức Lập, thị trấn Đức Phong được xem là cơ sở bán cây giống lớn nhất huyện Bù Đăng bởi phong phú về chủng loại và số lượng nhiều, đặc biệt sản xuất cây giống tại chỗ. Chủ cơ sở Phạm Hồng Quang cho biết, gia đình ông có 4 đời làm nghề ươm cây giống. Năm 1990, ông đã kinh doanh cây giống tại đây. Hiện ông có 6 cơ sở tại các huyện, thị xã, thành phố ở Bình Phước. Hằng năm, gia đình cung cấp ra thị trường bình quân mỗi loại từ 80-100 ngàn cây, riêng cây điều khoảng 400-500 ngàn cây. Năm nay, người dân ưa trồng các loại sầu riêng, bưởi da xanh và mít Thái. Mới đầu mùa mưa nhưng cơ sở tại thị trấn Đức Phong đã bán được khoảng 70 ngàn cây giống. Ngược lại, cây điều có số lượng bán ra thị trường giảm hẳn, chỉ bằng 20% so năm ngoái. Đặc biệt cà phê, tiêu gần như không bán được, khả năng lỗ cao. Tại các huyện Bù Gia Mập, Đồng Phú và Chơn Thành, thị trường cây giống cũng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu trồng vụ mới của nông dân.
Xu thế trồng xen, đa dạng cây trồng
Đó là cách làm của đa số nông dân trong tỉnh hiện nay, bởi đơn giản theo họ là “mất cây nọ, còn cây kia”. Chỉ với 1,4 ha nhưng mùa mưa năm 2018, ông Cao Dương Tiễn, thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) đã trồng xen 200 cây bơ (booth và 034), 150 cây sầu riêng (monthong và Ri-6) trong vườn điều. Tháng 1-2019, ông Tiễn tiếp tục trồng thêm 8 sào mít Thái. Việc trồng xen của ông hiện được nhiều người dân quan tâm và áp dụng. Đơn cử như hộ ông Trịnh Văn Ngọc ở thôn Đức Lập, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập). Đầu tháng 5-2019, ông Ngọc cắt toàn bộ 1,2 ha cao su bán củi, thay thế bằng 500 cây mít Thái, 80 cây sầu riêng, 100 cây vú sữa và bơ sáp. Ông Ngọc cho biết: “Mít Thái và sầu riêng hiện có nhiều người trồng vì giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thị trường mỗi lúc mỗi khác, biết đâu đến khi mình được thu hoạch lại xuống giá. Tôi trồng mỗi thứ một ít để cây nọ bù cây kia”. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thừa Đồng ở xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng (có rẫy tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) cũng vừa cắt 2 ha điều để trồng 600 cây mít Thái, 200 cây sầu riêng. Cách đây vài tháng, ông trồng thêm 220 cây bơ.
Đồng hành với nông dân
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 420 ngàn ha cây lâu năm. Riêng cây ăn trái các loại khoảng 10 ngàn ha, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2018. Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, xu hướng của người dân trong tỉnh đang chuyển dần sang các loại cây ăn trái, nhiều nhất là sầu riêng, bưởi da xanh, mít Thái...
Hạn chế hiện nay đối với nông nghiệp Bình Phước là nông dân phát triển kinh tế nhỏ lẻ, không tập trung. Người dân thường chạy theo phong trào, số đông (được mùa, giá cao thì trồng và mất mùa, rớt giá thì chặt), do vậy phát triển không bền vững, cơ cấu cây trồng phát triển không theo quy hoạch, không hình thành được vùng nguyên liệu để xây dựng thương hiệu và xuất khẩu. Để khắc phục tình trạng này, sở đang rà soát thực tế diện tích điều, hồ tiêu để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch vùng. Phát huy hiệu quả các hợp tác xã cây ăn trái, kết hợp tỉnh Bến Tre xây dựng mã vùng trồng, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế để xuất khẩu và phát triển bền vững. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết. |
Đồng hành với nông dân trong vụ trồng mới, từ đầu mùa mưa đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn và thanh tra điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của 86 cơ sở trên địa bàn tỉnh, gồm 3 tổ chức và 83 cá nhân, hộ gia đình. Qua thanh tra, 100% cơ sở đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, còn 11 cơ sở sản xuất vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, đoàn đã lập biên bản và phạt hành chính 13,75 triệu đồng. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức hàng chục lớp tập huấn kiến thức cho nông dân về phát triển cây ăn trái. Một số hợp tác xã phát huy vai trò trong tư vấn, định hướng và giới thiệu nguồn giống đảm bảo cho xã viên. Ngành nông nghiệp còn khuyến cáo người dân không nên trồng, phát triển một số loại cây trồng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép trồng thử nghiệm để tránh rủi ro.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065