NÔNG DÂN CÓ THỂ GÓP VỐN BẰNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Theo quyết định trên, từ ngày 18-6-2014 - ngày quyết định trên có hiệu lực thi hành, các hộ nông dân tại Sơn La được góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp khi trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi có dự án sử dụng đất góp vốn. Trong trường hợp hộ nông dân không có hộ khẩu thường trú nhưng có đất nông nghiệp tại vùng quy hoạch dự án vẫn được thỏa thuận với DN cao su để góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào dự án trồng cây cao su theo quy định của pháp luật dân sự, mà không thực hiện theo quy định tại quyết định này.
Công nhân tổ 5, Nông trường Xa Trạch, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long thu gom mủ nước - Ảnh: C.Trung
Ngoài điều kiện nêu trên, quyết định cũng quy định rõ về việc góp vốn bằng đất, hộ nông dân phải có diện tích đất nông nghiệp nằm trong vùng quy hoạch đất của dự án, không có tranh chấp, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đất có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo quy định trong thời hạn cho phép và không bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Đối với đất trồng lúa, ngoài các điều kiện như quy định trên, hộ nông dân có quyền sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Về nguyên tắc góp vốn, theo quy định tại quyết định này thì trong vùng quy hoạch dự án, chủ đầu tư phải nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn của dự án. Tất nhiên những hộ nông dân này phải có đủ điều kiện góp vốn theo quy định, đặc biệt là phải có yêu cầu được góp vốn. Việc góp vốn được thực hiện trên cơ sở hợp đồng góp vốn được ký kết giữa hộ nông dân và tổ chức nhận góp vốn theo nguyên tắc tự nguyện, cùng thỏa thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên góp vốn. Trong trường hợp các bên góp vốn không thỏa thuận được các nội dung trên hợp đồng góp vốn thì UBND tỉnh Sơn La xem xét, quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia góp vốn.
Quyết định cũng quy định rõ về tổ chức nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ nông dân là các DN thuộc VRG. Sau khi nhận vốn góp thì VRG phải thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án đầu tư trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La và công ty cổ phần này phải phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật.
NÔNG DÂN SẼ TRỞ THÀNH CÔNG NHÂN VÀ CŨNG LÀ CỔ ĐÔNG
Điểm đáng chú ý trong quyết định trên là khi tham gia góp vốn với DN trồng, khai thác và chế biến mủ cao su bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp, hộ nông dân sẽ có quyền được mua cổ phần phổ thông hoặc ưu đãi theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty. Đồng thời, hộ nông dân còn có đầy đủ các quyền của một cổ đông vì được nắm giữ số cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Cũng theo quyết định này, ngoài quyền trên, hộ nông dân còn được công ty đảm bảo mua lại cổ phần với giá ít nhất bằng giá trị quyền sử dụng đất đã thỏa thuận quy đổi ra cổ phần tại thời điểm góp vốn.
Việc thí điểm theo Quyết định số 990 thành công sẽ mở ra cơ hội mới cho cao su tiểu điền. Trong ảnh: Nông dân huyện Bù Gia Mập cạo phần cây chuẩn bị thanh lý - H.T
Một điểm mới đáng lưu ý nữa là hộ nông dân sau khi trở thành cổ đông còn được công ty ưu tiên thanh toán trước so các cổ đông khác của công ty về phần vốn đã góp vào tổ chức nhận góp vốn khi tổ chức này phá sản, hoặc bị giải thể phải phát mãi tài sản của DN để thanh toán nợ. Bên cạnh đó, hộ nông dân còn được hưởng trợ cấp khi công ty chưa có cổ tức hoặc công ty kinh doanh chưa có lãi, mức trợ cấp cụ thể do hai bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng góp vốn.
Về quyền dân sự, các hộ nông dân sau khi góp vốn cũng có quyền được thừa kế, cho, tặng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã góp vốn theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế, cho, tặng tài sản; được chuyển nhượng phần vốn góp theo hình thức bán cổ phiếu có điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định cụ thể của UBND tỉnh Sơn La; được hưởng các hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, của địa phương và của công ty...
Quyết định trên cũng nêu rõ về nghĩa vụ của tổ chức nhận vốn góp, ngoài các nghĩa vụ như thanh toán cổ tức và các khoản hỗ trợ, trợ cấp... cho hộ nông dân góp vốn đảm bảo đầy đủ và đúng thời hạn, công ty có nghĩa vụ nhận thành viên trong độ tuổi lao động của hộ nông dân góp vốn vào làm việc trong DN. Cuối cùng là DN nhận vốn góp có nghĩa vụ hỗ trợ kinh phí cho hộ nông dân góp vốn ổn định đời sống và thực hiện chuyển đổi nghề trong trường hợp không nhận thành viên của hộ nông dân vào DN.
CƠ HỘI CHO CAO SU TIỂU ĐIỀN
Nếu việc triển khai thí điểm thực hiện Quyết định số 990/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thành công thì đây là cơ hội cho các chủ vườn cao su tiểu điền ở Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung. Bởi lẽ sau khi góp vốn bằng đất hoặc diện tích cao su hiện có của gia đình vào DN thì sẽ có nhiều nông dân trở thành cổ đông, đồng thời là công nhân trong các DN trồng và chế biến mủ cao su. Bên cạnh đó, khi quyết định này được thực hiện trên diện rộng thì tình trạng canh tác manh mún sẽ được xóa bỏ, những mảnh vườn cao su nhỏ lẻ sẽ được dồn điền thành rừng cao su.
Đây cũng là giải pháp phát triển bền vững cho cây cao su, nhất là đối với cao su tiểu điền. Bởi theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 234 ngàn ha cao su, trong đó gần 100 ngàn ha của các DN nhà nước. Như vậy, khoảng 134 ngàn ha cao su còn lại là của các hộ tiểu điền. Và vấn đề ở đây là sản lượng bình quân của cao su tiểu điền ở nơi tốt nhất cũng chỉ bằng sản lượng trung bình của các DN nhà nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này, nhưng nguyên nhân chính là giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác. Cụ thể, các DN cao su của Nhà nước ứng dụng khoa học trong chọn, lai tạo giống phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng. Đặc biệt, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và khai thác mủ cao su trong các DN nhà nước được thực hiện khoa học và đúng quy trình.
Hơn nữa, các DN cao su nhà nước có công nghệ chế biến hiện đại và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu của thị trường thế giới. Trong khi đó, tất cả sản lượng khai thác được của cao su tiểu điền đều thông qua tư thương thu gom, rồi bán lại cho các nhà máy chế biến của các DN nhà nước. Vì vậy giá trị thu được của cao su tiểu điền đã thấp lại càng thấp hơn. Và đây là lời giải của câu hỏi vì sao giá cao su xuất khẩu trên thị trường thế giới liên tục xuống thấp trong thời gian qua nhưng các DN cao su nhà nước vẫn đứng vững, vẫn sản xuất - kinh doanh có lãi, mở rộng diện tích cao su ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, Tây Bắc và ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, trong khi nhiều hộ cao su tiểu điền đã và đang quay lưng với cây cao su, thậm chí có không ít hộ đã chặt loại cây này để trồng cây khác.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự nỗ lực của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam các DN thành viên, mong rằng việc thí điểm trên sẽ sớm mang lại hiệu quả. Và hạnh phúc sẽ đến với những ai biết chờ đợi!
Nhật Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065