BP - Theo sử cũ, vua Minh Đế là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú tại núi Ngũ Lĩnh gặp nàng tiên nữ và kết duyên vợ chồng, rồi sinh được một người con trai khôi ngô, tuấn tú tên là Lộc Tục. Vua Minh Đế chia nước thành hai phần, lấy đất phía Nam giao cho Lộc Tục cai quản. Lộc Tục lên ngôi xưng là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Quỷ vào năm 2879 trước Công nguyên. Kinh Dương Vương lấy con gái của thần hồ Động Đình là Long Nữ và sinh được một người con trai đặt tên Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân. Sùng Lãm lấy con gái của vua Đế Lai là nàng Âu Cơ. Vợ chồng Sùng Lãm, Âu Cơ đẻ ra cái bọc trăm trứng, nở ra thành trăm người con.
Khi các con lớn, Lạc Long Quân đưa 50 người xuống biển, Âu Cơ mang 50 người lên núi chia nhau canh giữ, cai quản đất đai, rừng núi và biển đảo. Người con trưởng của Lạc Long Quân dừng lại ở đất Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ ngày nay) lên ngôi vua lấy hiệu là Vua Hùng và dựng đô, lập nước Văn Lang. Vua chia nước thành 15 bộ, sắp đặt quan lại trông coi, tướng văn là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai là Quan Lang, con gái là Mỵ Nương... Theo truyền thuyết, khởi tổ của vua Hùng từ đời Kinh Dương Vương (ông nội) đến vua Hùng thứ 18 đã truyền được 20 đời vua, tức từ năm 2879 đến năm 258 trước Công nguyên. Trong thời kỳ sơ khai của Nhà nước Văn Lang, các vua Hùng đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi, dạy dân chúng làm ruộng nước, thuần dưỡng trâu bò làm sức kéo, đoàn kết chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm, xây dựng xóm làng, tổ chức lễ hội văn hóa... Các vua Hùng không những có công dựng nước mà còn xây dựng nền văn hóa yêu chuộng hòa bình, nhân nghĩa và truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy vào thời kỳ này, nền văn học dân gian của nước Việt cổ đại phát triển khá mạnh, bao gồm nhiều chuyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ... đậm đà bản sắc văn hóa người Việt, giàu tính nhân văn. Các truyền thuyết như Phù Đổng Thiên Vương là tiêu biểu về sự đoàn kết chống ngoại xâm của người Việt; Sơn Tinh, Thủy Tinh là ý chí quật cường của người Việt Nam trong việc chống chọi với thiên tai, sống chung với thiên nhiên bắt thiên nhiên, thuần phục con người...
Ngoài ra, một số nghiên cứu của giới sử học còn nhận thấy ở giai đoạn này đã khởi đầu cho nền văn minh của người Việt cổ qua các di chỉ khảo cổ học giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn đến văn hóa Đông Sơn phát triển một cách rực rỡ... tạo nên khí phách của người Việt Nam hôm nay. Nét văn hóa độc đáo đó được phác thảo qua những hình vẽ trên trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ và được bảo lưu cho đến ngày nay. Trong cuộc sống xã hội, gia đình và dòng họ, thời vua Hùng là những kết cấu kinh tế và huyết thống đảm bảo quá trình phát triển của các thành viên cộng đồng. Làng của người Việt cổ dưới thời các vua Hùng là cơ sở kinh tế của xã hội, là địa bàn giao lưu, duy trì phát huy truyền thống văn hóa dân tộc còn nguyên giá trị cho tận ngày hôm nay, dù đã chuyển đổi thành tên gọi như khu dân cư, tổ, thôn hay khu phố... Di sản của các vua Hùng và người Việt cổ đã truyền lại cho thế hệ con cháu hôm nay không phải là những thành cao, hào sâu hay các công trình kiến trúc đồ sộ mà đó là những giá trị tinh thần, bài học về phẩm chất con người, về chủ nghĩa nhân văn cao quý, lòng tự hào, truyền thống dân tộc, về sử dụng tài hoa để phục vụ cuộc sống, phục vụ cộng đồng, phục vụ nhân dân, không vì hư danh, danh lợi cá nhân... Những di sản từ thời các vua Hùng để lại hiện đang là tài sản vô giá đối với nhân dân Việt Nam và đang được các thế hệ người Việt tiếp tục tiếp thu và phát huy trong quá trình xây dựng đất nước. Chính vì vậy, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã phát biểu khi đến thăm đền Hùng rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã thể hiện tất cả những giá trị mà các vua Hùng cùng bậc tiền nhân để lại cho dân tộc, đất nước ta...
Cũng chính vì vậy, ngày 21-6-2013, tại Văn bản số 2296/BVHTTDL-MTNATL, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam đã đưa ra danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam, theo đó các vua Hùng đứng hàng thứ nhất và là Quốc tổ của người Việt.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065