Huế là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn đến kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Cố đô Huế ngày nay là Di sản văn hóa thế giới; nơi lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng những giá trị đặc biệt, biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Không những thế, Huế còn là thành phố Festival, nơi tổ chức sự kiện văn hóa du lịch đặc thù, diễn ra 2 năm một lần với quy mô quốc tế. Festival Huế đã trở thành thương hiệu văn hóa, du lịch không chỉ của riêng miền Trung mà còn của cả nước, trở thành một sản phẩm đặc sắc để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
VÀI NÉT VỀ KINH THÀNH HUẾ
Kinh thành Huế được xây dựng dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, tọa lạc ở phía Bắc sông Hương, mặt quay về hướng Nam. Kinh thành Huế là sự kết hợp độc đáo giữa nguyên tắc kiến trúc truyền thống Việt Nam, tư tưởng triết lý phương Đông với thuyết “âm dương ngũ hành” cùng những đặc điểm mang ảnh hưởng kiến trúc quân sự phương Tây. Trải qua hàng trăm năm, khu kinh thành hiện nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn với gần 140 công trình xây dựng lớn nhỏ. Kinh thành có hình vuông với chu vi 10km, cao 6,6m, dày 21m, gồm 10 cửa ra vào. Xung quanh và ngay trên thành người ta thiết lập 24 pháo đài phòng thủ; ngoài ra còn có một cửa phụ thông với Trấn Bình Đài gọi là Thái Bình Môn.
Cảnh Đại Nội “Đêm Hoàng cung” Festival Huế 2012
Nằm ở khoảng giữa kinh thành là nơi đặt các cơ quan cao nhất của chế độ quân chủ và là nơi thờ tự các vua chúa đã quá cố. Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600m, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa ra vào, riêng cửa Ngọ Môn chỉ dành để cho vua đi. Đại Nội gồm hơn 100 công trình kiến trúc được chia ra nhiều khu vực. Từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa là nơi cử hành các lễ lớn của triều đình. Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và điện Phụng Tiên là nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn. Phủ Nội vụ là nhà kho tàng trữ đồ quý, xưởng chế tạo đồ dùng cho Hoàng gia. Vườn Cơ Hạ và điện Khâm Văn là nơi các hoàng tử học tập và chơi đùa.
Tử Cấm Thành là vòng thành nằm trong Hoàng Thành ngay sau lưng điện Thái Hòa. Tử Cấm Thành dành riêng cho vua và gia đình vua. Tử Cấm Thành được xây dựng năm 1804. Thành cao 3,72m xây bằng gạch, dày 0,72m, chu vi khoảng 1.230m, phía trước và phía sau dài 324m, trái và phải hơn 290m, bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ và có 7 cửa ra vào. Ngoài ra, ở Huế còn có khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn, gồm 7 lăng. Mỗi lăng mang một sắc thái riêng nhưng đều là những kỳ công tạo dựng của con người.
THÀNH PHỐ FESTIVAL
Dự kiến chương trình chính tại Festival Huế 2014: Chương trình nghệ thuật khai mạc tại Kỳ Đài, quảng trường Ngọ Môn; đêm hoàng cung tại Đại Nội (có dạ nhạc tiệc); lễ hội áo dài tại Kỳ Đài, quảng trường Ngọ Môn; chương trình sân khấu hóa tôn vinh ca Huế “Âm sắc Hương Bình” tại Nghinh Lương Đình; chương trình “Đêm Phương Đông” tại sân trước điện Thái Hòa - Đại Nội; chương trình nghệ thuật sắp đặt lửa tại cầu Trường Tiền của đoàn Carabosse (Pháp); lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” của các đoàn nghệ thuật Đông Á - Mỹ latinh trên những đường phố chính của thành phố Huế và chương trình nghệ thuật bế mạc tại công viên cầu Gia Hội.
|
Ngày 30 tháng 8 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 143/2007/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án xây dựng Huế là thành phố Festival của Việt Nam. Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, là một sự kiện văn hóa lớn nhằm mục đích tôn vinh các di sản văn hóa Huế. Festival Huế đầu tiên có tên là “Festival Việt - Pháp” được tổ chức năm 1992. Đến năm 2000 thì đổi tên là Festival Huế. Festival Huế có nhiều chương trình lễ hội cộng đồng với một không gian rộng lớn cả trong và ngoài thành phố, góp phần làm sống lại các giá trị văn hóa của Huế. Các chương trình như: Đêm Hoàng cung, lễ tế Nam Giao, lễ Truyền lô và Vinh quy bái tổ, lễ hội áo dài, lễ hội biển, thả diều, thả và diễn thơ, chợ quê ngày hội, cờ người... đồng thời phục dựng những lễ hội khác như: Tái hiện lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế; tổ chức hội thi tiến sĩ võ; khai thác không gian văn hóa tại khu Hổ Quyền - Voi Ré... đã làm sống động những ngày lễ hội Festival Huế trên đất cố đô.
Tiếp tục chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế lần thứ 8 năm 2014 diễn ra từ ngày 12-4 đến ngày 20-4 là nơi tụ hội của các thành phố cố đô của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới. Festival Huế 2014 tiếp tục là hoạt động văn hóa đặc biệt trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ latinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng. Festival Huế 2014 quy tụ các chương trình nghệ thuật tiêu biểu, đặc trưng cho những vùng văn hóa và các thành phố cố đô của Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế; các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại của trên 30 quốc gia đến từ 5 châu lục diễn ra hàng đêm tại các sân khấu ở Đại Nội, cung An Định và các sân khấu cộng đồng khắp các thị trấn vùng xa của tỉnh Thừa Thiên - Huế. (*)
(*) Theo tài liệu của trang thông tin Trung tâm Festival Huế.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065