Dù đã có những bước phát triển khá nhưng so với tiềm năng, lợi thế, sự phát triển của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ở Bù Đăng những năm qua chưa tương xứng. Để phát huy những lợi thế, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Bù Đăng cần có những định hướng phát triển mang tính chiến lược lâu dài và bền vững.
Nhiều khó khăn, trở ngại
Là huyện đất rộng người đông, có quốc lộ 14 ngang qua, Bù Đăng có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khai thác khoáng sản, thủy điện. Thế nhưng, đến nay Bù Đăng vẫn chưa thể bứt phá trong sản xuất CN-TTCN. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Thành, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho rằng: Bù Đăng xuất phát điểm thấp. Toàn huyện chỉ có một vài cơ sở TTCN nhỏ lẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như mây, tre đan, dệt thổ cẩm. Các cơ sở bóc tách hạt điều, sơ chế nông sản tuy nhiều nhưng đều là tự phát, nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình.
Bù Đăng còn nhiều khó khăn trong phát triển CN-TTCN - Ảnh: Một cơ sở chế biến bún khô ở xã Đăng Hà
Các ngành nghề sản xuất - kinh doanh tập trung vào một số lĩnh vực như cơ khí, may gia công, sản xuất vật liệu xây dựng với quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, sản phẩm đơn điệu nên không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy có lợi thế về nguồn nhân lực nhưng Bù Đăng lại thiếu lao động có tay nghề nên chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng là những thế mạnh của huyện nhưng chưa được khai thác triệt để. Trong lĩnh vực công nghiệp, dù đã có quy hoạch các khu, cụm công nghiệp từ rất sớm nhưng do chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều khó khăn nên một số doanh nghiệp dệt may, da giày đến nhưng chỉ ở góc độ tìm hiểu. Ông Thành cho biết, huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp Nghĩa Trung 40 ha, Đức Liễu 50 ha, Minh Hưng I 45 ha, Minh Hưng II 42 ha, Đức Phong 40 ha và tất cả các cụm công nghiệp này đều có vị trí gần quốc lộ 14, thuận lợi về điện, nước. Tuy nhiên, mới chỉ có cụm công nghiệp Minh Hưng I có Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông đến đầu tư.
Thêm vào đó, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tuy đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng các ngành nghề đào tạo lại chưa phong phú; những ngành nghề mà các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất TTCN cần thì không có lao động; ngành nghề được đào tạo thì người lao động lại khó tìm việc làm... Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời (quốc lộ 14 thi công ì ạch là một ví dụ - PV). Đây chính là những trở ngại lớn khiến CN-TTCN ở Bù Đăng khó có bước đột phá.
Đâu là lối ra
Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển mạnh về CN-TTCN sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở một địa phương vùng cao như Bù Đăng. Do vậy, những định hướng cho sự phát triển ở lĩnh vực này là hết sức cần thiết. Trong quá trình thực hiện, ngoài cơ cấu ngành nghề, Bù Đăng phải lưu ý đặc biệt đến những vấn đề về môi trường, đào tạo lao động, vốn, quy hoạch đất đai, để có thể đón đầu những cơ hội phát triển và khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của Bù Đăng đạt 233,75 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch năm và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2011. Trên địa bàn huyện hiện đã có 80 công ty trách nhiệm hữu hạn, 6 công ty cổ phần, 75 doanh nghiệp tư nhân, 5 hợp tác xã, tổ sản xuất và 51 hộ sản xuất, gia công, chế biến nông sản đang hoạt động, góp phần rất lớn vào thu ngân sách huyện.
Để tạo điều kiện cho các ngành CN-TTCN của huyện phát triển, thời gian qua, cùng với Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, huyện Bù Đăng đã mở nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Theo kế hoạch, Bù Đăng sẽ tập trung ưu tiên phát triển một số nhóm ngành như: Công nghiệp chế biến nông - lâm sản, gia công, dịch vụ sửa chữa cơ khí, công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng... Trong đó, công nghiệp chế biến nông - lâm sản và phân vùng sản xuất được huyện ưu tiên phát triển hàng đầu.
Thu hút đầu tư là để công nghiệp huyện có những bứt phá trong tương lai. Do vậy, Bù Đăng cần xác định được thế mạnh để có những cơ chế đặc thù trong mời gọi đầu tư. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã, thị trấn nên gắn với quy hoạch nông thôn mới.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, cần triển khai quy hoạch chi tiết các vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh việc nghiên cứu lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với từng vùng. Chú trọng các biện pháp canh tác hiện đại, đa canh, xen canh, thâm canh, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân; đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng cho các cá nhân và tổ chức; tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại; hỗ trợ lãi suất tín dụng, giống... cho các tổ chức, cá nhân phát triển nguyên liệu công nghiệp.
Với những giải pháp trên, nếu được đầu tư về cơ sở hạ tầng, cùng với chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng chắc chắn rằng công nghiệp Bù Đăng sẽ phát triển không thua nhiều huyện, thị khác trong tỉnh.
Minh Luận
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065